Aa

Hà Nội: Mỹ quan đô thị nhìn từ những viên đá lát vỉa hè

Thứ Sáu, 27/11/2020 - 09:20

Lát đá vỉa hè là bước ngoặt lớn trong việc cải tạo diện mạo Thủ đô Hà Nội, nhưng thực tế việc triển khai tại nhiều tuyến đường còn không ít bất cập ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị.

Cuối năm 2016, TP Hà Nội ban hành quy định mới về chỉnh trang, cải tạo hè phố, đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên, có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.

Từ kế hoạch “tạo diện mạo mới cho Thủ đô”...

Theo kế hoạch ban đầu, khoảng 100 tuyến phố tại các quận, huyện, thị xã của Hà Nội được lát vỉa hè bằng đá tự nhiên theo quyết định về thiết kế mẫu hè đường đô thị mới.

Cụ thể, quận Ba Đình sẽ có các tuyến phố hè phố Chu Văn An, Nguyễn Cảnh Chân, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong, Trần Phú, hè xung quanh Viện bảo tàng Hồ Chí Minh và Viện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hoàng Diệu, Nguyễn Thái Học – Kim Mã, Huỳnh Thúc Kháng, Quán Thánh, Văn Cao – Liễu Giai – Nguyễn Chí Thanh, Đội Cấn, Nguyễn Trường Tộ, Hàng Bún – Nguyễn Khắc Nhu.

Quận Đống Đa gồm tuyến Nguyễn Lương Bằng – Tây Sơn, Huỳnh Thúc Kháng – Thái Hà – Chùa Bộc, Nguyễn Khuyến, Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Hoàng Cầu, Yên Lãng, Khâm Thiên, Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh, Thái Thịnh, Cát Linh, Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Bích Câu, Lương Định Của, Xã Đàn, Ô chợ Dừa, Giảng Võ, Tôn Thất Tùng, Trần Quang Diệu.

Lát đá vỉa hè - kế hoạch "thay áo mới" cho Thủ đô.

Quận Hai Bà Trưng gồm hè phố Quang Trung, Tô Hiến Thành, Lê Đại Hành, Trần Khát Chân, Hoa Lư, Nguyễn Đình Chiểu, Thể Giao, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Hưu, Ngô Thì Nhậm, Lò Đúc và các tuyến phố cũ.

Quận Tây Hồ gồm các tuyến phố Trích Sài, Quảng Bá, Nguyễn Đình Thi, phố Yên Hoa, đoạn phố Nhật Chiêu đến phố Quảng Bá, đường Thanh Niên, đường Lạc Long Quân, đường Võ Chí Công, đường Xuân La.

Quận Hoàn Kiếm gồm các tuyến phố Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Đình Ngang, Tống Duy Tân và ngõ Cấm Chỉ, Trần Phú, Hàm Long, Ngô Thì Nhậm, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Trương Hán Siêu, Cửa Đông, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, phố Huế, Lê Duẩn, Dã Tượng, Đình Ngang, Liên Trì, Nam Ngư, Nguyễn Gia Thiều, Phan Bội Châu, Ngô Quyền.

Quận Hoàng Mai gồm tuyến đường Giải Phóng, đường gom vành đai 3 dưới thấp, đường 2,5, vỉa hè khu đô thị Định Công (phía đường 2,5), Kim Giang.

Quận Hà Đông sẽ có các tuyến đường Ngô Quyền, vỉa hè hai bên đường Quốc lộ 21B, Trần Phú, đường 36m, Nguyễn Văn Lộc, Tô Hiệu, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Trãi, Lê Hồng Phong – phường Nguyễn Trãi, Lê Hồng Phong – phường Hà Cầu, trục đường 44m.

Theo quy định của TP, vật liệu đá tự nhiên sử dụng để lát phải đảm bảo các thông số phù hợp với quy định tại tiêu chuẩn đá ốp lát tự nhiên TCVN 4732:2007, không sử dụng nhóm đá vôi, khảo sát và xác định nguồn gốc đá rõ ràng. Trên các tuyến đường, tuyến phố khi vỉa hè có chiều rộng không đều, chiều rộng hẹp cần lựa chọn kích thước viên đá cho phù hợp. Nhiều tuyến phố trên địa bàn được lát hè bằng gạch tezarro hoặc gạch bê tông vân đá, gạch block. Đồng thời, chỉ thực hiện thực hiện lát đá vỉa hè với điều kiện đã hạ ngầm hệ thống dây nổi, đồng bộ hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi, các công trình kiến trúc hai bên đường đã được xây dựng ổn định; đồng bộ với việc cải tạo chỉnh trang mặt tiền các tuyến phố.

Chủ trương thiết kế hè đường của Hà Nội chỉ thực hiện trên các tuyến phố có vỉa hè đã xuống cấp, khi làm sử dụng vật liệu tự nhiên có độ bền 50 - 70 năm và có giám sát chất lượng công trình. Tuy nhiên, các quận huyện khi triển khai thực hiện chưa đúng, hiểu sai nguyên tắc chỉ đạo trên dẫn đến nhiều bất cập như hồ sơ thiết kế sơ sài, thiếu đánh giá hiện trạng, quản lý chất lượng thi công chưa chặt chẽ... 

Tuy nhiên, tùy theo từng chủ đầu tư, nhà thầu sẽ lựa chọn các loại đá có nguồn gốc, xuất xứ khác nhau. Cụ thể, trong hồ sơ mời thầu, các đơn vị phải quy định rõ cơ sở xét thầu về vật liệu đá lát. Đá lát hè sử dụng đá tự nhiên phải quy định rõ tiêu chuẩn kỹ thuật đối với nhóm đá granit và nhóm đá hoa về độ bền uốn, độ hút nước, độ cứng vạch bề mặt, độ chịu mài mòn.

Đơn cử, quận Hoàn Kiếm sử dụng đá lát kích thước 40 x 40 x 5cm, nhóm đá marble theo tiêu chuẩn quốc gia về đá ốp, lát tự nhiên. Nguồn gốc của loại đá tự nhiên được lấy từ Thanh Hóa. Đối với đá lát hè, đường dạo khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm sử dụng đá granit có xuất xứ từ Bình Định, Phú Yên với chiều dày 10cm. Đá granit có độ cứng cao, khả năng chịu được lực tốt và không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố thời tiết.

Theo Quyết định số 4030 của UBND TP. Hà Nội ngày 20/08/2014, quy định về việc “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội”, quy định rõ giá đá xanh tự nhiên có mức giá từ 625.000 - 740.000 đồng/m2 (mức giá trên được tham khảo giá đá Thanh Hóa trên thị trường tại thời điểm ban hành quyết định này).

Trong khi đó, theo ông Ngô Thế Anh, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng hiện có trên 100 tuyến phố theo địa giới hành chính; sử dụng đá có độ bền 70 năm, nguồn đá được sử dụng chủ yếu cũng có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Vỉa hè được lát bằng đá tự nhiên có kết cấu bền vững, có tuổi thọ sử dụng 50-70 năm theo chủ trương và chỉ đạo của TP. Bởi thực tế hiện nay không có định danh về độ bền 70 năm, chỉ quy định cường độ, độ bền uốn, độ dày của đá. Chủng loại đá lát vỉa hè phải có nguồn gốc đá marble trở lên. Còn những loại vật liệu khác như cát, xi măng... được lấy mẫu theo tiêu chuẩn hiện hành...

Mỗi địa bàn Quận là một CĐT
Mỗi địa bàn Quận là một CĐT

Tùy theo từng chủ đầu tư, nhà thầu sẽ lựa chọn các loại đá có nguồn gốc, xuất xứ khác nhau.

Về quy trình thi công, Sở Xây dựng đề nghị các quận, huyện tuân thủ nghiệm thu tại 3 bước:

Một, các đơn vị chỉ lát hè khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật như hạ ngầm hệ thống cấp thoát nước, trồng cây xanh, chiếu sáng, cấp điện, thông tin liên lạc.... Xung quanh các hố ga, miệng cống, ống cấp thoát nước... phải bảo đảm kín khít, tránh hiện tượng rò rỉ nước làm rút cát, nền đất gây sụt lún nền hè.

Toàn bộ mặt nền hè đường phải được đầm chặt bảo đảm theo yêu cầu thiết kế, bảo đảm độ dốc thiết kế từ ranh giới lát hè đến hàng bó vỉa và phải tổ chức nghiệm thu trước khi đổ bê tông.

Hai, bê tông phải bảo đảm về cường độ và chiều dày đối với từng loại kết cấu hè theo quy định; bảo đảm độ dốc, cao độ vỉa hè theo thiết kế; lấy mẫu kiểm tra cường độ bê tông theo quy định và phải nghiệm thu trước khi lát đá.

Ba, đối với các vị trí lát đá sát các gốc cây, tủ điện, cột điện, hố ga, các góc cong... phải được thi công bảo đảm yêu cầu mỹ thuật. Với các gốc cây có kích thước lớn, rễ cây nhô lên cao cần được thiết kế cụ thể bó gốc cây bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cây xanh.

Không có định danh độ bền 70 năm

Kế hoạch là vậy song đã có rất nhiều lý do đã khiến cho vỉa hè được lát đá có tuổi thọ 70 năm vừa đi vào sử dụng đã “chết yểu”. Trước thực trạng đó, kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Viện Kiến trúc Quốc gia cho biết, việc gạch đá vỡ nát, xuống cấp nghiêm trọng do nghiên cứu không nghiêm túc, chọn vật liệu không phù hợp với Hà Nội. Rất nhiều TP sử dụng vật liệu tái sử dụng, phế thải xây dựng nghiền ra, dùng chất kết dính cường độ cao nén áp suất cao có độ bền còn hơn vật liệu tự nhiên.

Cụ thể, nếu vỉa hè chỉ để sử dụng cho người đi bộ thì tuổi thọ theo như con số 70 năm là hoàn toàn khả thi; còn nếu có nhiều phương tiện đi lại như ôtô, xe máy, sẽ có ảnh hưởng lớn đến kết cấu và tuổi thọ của đá lát vỉa hè.

Một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như: Giải Phóng (quận Hoàng Mai), Lê Hồng Phong (quận Ba Đình), hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Trãi ( quận Thanh Xuân), Trần Duy Hưng, Trung Kính (quận Cầu Giấy),… vỉa hè lát đá tiếp tục xuất hiện tình trạng xuống cấp sau hơn 2 năm triển khai lát đá tự nhiên có "tuổi thọ" 70 năm

Khi tăng chiều dày, giảm tiết diện của đá thì độ bền sẽ càng tăng. Số đá được đơn vị cung cấp cho một số tuyến phố ở Thủ đô có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Chủng loại đá lát vỉa hè được sử dụng là marble trở lên. Khi chọn đá, nhà thầu sẽ dựa theo Tiêu chuẩn Việt Nam 4732:2016 (tiêu chuẩn đá ốp tự nhiên) về phôi đá, kết cấu đá. Khi đá đạt các chỉ tiêu về cơ lý thì công ty sẽ gia công đúng kích thước, tiết diện theo yêu cầu của đơn đặt hàng.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia khẳng định, việc Hà Nội triển khai lát vỉa hè bằng đá tự nhiên đã tạo ra một diện mạo mới cho Thủ đô, thậm chí từng bước nâng cao ý thức trong việc quản lý, sử dụng vỉa hè của người dân. Thế nhưng, “của bền tại người” nên nếu người dân, chính quyền địa phương không thực sự quyết liệt trong việc bảo vệ, giữ gìn, xử lý nghiêm hành vi xâm hại những dự án nói trên thì hiệu quả đem lại khó đạt được như kỳ vọng.

Hà Nội và 3 lần "đại tu" vỉa hè.

Trước đó, để phục vụ công tác chỉnh trang, cải tạo hè phố, từ 2010 đến năm 2020, Hà Nội đã có 3 lần đại tu vỉa hè. Cụ thể, năm 2011, nền gạch đỏ trên vỉa hè tại các quận trung tâm được thay thế bằng gạch block tự chèn với các loại gạch terrazzo, lục giác.

Giai đoạn 2013 - 2014, vỉa hè được giao cho các quận chuyển sang lát gạch giả đá, riêng bó vỉa hè là đá xanh tự nhiên. Đến năm 2017, Hà Nội bắt đầu thay thế gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.

Vào đầu tháng 11.2020, theo ghi nhận của PV, tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, dù vỉa hè mới được đầu tư lát đồng bộ đá tự nhiên tuổi thọ 70 năm từ khoảng quý III năm 2017 nhưng sau 2 - 3 năm đã xuất hiện nhiều vị trí đá lát bị bung, vỡ, sụt lún.

Lát đá vỉa hè nhìn từ các nước phương Tây – Sự hòa quyện giữa thẩm mỹ và sức khỏe cộng đồng

Phần lớn vỉa hè các khu đô thị ở các nước phương Tây được lát bằng đá. Vỉa hè đã có trong lịch sử ít nhất 4000 năm. Thành phố Corinth của Hy Lạp đã có vỉa hè vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, người La Mã cũng biết xây dựng vỉa hè - họ gọi chúng là sēmitae. Hiện nay, truyền thống đó vẫn được duy trì ở rất nhiều thành phố lớn trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi thành phố lại chọn một cách lát đá vỉa hè khác nhau.

Trong khi đó, lát đá vỉa hè nhìn từ các nước phương tây là sự hòa quyện giữa thẩm mỹ và sức khỏe cộng đồng.

Thành phố nổi tiếng không có một tấc đất trần nào phải kể đến là Rome (Ý). Việc lát đá vỉa hè ở thành phố mang danh lịch sử này được thực hiện hết sức chặt chẽ. Nền đường được đào một lớp sâu từ 30 – 60cm. Họ dát một lớp đá cứng sau đó phủ lên một lớp khoảng 25 – 30cm đá nhỏ hơn. Lớp này được kết dính bằng vôi và pozzolana (tương tự xi măng). Lớp bề mặt trên cùng là lớp lá đa giác. Chiều rộng của các con đường La Mã thường xây dựng có độ cong, theo kiểu dốc kép, điểm cao nhất ở tâm và dốc về hai phía. Kiểu xây dựng như vậy nhằm ngăn chặn sự ứ đọng của nước mưa và nước dễ dàng chảy xuống cống.

Hầu hết các trung tâm lịch sử của Rome và các đường phố chính đều được lát bằng đá sampietrini. Loại đá này phổ biến ở Rome bởi vì chúng thích nghi hoàn hảo với hình dạng của mặt đất và nó là đá núi lửa rắn, có thể chịu được tải trọng lớn từ giao thông. Đá ở đường phố Rome được cắt thành những khối lập phương hoặc hình nón, có kích thước nhỏ bằng nửa viên gạch để lát. 

Đá lát tại một quảng trường ở Rome (Italia).

Tuy vậy thời gian gần đây, đá sampietrini ở Rome đã bị Hội đồng thành phố loại bỏ dần dần, vì chúng được coi là không an toàn cho giao thông địa phương. Đá này có đặc điểm rất trơn vào trời mưa và gây ra tiếng động khi lái xe trên đường. Hơn nữa, những viên đá sampietrini được lát trên đường phố Rome chỉ đơn giản là ghép lên một lớp cát chứ không được cố định vào nền đất bằng xi măng hoặc bất kỳ chất kết dính nào khác. Do đó đòi hỏi bảo dưỡng nhiều hơn các loại đá khác mới đảm bảo an toàn.

Hiện nay sampietrini được thay thế dần nhưng vẫn được dùng để lát ở những nơi mật độ giao thông chậm và trung tâm lịch sử như trastevere để thể hiện một phần của văn hóa La Mã.

Ngoài đá sapietrini thì một số đường phố ở Rome cũng dùng đá travertine - một loại đá trầm tích có niên đại từ 27 đến 25 trước Công nguyên để lát vỉa hè.

Một trong những đặc điểm nổi bật của đường phố Bồ Đào Nha là những vỉa hè kiểu truyền thống mang đầy tính chất nghệ thuật là các mảnh đá nhỏ phẳng được sắp xếp theo một mô hình hoặc hình ảnh nhân vật, giống như một bức tranh khảm. Hình thức nghệ thuật này cũng được sử dụng trong Công viên Trung tâm của New York để tưởng nhớ John Lennon, và nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật New Jersey.

Ngày nay "vỉa hè Bồ Đào Nha" được xem như là một phần di sản và bản sắc của đất nước, tiếp tục trang trí các đường phố và quảng trường nổi tiếng khắp Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, vỉa hè kiểu này ở thời hiện đại không còn được lát nhiều ở Bồ Đào Nha, nó chỉ còn lưu lại ở những con phố lịch sử như ở quảng trường thị trấn và các sân khấu nghệ thuật ngoài trời.

Đá lát vỉa hè tại Bồ Đào Nha

Hiện nay, thời đại của bê tông hóa đã giảm đi những kiểu lát đá vỉa hè nghệ thuật. Hơn nữa, vì mặt đường hiện nay giao thông mật độ dày hơn cho nên đá ghép rời như vậy sẽ trở thành mối nguy hiểm khi vấp ngã, thi công lát đá cũng phải là thủ công tốn kém hơn, nhanh mòn hơn bê tông hoặc nhựa đường.

São Paulo bị thay thế dần bằng loại vỉa hè rẻ hơn, các thành phố khác của Brazil như Rio de Janeiro vẫn dùng vật liệu cũ nhưng hoa văn có thay đổi. Ví dụ điển hình của việc lát đá hiện đại có thể được nhìn thấy ở khu dân cư Parque das Nações của Lisbon, với hình ảnh "quái vật biển" và nhiều thiết kế sóng lượn.

Tại nước Anh, người dân quan niệm, lát hè phố không phải chuyện đơn giản và tầm thường mà đó là một trong những hạng mục quan trọng trong cảnh quan đô thị. Không có lát đá sẽ không có thị trấn hoặc thành phố. Mưa biến đất nặng thành bùn lầy không thể vượt qua. Vì thế một trong những mục đích chính của việc lát đá chỉ đơn giản là giúp lối đi an toàn và hiệu quả mà còn liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Trước sự xuất hiện của động cơ ô tô, đường phố nhanh chóng tích tụ chất thải động vật và rác thải vì thế nền đường dễ vệ sinh, không thấm nước là chìa khóa để duy trì một môi trường có thể chấp nhận được trong khu đô thị.

Việc lát đá đường ở Anh có từ thời tiền sử, với những con đường bằng gỗ hoặc đá cuội sông ở lối vào các pháo đài trên đồi và những con đường chính như đường Sharpstone ở Shropshire.

Đến khi xe cơ giới xuất hiện thì lối đi bộ được lát đá hoa cương (vùng Scotch) hoặc đá cuội vuông (vùng Jersey). Dần dần, đến thế kỷ 19 thì vỉa hè bắt đầu được ghép bằng đá dăm. Đến thời hiện đại, người Anh đi bộ thể dục nhiều thì vỉa hè được quan tâm hơn về tính thẩm mỹ. Chính quyền địa phương cho rằng việc lát đường có thể tăng thêm vẻ trang nghiêm và tinh tế cho một thị trấn, và là một vấn đề đáng tự hào.

Thời điểm hiện tại, việc lát đá lối đi bộ ở Anh không chỉ bao gồm đá mà còn nhiều loại vật liệu được sản xuất từ bê tông, bằng gang… Tùy thuộc vào văn hóa bản địa. Câu chuyện lát đá không chỉ là việc sử dụng vật liệu có nguồn gốc địa phương, mà còn là độ bền và tính tiết kiệm. Đá lề đường phải chịu được mưa, tuyết, sương giá, nhiệt và giao thông. Vật liệu lát đá phổ biến nhất ở quốc gia này hiện nay là đá granit, đá sa thạch, bazan hoặc đá cát và đá vôi cứng hơn tùy vùng.

Quay trở lại thực tế tại Việt Nam, trước việc một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô lát đá vỉa hè chưa thống nhất về chất lượng, kích thước, quy cách đúng như quy định, TP Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra về lát đá vỉa hè trên địa bàn. Trước mắt, đoàn tập trung kiểm tra ở 4 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Ba Đình.

Hà Nội lập Đoàn thanh tra giám sát việc thi công lát đá vỉa hè

Thành phần chính của đoàn kiểm tra gồm đại diện một số phòng, ban của Sở Xây dựng Hà Nội, Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội. Theo đó, Đoàn sẽ yêu cầu các địa phương cung cấp hồ sơ thiết kế, bản vẽ, chủ trương đầu tư, định mức đơn giá, kích thước và nguồn gốc đá lát vỉa hè...

Ngoài ra, các đoàn sẽ tiến hành kiểm tra thực địa với việc tiến hành khoan lõi lấy mẫu xác suất để phân tích, kiểm tra chất lượng; kiểm tra các lớp kết cấu hè theo hồ sơ thiết kế được duyệt gồm gạch, đá lát hè, cường độ và chiều dày các lớp kết cấu bê tông, vữa lát hè, độ chặt nền... để đánh giá lại chất lượng các công trình, từ đó đưa ra các phương án xử lý dứt điểm nhằm khắc phục thực trạng trên!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top