Trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có khoảng 6,6 triệu phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó xe máy lên tới 6 triệu chiếc, tốc độ tăng trưởng hàng năm của ô tô là 11%, của xe máy là 6,75%. Trong khi đó, diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 9,38%. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế, phương tiện hiện nay, Sở GTVT cho rằng, hệ thống hạ tầng không thể đáp ứng kịp.
Theo tính toán của Sở GTVT Hà Nội, diện tích chiếm dụng của phương tiện giao thông đã vượt năng lực đáp ứng của hạ tầng giao thông. Diện tích chiếm dụng phương tiện đã chiếm 1,34 lần diện tích mặt đường toàn thành phố và 3,7 lần khu vực vành đai 3.
Số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội đã giảm từ 44 điểm năm 2015 xuống còn 27 điểm vào năm 2019. Tuy nhiên, tình hình ùn tắc giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp, thời gian ùn tắc kéo dài, mức độ ùn tắc thường xuyên và nghiêm trọng hơn, đặc biệt trong khu vực trung tâm với trên 80% số điểm.
Trước tình hình trên, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 là hết sức cần thiết. Điều này nhằm xác định cụ thể phạm vi dừng hoạt động của xe máy, các điều kiện cần thiết để đáp ứng sự đi lại của nhân dân khi dừng hoạt động của xe máy.
Tại Đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận đến năm 2030”, Sở GTVT Hà Nội cho hay, căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) sẽ tiến hành lựa chọn vành đai hạn chế hoạt động phù hợp.
Bởi vậy, trong quá trình xây dựng Đề án sẽ đưa ra vùng hạn chế xe máy phù hợp, tùy tình hình thực tiễn, tác động giao thông và khả năng đáp ứng của VTHKCC. Sở GTVT khẳng định, chỉ đề xuất xem xét dừng hoạt động xe máy khi hệ thống VTHKCC và các phương tiện thay thế đáp ứng được tối thiểu 60,5% nhu cầu đi lại của người dân.
Để đảm bảo yêu cầu này, đến năm 2030 cần đưa vào hoạt động 8 tuyến đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến xe buýt, 35.000 xe taxi, 50.000 - 55.000 xe hợp đồng, 15 - 20 tuyến minibus…
Dừng đăng ký xe máy trong quận nội thành
Để thực hiện được việc hạn chế xe máy trong nội thành, TP. Hà Nội sẽ đưa ra các giải pháp hỗ trợ như dừng cấp đăng ký mới xe máy tại một số quận khu vực trung tâm; không hạn chế xe máy ngoài giờ hoạt động của VTHKCC; miễn, giảm giá vé sử dụng dịch vụ VTHKCC đối với người dân sinh sống trong khu vực hạn chế…
Trên cơ sở mục tiêu và các điều kiện để năm 2030 dừng hoạt động xe máy tại nội thành, đề xuất trong giai đoạn 2020 - 2030, cần lựa chọn các tuyến phố và các khu vực có thể thực hiện việc dừng hoạt động xe máy khi đảm bảo các điều kiện đặt ra.
Đối với tuyến đường, hạn chế hoạt động xe máy trên tuyến đường có năng lực hệ thống VTHKCC đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tập trung nghiên cứu trên các tuyến có đường sắt đô thị.
Tuy nhiên, Đề án cũng đưa ra yêu cầu, cần xem xét kỹ việc ảnh hưởng tới các tuyến đường xung quanh; đề xuất xem xét các tiêu chí về ùn tắc giao thông khi hạn chế hoạt động xe máy trên các tuyến.
Cùng với việc mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm trong phạm vi khu bảo tồn cấp I, cần nghiên cứu tổ chức không gian đi bộ trên toàn thành phố, ở các khu vực khác như Thủ Lệ, hồ Thành Công, hồ Trúc Bạch, Quảng Bá - Trịnh Công Sơn…
Bên cạnh đó, sẽ thực hiện việc dừng xe máy có thể theo giờ và theo ngày trong tuần đối với khu vực, tuyến đường lựa chọn (trên các tuyến đường hạn chế vào các khung giờ cao điểm…).
“Để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, đề xuất chỉ hạn chế xe máy trong khung giờ hoạt động của hệ thống VTHKCC, từ 6h - 22h”, đề án nêu.