Aa

Hà Nội ngập úng: Lỗi từ quản lý cốt nền đô thị?

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 30/07/2018 - 06:01

Trận mưa lịch sử năm 2008 tại Hà Nội và thực tế nhiều năm qua cho thấy, tình trạng xây dựng tự phát và các yếu kém trong quản lý cốt nền đô thị đã dẫn đến tình trạng ngập sâu và rộng càng nhiều. Minh chứng rõ nhất là các khu phố cũ được xây dựng từ thời Pháp thuộc không bị ngập mà điểm bị ngập nặng lại chính là khu dân cư mới với các công trình xây cất vĩ đại như Đại lộ Thăng Long, khu đô thị mới Lê Trọng Tấn - Geleximco, khu đô thị An Khánh.

Những quy định về cốt nền trong xây dựng

Câu chuyện Hà Nội ngập úng vào mùa mưa đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng, nhiều khu vực đã trở thành "điểm đen" và chưa tìm được giải pháp xử lý tận gốc. Giới chuyên gia nhận định, một trong những nguyên nhân của ngập úng cục bộ là sự chênh lệch cốt nền xây dựng giữa các khu đô thị mới và các đô thị cũ nội đô. Tại sao lại có sự chênh lệch này? Phải chăng vì chưa có một nghị định, thông tư hay quy định nào về cốt nền trong xây dựng các công trình đường, trường, các dự án cao tầng?

Theo tìm hiểu thực tế lại có không ít những quy định về nội dung quy hoạch, quản lý độ cao cốt nền được xác định trong quy hoạch chung, quy hoạch đất, trục đường phố nhằm đảm bảo không ngập úng, thoát nước đô thị. Cụ thể, trong Luật Xây dựng năm 2014 có nêu rõ: Cốt xây dựng là cao độ xây dựng tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ được chọn phù hợp với quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mưa.

Bên cạnh đó, trong Luật Quy hoạch đô thị 2009, tại Khoản 2, Điều 37 có quy định: Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị bao gồm việc xác định khu vực thuận lợi cho việc xây dựng trong từng khu vực và đô thị; xác định lưu vực thoát nước chính, khu vực cấm và hạn chế xây dựng, cốt xây dựng, mạng lưới thoát nước mặt và công trình đầu mối; giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Cũng tại Điều 23, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý Quy hoạch đô thị cũng  cho hay: Xác định khu vực xây dựng thuận lợi, khu vực cấm và hạn chế xây dựng của đô thị; xác định lưu vực thoát nước chính, cao độ nền, cốt xây dựng, mạng lưới thoát nước mặt và công trình đầu mối; giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai cho toàn đô thị. Việc lập, thẩm định, phê duyệt cao độ nền và thoát nước mặt tuân thủ các quy định của quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Đường nội bộ Khu đô thị Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn (Hà Nội) trục đường Lê Trong Tấn kéo dài.

Cốt nền đường nội bộ Khu đô thị Geleximco thấp hơn cốt nền trục đường Lê Trong Tấn kéo dài mới dẫn đến tình trạng ngập úng kéo dài.

Ngoài ra, trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng quy định về yêu cầu xác định cốt xây dựng khống chế đối với quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Yếu tố quyết định đến cao độ nền là mực nước tính toán cao nhất theo tần suất (năm) được xác định đối với từng loại đô thị (như đô thị đặc biệt, loại I là 100 năm; loại II là 50 năm...). Ngoài ra, cần xem xét đến điều kiện địa chất, thủy văn và các yếu tố thiên tai đặc thù đối với các khu vực xây dựng đô thị…

Lỗ hổng từ cốt nền?

Về lý thuyết cho thấy, rõ ràng việc quy định cao độ nền trong đồ án xây dựng, quy hoạch đô thị là có nhưng trên thực tế, Hà Nội nói riêng và nhiều đô thị khác, hiện nay chưa chú ý đến quy hoạch cốt nền. Hầu hết các đô thị đều chưa lập, phê duyệt quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị. Còn trong quá trình xây dựng, nhà thầu lại không tính toán được mốc cao độ chuẩn cốt nền. Trong khi rõ ràng về bản chất, cao độ nền đô thị là cơ sở đầu tiên để thực hiện các giải pháp chống ngập úng cũng như quyết định hướng thoát nước mặt đô thị.

Đáng lẽ Hà Nội phải có quy hoạch về cốt nền cho riêng thành phố nhưng đến nay, mỗi dự án, khu đô thị lại có cốt nền khác nhau và không hề có sự kết nối chung. Nếu Hà Nội vẫn chưa có thông số thống nhất về cao độ nền và công trình, độ dốc thoát nước, độ sâu hệ thống kênh rạch, hệ thống cây xanh thì sao có thể tính toán đưa ra các giải pháp hiểu quả nhất?  Kết quả là, đang có hàng trăm các cao độ nền khác nhau ở các dự án, các khu đô thị, chưa kể các dự án mới nằm xen kẽ trong các nhà thấp tầng cũng có cốt nền khác nhau. Điều đó có nghĩa là, khi mưa xuống, nước từ chỗ này đổ sang chỗ khác dẫn đến ngập úng cục bộ.

Cổng vào Khu đô thị Nam An Khánh cũng chìm trong biển nước

Cổng vào Khu đô thị Nam An Khánh cũng chìm trong biển nước

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cao độ cốt nền như thế nào là công tác đầu tiên khi chuẩn bị đất xây dựng đô thị và có mối quan hệ mật thiết với quy hoạch hệ thống hạ tầng, đặc biệt là với cốt nền đường và hệ thống thoát nước mưa. Trong quy hoạch thoát nước, việc xác định cốt san nền, được tiến hành trong quy hoạch chung và cả quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, việc quản lý thực hiện cốt san nền theo đúng quy hoạch không phải đơn giản.

TS Liêm nhấn mạnh: “Hiện nay, rõ ràng có sự rối loạn trong quản lý cốt san nền trong quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Nguyên nhân thứ nhất là các dự án phát triển bất động sản được lập ra rải rác tại những nơi chưa có hạ tầng khung nên phải định ra cốt san nền cục bộ để có hướng thoát nước “tạm thời” vào nơi trũng ở gần như ao, hồ hiện có. Tuy nhiên, hướng tạm thời đó rất có thể bị một dự án đi sau chặn lại, hoặc cốt nền dự án sau cao hơn gây hiện tượng úng ngập cục bộ. Thứ hai là chưa phối hợp tốt việc phân cấp cấp phép xây dựng giữa cấp thành phố và cấp quận, và giữa các cơ quan chủ quản dự án hạ tầng nên dễ xảy ra sự thiếu thống nhất trong quản lý cốt san nền”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top