Theo một số người dân sống tại khu vực cầu Hòa Bình (xã Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) phản ánh, trên địa bàn tồn tại nhiều ngôi “nhà tạm” dùng để kinh doanh phế liệu, quán ăn đã từ nhiều năm nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy, cháy nổ nhưng không hề được các cơ quan chức năng xử lý.
Điển hình là dãy “nhà tạm” được dựng lên bằng những chiếc khung sắt cũ kỹ, hoen gỉ, được quay kín xung quanh bằng những tấm tôn màu xanh, xập xệ, chắp vá, xuống cấp nghiêm trọng nằm sát cầu Hòa Bình, ĐT70A xã Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội được ông Nguyễn Văn Khiểm (quê quán Nam Định) tự ý dựng lên làm cơ sở thu mua phế liệu khiến cho nhiều người sợ hãi.
Sở dĩ người lo sợ là vì tại cơ sở thu mua phế liệu này, không đủ điều kiện an toàn PCCC và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do phế thải từ bãi thu mua này thải ra.
Hàng ngày, người dân chứng kiến cơ sở thu mua phế liệu này thu gom những bình khí lớn đưa về, cùng với đó là những bình gas mini cũ kỹ có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Đây cũng chính là căn nhà tạm có tới 3 thế hệ đang sinh sống tại đây. Liệu những người trong cuộc liệu có đang đùa giỡn với tính mạng của mình?
Ghi nhận của PV, một bên của cơ sở thu mua phế liệu này là quán bia, một bên là dòng kênh mương đen ngòm hôi thối. Bên mé nhà sát bờ mương, là hàng đống phế thải, vật liệu. Tong đó có nhiều đồ vật như sắt thép gỉ, đồ điện tử cũ, bình gas… vô cùng nhếch nhác.
Cùng với đó là những đống giấy vụn, gỗ củi, sắt thép, bìa cát tông chất đống…, không hề có một thiết bị phòng cháy chữa này nào. Có lẽ chỉ cần một mồi lửa, cả khu nhà này sẽ đi tong trong phút chốc.
Một người dân lo lắng cho biết: “Thậm chí có lần tôi còn nhìn thấy nhiều vỏ bình ga mini cũ, gỉ sét tại đống phế liệu. Lần khác thì nguyên một vỏ bình chứa khí to bằng người lớn. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, cần xoá bỏ những ngôi nhà gây mất an toàn như này đi”.
Sự lo lắng của người dân nơi đây hoàn toàn có cơ sở, bởi chỉ cách nhà ông Khiểm vài chục mét là trạm xăng dầu rất lớn của một tập đoàn nằm đối diện bên kia đường. Khi xảy ra cháy nổ ở vị trí gần như vậy, có ai dám chắc về độ an toàn?! Nguy hại hơn, bếp nấu ăn của cơ sở này, nằm sát ngay đống phế liệu.
Nhiều người còn bức xúc cho biết, việc cửa hàng phế liệu này gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường bởi tiếng bốc dỡ sắt thép và mùi của đồ phế liệu phát tán vào những ngày hè nóng nực gây khó chịu vô cùng. Đồng thời, sức khoẻ của họ cùng những người sống xung quanh sẽ lãnh đủ bệnh tật bởi ô nhiễm do cửa hàng chứa phế liệu chứa rác thải gây ra.
Liên quan tới tình trạng này, ông Ngô Ngọc Toàn - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết khu vực trên hiện chỉ còn 1, 2 hộ dân hộ dựng nhà tạm làm cơ sở thu mua phế liệu. Ông Toàn cũng cho hay, chính quyền địa phương đã có thông báo giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án mở rộng hệ thống đường giao thông và sẽ tiến hành giải toả trong thời gian ngắn.