Aa

Hà Nội: Nhà tái định cư “trôi thang máy”, người dân sống trong sợ hãi, gửi đơn kêu cứu tới lãnh đạo thành phố

Thu Thu
Thu Thu thuthu157ajc@gmail.com
Thứ Bảy, 10/06/2023 - 06:19

Người dân đã phải gửi đơn kêu cứu tới Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vì 1 thang máy hỏng hoàn toàn, 1 thang máy sửa chữa chắp vá khiến họ luôn sống trong sợ hãi.

68 hộ gia đình với gần 300 nhân khẩu cư trú tại Tòa nhà tái định cư B12, ngõ 28 Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) vô cùng lo sợ và bức xúc vì hệ thống thang máy thường xuyên hư hỏng, song không được sửa chữa dứt điểm có thể dẫn tới nhiều rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe, tính mạng người dân.
nhà tái định cư
Tòa nhà tái định cư B12, ngõ 28 Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội).

Lời kêu cứu không hồi đáp

Cư dân phản ánh, tòa nhà B12 ngõ 28 Xuân La thuộc Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, nhằm mục đích làm nhà tái định cư cho các hộ dân của 06 phường trên địa bàn quận Tây Hồ, được xây dựng tại ngõ 28 Xuân La, phường Xuân La - quận Tây Hồ - Hà Nội. Tòa nhà cao 12 tầng, hiện có 68 hộ gia đình với gần 300 nhân khẩu cư trú tại đây.

Tòa nhà B12 có 2 thang máy hoạt động từ năm 2006 – 2007 đến nay đã 15 năm, xuống cấp trầm trọng, thường xuyên hỏng hóc. Để chủ động cho sinh hoạt của chính mình, các hộ gia đình cư trú tại tòa nhà B12 đã kêu gọi tự đóng góp tiền để sửa chữa 2 thang máy. Tuy nhiên, do thang máy hoạt động đã lâu và thiết bị sửa chữa không thể đồng bộ giữa cái mới và cái cũ nên cả 2 thang máy hoạt động không ổn định, thường xuyên bị treo khi đang chạy, rung giật, hoặc bị tụt tầng.

Từ năm 2021 đến nay, 1 thang máy đã hư hỏng hoàn toàn, 1 thang máy với nguồn kinh phí mà người dân tự đóng góp được sửa chữa, chắp vá để sử dụng tạm thời nhưng thường xuyên hư hỏng… tiềm ẩn các mối nguy hiểm, nguy cơ gây tai nạn chết người.

Ông Vũ Hải, cư dân sống tại tòa nhà cho biết: “Trước năm 2022, thang máy thường xuyên sửa chữa vặt, nhưng sau đó phải sửa chữa lớn như thay cáp và các thiết bị điện tử để ổn định vận hành vì nó quá cũ rồi, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn và lại tiếp tục trục trặc. Cư dân của tòa nhà đa phần đều là người lao động, chủ yếu là người già, thu nhập thấp. Dù việc đóng góp không được quá nhiều và để huy động số tiền để thay vật tư liên tục quả là khó khăn, nhưng chúng tôi đều cố gắng kêu gọi nhau cùng đóng góp để đảm bảo sự an toàn tối thiểu cho chính mình...".

Do đặc thù là tòa nhà tái định cư nhưng lại kết hợp nơi làm việc của Cơ quan Nhà nước (1/2 tầng 1 và toàn bộ tầng 2 do Cơ quan Nhà nước quản lý, sử dụng) nên các hộ gia đình tòa nhà B12 không thể tự quyết định về việc sửa chữa hoặc thay thế thang máy. 

"Người già chiếm hơn 1/3 cư dân nên việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Một số gia đình không ở được vì quá lo lắng về tính mạng thậm chí đã bán nhà và chuyển đi nơi khác để sống”, ông Hải cho biết thêm.

nhà tái định cư
Tòa nhà B12 có 2 thang máy hoạt động từ năm 2006 - 2007 đến nay đã là 15 năm. 1 thang máy đã bị hỏng hoàn toàn (bên trái), 1 thang máy thường xuyên hư hỏng (bên phải).

Vì vậy, một mặt các hộ gia đình đã liên tục đóng góp tiền sửa chữa, thay thế các thiết bị Thang máy số 2 để tạm phục vụ nhu cầu di chuyển hàng ngày của dân cư; một mặt nhiều lần làm đơn gửi các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đề nghị xem xét phương án phù hợp giải quyết tình trạng 2 thang máy bị hỏng. 

Ông Phạm Duy Thành, thành viên Ban đại diện dân cư tòa nhà cho biết: “Sau khi nhận được sự đồng thuận của Ban đại diện tòa nhà, chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị lên các cấp 4 lần: hai đơn đầu tiên vào tháng 3 và tháng 12 năm 2022, đơn thứ ba vào tháng 4/2023 và gần nhất là tháng 5/2023 vừa rồi. Cho đến nay, tuy có hứa hẹn nhưng đều là hứa suông. Các cơ quan có trách nhiệm vẫn thờ ơ, vô cảm, đùn đẩy trách nhiệm để mặc tính mạng của nhân dân bị đe dọa”.

Don kien nghi duoc gui nhieu lan nhung chua lan nao duoc chinh quyen vao cuoc nghiem tuc.
Mới nhất, người dân đã buộc phải gửi đơn kêu cứu tới lãnh đạo thành phố Hà Nội, vì trước đó họ đã nhiều lần gửi đơn tới các cơ quan chức năng của thành phố nhưng không được giải quyết dứt điểm.

“Tất cả bức xúc của cư dân trong các tòa nhà tái định cư tại khu vực đều được tòa nhà cử đại diện gửi ý kiến rất nhiều lần từ phường, quận rồi đến thành phố với ý kiến trực tiếp của công ty và xí nghiệp quản lý vận hành. Mỗi khi nhận những ý kiến, đơn từ, người ta cũng đến kiểm tra, lập biên bản rồi đâu lại hoàn đấy, sau 3 lần quá bức xúc, lần thứ tư tất cả cư dân đồng thuận quyết tâm có ý kiến đến cơ quan chức năng cùng các đồng chí lãnh đạo”, ông Thành khẳng định. 

Cuộc sống của hàng trăm hộ dân luôn có nguy hiểm rình rập

Theo cư dân sống trong tòa nhà, vào giai đoạn hỏng nặng kéo dài liên tục trong 4 tháng trước, thang máy có thể tụt từ 2 - 3 lần/tuần, có những khi thang bị dừng, toàn bộ cư dân phải đi bộ từ 3 - 4 ngày. Đến nay, sau khi được khắc phục phần nào, nhiều người dân vẫn có thể gặp nguy hiểm vì thang máy có thể tụt từ 2 - 3 lần/tháng.

Mang đủ loại bệnh trong người như tim mạch, huyết áp và xương khớp, bà Nguyễn Thị Minh (67 tuổi) đang ở căn hộ tầng 10 cho biết mỗi lần đi thang máy là một lần ác mộng. Bà kể: “Số lần bị nhốt, trôi trong thang máy nhiều không kể xiết. Nhiều lần tôi đi thang máy bị tụt từ tầng 12 xuống 4 tầng, thang máy tối sầm lại, rung lắc rồi lại tụt tiếp. Tôi sợ hãi lắm chỉ biết ngồi sụp xuống và bám víu vào góc tường để cầu nguyện cho mình an toàn”, bà Minh chia sẻ.

Nhiều lúc chờ thang máy quá lâu, mà do yếu tố sức khỏe, bà Minh không thể đi thang bộ được, bà thà ngồi chờ bên ngoài từ sáng đến tận trưa trong thời tiết khắc nghiệt của mùa hè. Một lần khác, bà Minh bị treo lửng lơ ở trên cao khi đang đi thang máy, nếu bước xuống không cẩn thận có thể hụt chân gây chết người. Cháu bà Minh năm nay 9 tuổi, không dám đi thang máy 1 mình, thậm chí nhiều khi còn khóc nức nở vì quá sợ.

Dù biết có thể gặp sự cố bất cứ lúc nào, nhưng nhiều người sống trong tòa nhà chấp nhận mạo hiểm vẫn sử dụng thang máy. 
Dù biết có thể gặp sự cố bất cứ lúc nào, nhưng nhiều người sống trong tòa nhà chấp nhận mạo hiểm vẫn sử dụng thang máy.

“Gần như hơn một nửa người già lẫn trẻ con đều từng ít nhất 1 lần bị nhốt trong thang máy. Nhiều người ở tầng cao quá, về và lên được tầng an toàn là không dám ra khỏi nhà nữa, mỗi lần di chuyển đều vô cùng căng thẳng. Nhiều người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai đa phần không thể bình tĩnh, liên tục hoảng loạn và khóc lớn trong thang máy. Những khi thang máy 2 ngừng hoạt động, người dân phải leo bộ từ tầng 1 lên tầng 12”, ông Nguyễn Kim Vui, 82 tuổi, đã sống ở tầng 5 tòa nhà hơn 10 năm cho hay.

Ông Vui cũng cho biết, có khi gặp trục trặc nghiêm trọng, người dân bị nhốt đến 15 - 20 phút trong thang máy vì bảo vệ không biết, hoặc không có ai xung quanh nhận ra tiếng đập cửa kêu cứu của họ.

Không chỉ hỏng thang máy, các hộ dân cũng rất bức xúc vì hệ thống thoát nước của khu nhà tái định cư từ lúc thành lập năm 2007 đến nay chưa được đấu nối với hệ thống thoát nước của thành phố, dẫn đến nước thải bị rò rỉ gây ngập úng, mất vệ sinh và khó khăn khi di chuyển. Ngoài ra, hệ thống cứu hỏa tuy được thành phố tiến hành sửa chữa nhưng chất lượng chưa thực sự ổn, máy bơm chất lượng còn kém, hệ thống đấu nối trực tiếp để sử dụng nước trên bể chưa hoàn thiện. 

Hệ thống thoát nước không đảm bảo dẫn đến rò rỉ, ngập úng, gây mất vệ sinh, đặc biệt vào những ngày mưa, tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.

Ban đại diện dân cư tòa nhà B12 cho rằng chất lượng tòa nhà tái định cư không được đảm bảo như Nhà nước quy định rõ trong các văn bản luật về nhà ở tái định cư từ nhiều năm nay. Hàng trăm cư dân liên tục phải chen chúc trong 1 chiếc thang máy xập xệ, ai chịu trách nhiệm về hậu quả đau đớn cho tính mạng, sức khỏe của người dân? Việc người dân phải tự bỏ kinh phí ra để tự sửa chữa, vận hành thang máy trong suốt thời gian qua có đúng quy định không?... cùng rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp, người dân ngày đêm chờ đợi câu trả lời đến từ phía các cơ quan, lãnh đạo các cấp và chính quyền địa phương.

Trong đơn kêu cứu gửi tới lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội nêu rõ: "Để đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân đang sinh sống tại Tòa nhà B12, chúng tôi kêu cứu khẩn cấp đến các Quý Cơ quan, các ông /bà Lãnh đạo các cấp có ý kiến chỉ đạo và trả lời nghiêm túc các câu hỏi của nhân dân bằng văn bản có trách nhiệm chứ không phải sự đùn đẩy, né tránh:

1. Việc Sở xây dựng TP Hà Nội trả lời Báo cáo số: 2696/QLPT-KH của Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội là dừng đi thang máy do UBND TP Hà Nội chưa phê duyệt phương án có đúng không, trả lời như vậy và sau đó mặc kệ nhân dân tự xoay xở thì ở Sở xây dựng ai là người phải chịu trách nhiệm về câu trả lời đó?

2. Thang máy phục vụ cư dân chúng tôi hỏng nghiêm trọng như vậy có được sửa chữa/thay thế không? Nếu có thì đơn vị nào chịu trách nhiệm thay thế/sửa chữa, thời gian cụ thể? Nếu không thì vì lý do gì?

3. Vấn đề bỏ mặc cho 68 hộ dân với gần 300 nhân khẩu, trong đó có nhiều người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai phải chấp nhận đối diện với sự nguy hiểm về tính mạng trong suốt thời gian qua có đúng lương tâm và trách nhiệm của các cấp, các ngành không?

4. Vận hành thang máy không đảm bảo an toàn của người dân nếu dẫn đến hậu quả đau đớn cho tính mạng, sức khỏe thì ai và đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm?

5. Việc người dân phải tự bỏ kinh phí ra để tự sửa chữa, vận hành cầu thang máy trong suốt thời gian qua có đúng quy định không? Kinh phí này đơn vị nào sẽ là người chi trả hay là người dân chúng tôi phải lai lưng ra chi trả và tự chịu trách nhiệm về sự thiếu an toàn của cầu thang máy?

Toàn bộ 68 hộ gia đình hiện đang sinh sống tại Tòa nhà B12 ngõ 28 Xuân La ngày đêm chờ đợi câu trả lời của các Quý Cơ quan, các đồng chí lãnh đạo các cấp và chính quyền địa phương. Rất mong sự quan tâm sớm nhất đối với tình trạng hư hỏng của thang máy Tòa nhà B12 chúng tôi, kịp thời ngăn ngừa hậu quả không thể khắc phục được, đe dọa thường trực đến tính mạng và tài sản nhân dân, đến sự an nguy của người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai tại đây".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top