Aa

Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh: Nhanh hơn, quyết liệt hơn ứng phó dịch Covid-19

Thứ Ba, 02/02/2021 - 09:13

Chiều 1/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ quốc gia phòng, chống Covid-19, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đồng chủ trì buổi làm việc về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

“Các trường hợp lây nhiễm hiện nay rất nhanh”

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho hay từ 27/1, sau khi xuất hiện 2 ổ dịch, Hà Nội hiện có 19 ca dương tính, trong đó, một ca liên quan Quảng Ninh, số còn lại liên quan Hải Dương. Những ca bệnh này xuất hiện rất nhanh, nhanh hơn những đợt dịch trước. Từ khi tiếp xúc đến khi khởi phát cũng rất nhanh, tình hình lây lan thứ phát nhanh hơn, từ F1 trở thành F0 và F2 thành F0.

Quang cảnh buổi làm việc về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Hà Nội

Đến nay, TP đã lấy mẫu xét nghiệm của các trường hợp đi từ vùng dịch ở tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh. Đến nay, đã rà soát được hơn 15.400 trường hợp liên quan tới các ổ dịch, trong đó có hơn 14.000 người đã được lấy mẫu (chiếm 93%).

Về các biện pháp để chống dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết có 3 yếu tố quan trọng cần được triển khai đó là truy vết, cách ly và xét nghiệm.Về việc xét nghiệm, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng rà soát khoảng 15.000 người từ vùng dịch về cần được sàng lọc SARS-CoV-2. Số mẫu xét nghiệm rất cao nên khó khăn, ưu tiên hiện nay là làm xét nghiệm trước cho các trường hợp F1.

Hà Nội đã yêu cầu 10 bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô cùng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tiến hành xét nghiệm với công suất tối đa hơn 5.000 mẫu/ngày. Tuy nhiên, với diễn biến dịch rất nhanh, nhu cầu xét nghiệm lớn, Hà Nội rất cần sự hỗ trợ của Bộ Y tế.

Dự và phát biểu tại buổi làm việc, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý nhận định, trong đợt dịch này, hiện số ca mắc của Hà Nội chiếm 8% số lượng ca bệnh của cả nước. Qua xét nghiệm 431 trường hợp F1 có 385 trường hợp có kết quả. Trong những trường hợp có kết quả đã phát hiện 19 ca dương tính với tỷ lệ cao (tỷ lệ 4,8 - 5%).

Nguyên Phó Chủ tịch nhấn mạnh: "Thời gian phát bệnh của bệnh nhân rất nhanh. Do đó, chúng tôi rất lo lắng vì nguy cơ dịch này lây lan rất cao".

Hà Nội nâng cao hơn một mức trong ứng phó với dịch

Đánh giá về tình hình dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, các trường hợp lây nhiễm hiện nay đều rất nhanh, có trường hợp tiếp xúc ngắn nhưng đã dương tính. Các trường hợp mắc của Hà Nội đều liên quan đến nguồn lây từ Hải Dương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Hà Nội là địa bàn có lượng người đi lại lớn, nhất là việc giao lưu từ tỉnh Hải Dương đến Hà Nội, từ Hà Nội đi các địa phương khác rất lớn.

Theo Bộ trưởng, đợt dịch lần này có tốc độ lây nhiễm cao. Hiện chưa có giải trình tự gen, nhưng qua phân tích giải trình tự gen của virus này đối với ca bệnh nhiễm Covid-19 ở Nhật Bản, xác định được biến chủng của SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Anh. Thực tế cho thấy, biến chủng này vừa lây nhanh, vừa có khả năng khiến bệnh tăng nặng. Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có báo cáo cho thấy, có ca bệnh rất trẻ nhưng đã trở nặng nhanh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc

Với các đợt dịch trước đây, các chuyên gia tính toán chu kỳ lây nhiễm khoảng 4 - 5 ngày, nhưng lần này rút ngắn lại. Hơn nữa, thời gian khởi phát của bệnh rất nhanh. Trước đây, dịch trước 5 - 7 ngày là thời gian ủ bệnh, đợt dịch này, chỉ tới ngày thứ hai đã xuất hiện virus vùng hầu họng, từ đó khả năng nhân lên của virus rất cao.

Một điểm đặc biệt về đợt dịch lần này được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân tích, đó là trước đây, vi rút SARS-CoV-2 lây từ người này qua người khác, nhưng với đợt dịch này, vi rút lây theo đường không khí. "Thực tế, chỉ trên một xe, 10/11 người lây nhiễm", hệ số lây nhiễm rất cao, trước đây chuyên gia tính toán là 4 - 5 (nghĩa là 1 người có thể lây cho 4 - 5 người) nhưng giờ là hơn 10. Quá trình phân tích dịch tễ cho thấy nhiều nguy cơ dịch lây lan nên phải hành động vừa nhanh vừa quyết liệt.

Bộ trưởng khuyến cáo Thủ đô phải thay đổi trong phương thức và phải nâng cao hơn một mức trong ứng phó với dịch này so với trước đây, cần coi tất cả các F1 là trường hợp nghi nhiễm. Truy vết đồng thời cả trường hợp F1 và trường hợp F2…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Hà Nội phải vừa truy vết vừa khoanh vùng, lấy mẫu triệt để các trường hợp tiếp xúc. Phong tỏa các khu vực có ca bệnh và chỉ dỡ dần phong tỏa sau khi có kết quả âm tính.

"Trung ương sẽ huy động lực lượng hỗ trợ tối đa cho TP để tăng công suất xét nghiệm", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ sẽ huy động tất các các đơn vị làm công tác xét nghiệm có công suất cao như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương…

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương sẽ nhận điều trị toàn bộ bệnh nhân Covid-19 của Hà Nội. Tuy nhiên, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội khởi động ngay Bệnh viện dã chiến sẵn sàng triển khai khi cần thiết.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại cuộc họp, tiếp thu các ý kiến của Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội sẽ nâng cao năng lực xét nghiệm, tăng cường đầu tư năng lực điều trị để nhanh nhất kiểm soát được tình hình dịch bệnh, quyết liệt phối hợp với Bộ trong công tác xét nghiệm.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng tinh thần là phải nhanh hơn, quyết liệt hơn trong công tác xét nghiệm. Vì vậy, ngay sau buổi họp này, UBND TP sẽ yêu cầu đơn vị liên quan xây dựng ngay Chỉ thị tiếp theo để tăng cường tình hình kiểm soát dịch trên địa bàn. TP cũng đã có 5 đoàn kiểm tra do các đồng chí Thường trực Thành ủy làm Trưởng đoàn với tinh thần gõ từng nhà trong công tác chống dịch, yêu cầu sự vào cuộc của tất cả các cấp ủy, chính quyền chống dịch.

Chủ tịch UBND TP đánh giá cao Bộ Y tế đã cử 12 đơn vị phối hợp với Hà Nội hỗ trợ xét nghiệm trên 40.000 mẫu cho TP. Chủ tịch mong muốn tiếp tục có sự hỗ trợ của các chuyên gia của các đơn vị của Bộ Y tế để truy vết các trường hợp mắc bệnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top