Aa

Hà Nội: Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì bệnh Sởi

Thứ Năm, 09/08/2018 - 04:02

Mặc dù là bệnh có thể chăm sóc và điều trị khỏi tại nhà, song mấy tuần gần đây, số trẻ trên địa bàn Hà Nội nhập viện điều trị do bị bệnh Sởi biến chứng gia tăng đột biến và tập trung ở nhóm trẻ chưa được tiêm phòng bệnh. Đáng chú ý, các ca mắc bệnh rải rác ở cả 30/30 quận huyện

Trẻ bị Sởi biến chứng, không đáp ứng điều trị thuốc

Khoa Nhi - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương hiện đang điều trị cho 3 bệnh nhân mắc Sởi rất nặng. Trong đó có 2 trẻ rất nguy kịch, tiên lượng vô cùng xấu. 

PGS. TS Bùi Vũ Huy - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương cho biết,  trong ca bệnh 2 trẻ nguy kịch kể trên chính là một cặp song sinh 11 tháng tuổi. Hai bé vào viện trong tình trạng sốt nóng liên tục, kèm theo ho, mắt mủi chảy kèm nhèm, đi ngoài phân nát.

Đến ngày thứ 4, trên người hai bé xuất hiện ban đỏ trên toàn thân, ho tăng nhiều, ăn uống nôn chớ nhiều.Trong 5 ngày điều trị tại viện, dù được chăm sóc cẩn thận nhưng do sức đề kháng trẻ yếu (hai bé có tiền sử sinh non ở tuần thứ 30 và nhẹ cân hơn bình thường) nên bệnh chưa thuyên giảm. Hiện các trẻ vẫn đang được theo dõi và điều trị sát sao. 

Cũng theo thông tin từ Khoa Nhi - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương, từ đầu năm đến nay, BV tiếp nhận rải rác 34 ca mắc Sởi nặng, những tháng ít có 2 bệnh nhân, nhiều có thể lên đến 8 bệnh nhân/tháng. Trong số bệnh nhân nhập viện, đa phần là trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng phòng ngừa Sởi. 

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng- Khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng cho biết: “Mấy ngày gần đây, mỗi ngày các bác sĩ của khoa tiếp nhận khoảng 1 – 2 ca mắc sởi, sốt phát ban. Sau khi thăm khám cho trẻ, nếu chẩn đoán chính xác trẻ bị sởi thì sẽ chuyển sang khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị cách ly, trách lây nhiễm cho các trẻ khác”.

Còn ghi nhận tại khoa Nội nhi tổng hợp - Bênh viện đa khoa Xanh Pôn hiện cũng đang điều trị cho 8 bệnh nhi mắc Sởi. Riêng 2 tuần gần đây, hầu như ngày nào khoa cũng tiếp nhận bệnh nhi mắc Sởi, cao điểm có tuần khoa điều trị cho 14-15 ca mắc Sởi. 

Song, theo các bác sĩ điều trị cho biết, số ca mắc sởi năm nay nặng hơn mức trung bình các năm trước khi nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, phải thở máy CPAP, thậm chí dùng thuốc tăng đề kháng, chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng/trường hợp. 

Trẻ 11 tháng tuổi nguy kịch tính mạng do mắc Sởi

Trẻ 11 tháng tuổi nguy kịch tính mạng do mắc Sởi

Hà Nội, các ca bệnh Sởi diễn biến phức tạp

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm này, số ca mắc Sởi ở Hà Nội gần 300 ca , cao gần gấp 5 lần so với năm 2017 (năm 2017 có khoảng 60 ca mắc sởi).

Ông Nguyễn Nhật Cảm- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, hiện số ca mắc rải rác tại 30/30 quận, huyện nhưng có sự tập trung  hơn tại một số quận nội thành như: Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm... Tuy nhiên chưa ghi nhận các ổ dịch lớn.

Theo PGS. TS Bùi Vũ Huy, với bệnh Sởi, quy trình cứ 3 - 5 năm sẽ xảy ra một đợi dịch mới mà trong y văn gọi là lỗ hổng miễn dịch do trẻ nhỏ không được tiêm phòng đầy đủ. Ngoài ra, sự phát triển kinh tế, du lịch, giao lưu quốc tế cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, qua khai thác tiền sử bệnh các ca mắc sởi nhập viện gần đây đều cho thấy những ca bệnh thường là những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng (dưới 9 tháng tuổi), một số bệnh nhi chưa tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Sở dĩ nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng nhưng vẫn mắc là do miễn dịch trong cộng đồng xuống thấp.

 Liên quan đến tiêm phòng vaccine Sởi cho trẻ trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, hiện có khoảng 5% trẻ chưa được tiêm phòng vaccine. Trong khi đó, mỗi năm Hà Nội có khoảng 140.000 - 150.000 trẻ chào đời, với tỉ lệ 5% trẻ chưa được tiêm phòng, tức là có khoảng 7.000 trẻ không được tiêm và con số sẽ tăng dần khi tích lũy theo các năm.

Sởi lại là bệnh dễ lây truyền, với người chưa có miễn dịch sởi, chưa được tiêm phòng, khi tiếp xúc với nguồn bệnh tỉ lệ mắc bệnh gần như là 100%. Do vậy, nguy cơ bùng phát dịch là có thể xảy ra. 

Lý giải về nhiều trẻ mắc bệnh khi chưa đến tuổi được tiêm phòng, ông Cảm cho biết, thông thường trẻ dưới 9 tháng tuổi sẽ được bảo vệ bởi kháng thể của mẹ truyền sang con.

Tuy nhiên, các khảo sát gần đây cho thấy nhiều người mẹ không có miễn dịch với sởi, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc bệnh. Ngoài ra, có thể người mẹ có miễn dịch với sởi nhưng không cho con bú nên trẻ không được nhận đầy đủ miễn dịch từ mẹ. 

Empty

Cần chăm sóc trẻ bị Sởi đúng cách

Sởi (với các biểu hiện đặc trưng là sốt, phát ban, ho, mắt đỏ (viêm kết mạc mắt), chảy nước mũi) là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do virus sởi gây ra và thường xảy ra khi thời tiết ẩm kéo dài. Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người.

Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh.

Thời kỳ ủ bệnh thường là 12 - 14 ngày, nhưng có thể kéo dài đến 21 ngày. Thời kỳ lây truyền là từ 1 ngày trước khi bắt đầu giai đoạn tiền triệu (thông thường khoảng 4 ngày trước khi phát ban) đến 4 ngày sau khi xuất hiện ban, ít nhất là sau ngày thứ 2 phát ban. 

Theo các chuyên gia nhi khoa, bệnh Sởi có nhiều dấu hiệu nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tuy nhiên, dấu hiệu đặc thù nhất của Sởi chính là trẻ sẽ ho sốt, mắt mũi chảy gỉ, đặc biệt, trẻ sẽ phát ban từ sau gáy sau đó lan lên toàn mặt, dần dần ban lan ra toàn thân.  

Bệnh có thể chăm sóc tại nhà, song  đôi khi bệnh có diễn tiến phức tạp, cha mẹ cần đặc biệt chú ý những dấu hiệu bất thường như sốt cao kéo dài không dứt, trẻ quấy khóc, nôn trớ… thì cần cho trẻ nhập viện để được các bác sĩ  thăm khám và tư vấn kịp thời, tránh biến chứng gây nguy hiểm cho tính mạng.

Đặc biệt, PGS. TS Bùi Vũ Huy khuyến cáo, với trẻ mắc bệnh Sởi, cha mẹ không nên kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn… Bởi vì, khi trẻ không được ăn đủ chất khiến bệnh kéo dài còn kiêng gió, kiêng nước khiến trẻ không đảm bảo vệ sinh làm tăng tỉ lệ viêm phổi, bị các bệnh khác như cam tẩu mã bị mủn, rụng hàm… 

Vì vậy, để phòng tránh tối đa nguy cơ bùng phát dịch, bác sĩ khuyến cáo, người dân cần có kiến thức tự phòng chống bệnh tật cho gia đình mình, tiêm chủng đầy đủ cho trẻ nhỏ, tiếp nhận thông tin hữu ích trong chăm sóc sức khoẻ. 

Bên cạnh đó, cần tiến hành tiêm văc-xin sởi cho phụ nữ ở độ tuổi mang thai và những người dân trong cộng đồng chưa có kháng thể chống sởi, để nâng cao khả năng miễn dịch trong cộng đồng, giúp giảm số người mắc, phòng lây nhiễm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top