Trong nhiều giải pháp cải thiện môi trường mà các chuyên gia đã khuyến nghị có giải pháp trồng cây xanh và kế hoạch bổ sung, trồng mới 600.000 cây xanh của Hà Nội được đánh giá là tích cực và khả thi.
Hệ lụy từ việc thiếu cây xanh
Từ cuối tháng 9 đến nay, ô nhiễm không khí tại Hà Nội tăng cao. Tại nhiều điểm đo được vượt ngưỡng vàng, lên ngưỡng tím - ngưỡng cực kỳ có hại cho sức khỏe con người. Theo nhiều chuyên gia, thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet, sẽ không cảm nhận được rõ ràng, khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm hay gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau…
TP đang mở rộng hệ thống vườn ươm cây xanh, đảm bảo cung cấp đủ cây với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của Thủ đô. Sở Xây dựng cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Green Wind (Nhật Bản) về việc điều phối, sản xuất và cung cấp con giống hoa lập thể cùng kỹ thuật trồng cho TP. Hà Nội.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục
Theo lý giải của các chuyên gia, xảy ra tình trạng trên, bên cạnh những tác động của tốc độ đô thị hóa, hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp, các phương tiện tham gia giao thông,… không thể không kể đến việc thiếu hệ thống cây xanh. Theo nhiều nghiên cứu, cây xanh có thể hấp thụ tới 6% các loại khí thải độc, giúp lọc bớt bụi bẩn, đồng thời giải phóng ra nhiều oxy. Bên cạnh đó, cây xanh còn có tác dụng hấp thu bức xạ, làm không khí bức bối của đô thị trở nên mát mẻ, trong lành hơn.
Ngoài chức năng điều hòa không khí, giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính, ở các đô thị lớn, cùng với ao hồ, hệ thống cây xanh làm tăng thẩm mỹ cảnh quan, tạo ra sự phong phú về hình khối, màu sắc. Nhận thức rõ tầm quan trọng của cây xanh, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp như: Trồng mới 1 triệu cây xanh trong giai đoạn 2016 - 2018, phấn đấu đến năm 2020 trồng mới thêm 600.000 cây xanh…
Tuy nhiên, những nỗ lực của TP và các đơn vị có liên quan đã và đang thực hiện vẫn chưa khỏa lấp được lỗ hổng từ việc thiếu cây xanh do sự phát triển mạnh mẽ của cư dân đô thị cũng như tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Trong đó, nguồn gây ô nhiễm chính đến từ các phương tiện giao thông, hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất và rác thải xuất phát từ sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Tính toán kỹ lưỡng
TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển hạ tầng cho rằng, trong định hướng quy hoạch về cây xanh, cần định hướng theo sự đa dạng hóa các loài cây trên tổng thể các tuyến đường trong TP để có “mùa nào, hoa đó”, “đất nào, cây ấy”… Đồng thời, các đơn vị có liên quan cần xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh đô thị nhằm phát triển dạng “đi tắt, đón đầu” trong quá trình phát triển đô thị, phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể của đô thị.
Cũng theo TS. KTS Lê Thị Bích Thuận, cây xanh là đối tượng chính tham gia xây dựng cảnh quan. Sự bố trí hài hòa giữa các yếu tố này trong một khung cảnh nhất định sẽ tạo nên những cảnh quan kiến trúc đẹp.
Ngoài cây xanh tạo bóng mát, 8 công viên hiện đại đã được khởi công; hàng chục cây hoa tạo hình con giống dưới sự tư vấn của các chuyên gia Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã được dựng tại một số nơi như công viên Thống Nhất, hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch...
Tuy nhiên, hiện không ít tuyến đường, phố của Thủ đô, vấn đề kiến trúc cảnh quan còn bị coi nhẹ, làm ảnh hưởng đến mỹ quan chung của đô thị. Do đó, cây xanh đường phố phải thiết kế hợp lý để đạt được hiệu quả trang trí, phân cách, chống bụi, chống ồn, phối kết kiến trúc, tạo cảnh quan đường phố, cải tạo vi khí hậu, vệ sinh môi trường, chống nóng, không gây độc hại, nguy hiểm cho khách bộ hành, an toàn cho giao thông và không ảnh hưởng tới các công trình hạ tầng đô thị...
Trong khi đó, PGS.TS Vũ Thị Vinh - nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam chia sẻ, Hà Nội đang xây dựng TP thông minh. Vì vậy, việc sử dụng công nghệ thông tin GIS trong công tác quản lý chăm sóc cây xanh cần được nhanh chóng triển khai. Với các trường dữ liệu cho phép khai thác thông tin, thành lập bản đồ số về hệ thống cây xanh trên các tuyến đường, nhà quản lý có thể nắm bắt được hiện trạng sinh trưởng và phát triển của cây xanh. Qua đó có hướng giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể như cây chết, cây sinh trưởng kém, cây có dấu hiệu cản trở giao thông.
“Ứng dụng GIS sẽ giúp cho cơ quan quản lý cây xanh có quy trình cụ thể cho việc tưới cây, chăm bón, tỉa cành, thay cây…”, PGS.TS Vũ Thị Vinh nhấn mạnh.
Nhu cầu sống của người dân đô thị hiện nay không chỉ là một ngôi nhà đẹp, đầy đủ tiện nghi, mà còn cần môi trường sống hòa mình vào thiên nhiên. Hy vọng rằng, với nhiều giải pháp Hà Nội đang thực hiện, đặc biệt là việc hoàn thành trồng 1 triệu cây xanh và tiếp tục trồng mới 600.000 cây xanh, hoàn thành vào năm 2020, Hà Nội sớm trở thành TP Xanh của Việt Nam.