Loại hình nhà trọ giá rẻ lâu nay luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ cao do nơi đây tập trung đông người, nhiều chất dễ bắt lửa, các điều kiện kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ không đảm bảo. Vụ cháy vừa qua tại khu nhà trọ giá rẻ ở phố Đê La Thành (Hà Nội) là một minh chứng điển hình cho thấy sự nguy hiểm khi sống trong những khu nhà trọ cơi nới, không được trang bị thiết bị PCCC.
Tại những con phố quanh các bệnh viện lớn khác như: Bệnh viện K , Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương... hiện vẫn tồn tại rất nhiều khu nhà trọ giá rẻ phục vụ, đáp ứng nhu cầu ở của những người từ xa đến khám chữa bệnh.
Do kinh tế eo hẹp không thể thuê được một phòng trọ tốt hơn nên buộc họ phải tìm đến những căn phòng tồi tàn chỉ có giá dao động trong khoảng 50 - 100.000 đồng/ngày. Thậm chí một số nơi giá chỉ 15.000 đồng/ngày, giống như dãy trọ của ông Hiệp “khùng” tại Đê La Thành mà vừa qua đã xảy ra vụ cháy nghiêm trọng.
Phần lớn các khu trọ này là nhà cao tầng, các phòng được gia cố thêm hoặc ngăn nhỏ ra để cho thuê nên diện tích nhỏ, tối và thiếu ánh sáng. Và với mức giá cho thuê rẻ và liên tục thay đổi người thuê, cũng đồng nghĩa với việc các chủ cho thuê sẽ rất ngần ngại trong việc đầu tư nâng cấp hệ thống PCCC, đường dây điện…
Theo quan sát của PV, xung quanh Bệnh viện K (Quán Sứ, Hà Nội), phần lớn là các gia đình tận dụng các phòng thừa hoặc cơi nới thêm để cho người bệnh thuê trọ. Một phòng trọ nhỏ có khi có tới cả chục người ở chung. Tuy các phòng trọ cũng không đến nỗi quá xập xệ nhưng với mật độ người đông như thế trong một khu vực mà lối ra vào đều chật hẹp thì nguy cơ xảy ra sự cố là rất cao.
Anh V.V.H, người nhà bệnh nhân quê ở Hà Nam chia sẻ: “Cuộc sống khó khăn nên buộc lòng chúng tôi phải chọn cách này. Sinh hoạt chen chúc, chờ đợi nhau để giặt đồ, tắm rửa đã đành, tôi lo sợ nhất vẫn là những nguy hiểm rình rập khi có quá nhiều cùng sống trong một không gian chật hẹp”.
Tìm tới xóm chạy thận ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chúng tôi trực tiếp được thấy và cảm nhận cuộc sống tạm bợ của những bệnh nhân tại đây. Để chữa trị bệnh suy thận tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều năm nay họ đã phải "trường kỳ" thuê những căn nhà ẩm thấp, lụp xụp và thiếu an toàn. Không chỉ đường xây điện chằng chịt, giăng như mạng nhện khắp con ngõ nhỏ, mà việc những chiếc bếp gas kê tạm bợ trên bàn để ngay trước cửa dãy trọ, xung quanh là những vật liệu, đồ dùng dễ bắt lửa đã là điều vô cùng nguy hiểm đe dọa tính mạng những người sống ở khu trọ này.
Bà Nguyễn Thị Thu (quê Hưng Yên) cho biết: “Để giảm bớt gánh nặng tiền nhà, tôi phải ghép chung phòng với người khác. Cũng biết là sống trong những nơi này thì rất không an toàn, nhưng vì không có điều kiện chi trả thêm nên đành cắn răng chấp nhận. Ngày nào chúng tôi cũng đều nơm nớp lo sợ”.
Không chỉ đối mặt với nguy cơ cháy nổ, những người bệnh khi chọn các nhà trọ giá rẻ phải chấp nhận cuộc sống tạm bợ, thiếu thốn đủ thứ. Đặc biệt là tình trạng mất vệ sinh, thiếu nước sạch, nguy cơ lây nhiễm bệnh khi sử dụng chung các đồ dùng ở các nhà trọ thậm chí cả nguy cơ mất an toàn như trộm cắp an ninh không đảm bảo.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội), cho biết những xóm trọ của bệnh nhân thường nằm trong các ngõ nhỏ, rất khó cho các phương tiện chữa cháy tác nghiệp. Trong khi đó, một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hỏa hoạn là do người dân hiểu biết sơ sài về công tác phòng cháy chữa cháy. Vì vậy cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ năng về phòng cháy chữa cháy cho người dân, kỹ năng thoát nạn khi có hỏa hoạn cho người dân, nhất là những người sống tại các xóm trọ này.
Ngoài việc tập huấn kiến thức kỹ năng cho người dân, tại các địa bàn có nhiều khu trọ chính quyền cần tăng cường việc giám sát chất lượng các khu nhà trọ, phải có tiêu chuẩn đảm bảo an toàn cho các khu trọ, không chỉ về phòng cháy chữa cháy mà cả cơ sở vật chất, quy định số người ở, tránh để các trường mất an toàn, an ninh xảy ra.