Theo đề xuất này, giá trông giữ xe máy sẽ tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/xe/lượt, ô tô tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/xe/lượt. Mức giá trông giữ xe máy hiện nay là từ 3.000 - 5.000/ngày đêm.
Theo UBND TP.Hà Nội, việc tăng giá trông giữ phương tiện không ảnh hưởng đến người dân vì trên thực tế người dân đang phải trả cho các đơn vị, cá nhân trông giữ xe cao gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định của thành phố. Việc tăng giá vé là để sát với giá thị trường.
Cụ thể là trong Quyết định số 20 được UBND TP Hà Nội thông qua năm 2016 thì phí sử dụng tạm thời lòng đường có mức cao nhất là 80.000 đồng/m2/tháng, phí vỉa hè cao nhất là 45.000 đồng/m2/tháng.
Với mức phí này, cộng thuế VAT (trên hợp đồng hoặc vé), và các phí khác thì mức phí trông giữ xe tại khu vực các quận nội thành được niêm yết như sau: Đối với xe máy mức phí cao nhất là 50.000 đồng/tháng (giá vé lượt 3.000 đồng/lượt); đối với ô tô gửi ban ngày có giá từ 1 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/tháng (vé lượt từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng/lượt). Các mức phí thu thực hiện từ 1/1/2017.
Tuy nhiên, đầu tháng 11 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có đề xuất điều chỉnh mức phí sử dụng lòng, hè đường tại khu vực trung tâm theo hướng tăng cao gấp 3 lần. Kết quả vì tăng phí thuê lòng đường, vỉa hè sẽ đồng nghĩa với việc tăng giá phí trông giữ xe.
Cụ thể tính tại khu vực Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, mức giá cũ gửi xe ô tô chỉ từ 1 - 2,5 triệu đồng/tháng nhưng theo giá mới thì đã tăng từ 2 - 4 triệu/tháng, với xe máy 220.000 đồng/tháng. Nếu chia ra vé lượt mỗi lượt sẽ có giá 130.000 đồng/lượt (2 giờ) cùng với các khoản chi phí khác thành một con số không hề nhỏ.
Các chuyên gia đề xuất rằng, Hà Nội phải đưa ra được mức phí thu từ hoạt động trông giữ xe là tăng lên bao nhiêu để không khiến người dân bức xúc.
Chia sẻ với Reatimes, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) chia sẻ: “Việc tăng phí thuê lòng đường, vỉa hè là cần thiết để đạt được mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào nội đô, khuyến khích nhà đầu tư xây dựng bãi đỗ xe tập trung tuy nhiên cần có lộ trình và xem xét mức tăng hợp lý, đặc biệt là tăng phí gửi trông xe. Mức tăng dù thế nào cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Quan trọng hiện nay Hà Nội cần nghiên cứu xem xét, đưa ra mức tăng phù hợp giữa phí thuê lòng đường, vỉa hè và giá trông giữ xe, tránh những ý kiến trái chiều gây mâu thuẫn tranh cãi”.
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông Vận tải chia sẻ với Reatimes rằng, chuyện tăng phí vỉa hè, lòng đường rồi tiếp tục tăng giá vé trông giữ xe là học nguyên si bài của nước ngoài. Tức là ở nước ngoài tăng phí vỉa hè lòng đường để giảm bớt phương tiện cá nhân, thế nhưng giao thông của họ rất hiện đại, còn ở Việt Nam thì chưa làm tới.
Theo ông Thủy: "Ở họ, các tuyến xe buýt, tàu điện ngầm đi từ thành phố này tới thành phố khác trong thời gian ngắn. Thu nhập trung bình của người dân cũng trên 20 triệu đồng/tháng. Ngược lại, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam trung bình chỉ từ 3 triệu đồng/tháng trở lên. Vậy, giờ gửi ô tô là 30 nghìn đồng, tăng thêm gấp 2 - 3 lần sẽ lên đến gần trăm nghìn đồng thì dân phản ứng là điểu hiển nhiên".
“Hà Nội chưa đảm bảo về giao thông tĩnh, các điểm đỗ xe gần như không có, người dân vẫn chủ yếu là gửi xe ở trên vỉa hè, lòng đường. Khi giao thông tĩnh chưa phát triển, vỉa hè, lòng đường là nơi duy nhất người dân có thể để xe, giờ lại tăng phí lên cao là bất cập lớn. Chính vì vậy, tăng giá, phí chỉ nên thực hiện từ khoảng năm 2025 hoặc 2030 khi phương tiện giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu người dân", ông Thủy nhấn mạnh.
Theo đồ án quy hoạch giao thông – vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016, quy hoạch bãi đỗ xe theo định hướng trong khu vực từ vành đai 3 trở vào có tổng số 416 bãi đỗ xe, với tổng diện tích đỗ xe dự kiến khoảng 346,60 ha. Đến nay đã có 88 dự án bến, bãi đỗ xe được duyệt nhưng số dự án triển khai hoàn thành là 20/88 dự án và 16/88 đang triển khai thi công (còn lại 52 dự án chưa triển khai thực hiện đầu tư). Cũng theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.436 điểm trông giữ phương tiện. Tính từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/10/2017, Thanh tra GTVT đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 330 trường hợp vi phạm và phạt tiền trên 1,4 tỷ đồng. Xảy ra vi phạm này bởi nhu cầu dừng đỗ xe của người dân vẫn cao, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp, lợi nhuận về trông giữ xe cao nên các đơn vị vẫn cố tình vi phạm. |