Aa

Hà Nội: Quy hoạch phát triển 159 cụm công nghiệp đến 2030

Thứ Ba, 20/03/2018 - 05:50

UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1292/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 gồm 159 cụm công nghiệp tổng diện tích khoảng 3.204,31ha. 

Giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố có 138 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 2.622,91ha: Giữ nguyên, điều chỉnh, mở rộng, hoàn thiện, củng cố, chuẩn hóa 64 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.598,1ha. Tiếp tục cho tồn tại nhưng hạn chế phát triển, lâu dài thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt 22 cụm công nghiệp đang tồn tại trong khu vực vành đai xanh với tổng diện tích khoảng 428,81ha. Thành lập mới một cách có chọn lọc 52 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 596ha.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030: Mở rộng 05 cụm công nghiệp đã được quy hoạch ở giai đoạn 2017 - 2020 với tổng diện tích khoảng 45,4ha. Xây dựng mới 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 536ha.

Địa điểm và phân bổ mạng lưới cụm công nghiệp: Phía Bắc bao gồm các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm: Ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí, sản xuất ô tô, công nghiệp vật liệu mới, hóa dược - mỹ phẩm, dệt may; đẩy mạnh liên kết vùng và hai hành lang kinh tế; gắn với hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng.

Phía Nam bao gồm huyện Thường Tín và Phú Xuyên: Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao), chế biến nông sản công nghệ hiện đại với nguyên liệu đầu vào từ vùng phát triển nông nghiệp thuộc các tỉnh phía Nam Hà Nội; phát triển công nghiệp hỗ trợ (dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, điện tử tin học, sản xuất và lắp ráp ô tô)... ; phát triển hành lang kinh tế Bắc Nam dọc quốc lộ 1A.

Phía Tây (khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn): ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực là công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp, hóa dược - mỹ phẩm, công nghệ điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano, công nghệ năng lượng mới, vật liệu xây dựng, nội thất cao cấp... Gắn với phát triển Vùng kinh tế Tây Bắc và đường Hồ Chí Minh.

Việc quy hoạch các phân khu chức năng được thực hiện theo các điều kiện cụ thể của từng cụm theo phương châm tiết kiệm quỹ đất, nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng hiện hành; khuyến cáo triển khai với các chỉ tiêu định hướng sau: Đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp: 65 - 70%; Đất xây dụng các công trình kỹ thuật: 0,5% - 1%; Đất xây dựng trung tâm quản lý điều hành: 0,5% - 1%; Đất xây dựng các công trình giao thông: 10%-12%; Đất dịch vụ hỗ trợ và cây xanh: 18%-21%.

Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 49.425 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020 khoảng 34.900 tỷ đồng và giai đoạn từ năm 2021 - 2030 khoảng 14.525 tỷ đồng.

Tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng có tiềm lực về vốn, công nghệ, thương hiệu đầu tư vào cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn; tập trung huy động các nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, vốn tín dụng; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào cụm công nghiệp theo một đầu mối tổ chức thống nhất, có sự tham gia của các ban, ngành, có trọng tâm, trọng điểm riêng cho từng đối tượng cần thu hút vốn.

Các sở, ban, ngành của Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top