Aa

Hà Nội sắp chi 2.500 tỷ đồng xây cầu Vĩnh Tuy mới

Thứ Năm, 05/12/2019 - 06:15

Hà Nội sẽ chi hơn 2.500 tỷ đồng thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Việc lựa chọn nhà thầu sẽ được thực hiện trong thời gian tới để dự án kịp hoàn thành vào cuối năm 2022.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành liên quan vừa thẩm định xong báo cáo tiền khả thi dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 của UBND TP. Hà Nội.

Cầu Vĩnh Tuy mới sẽ được đầu tư công với tổng vốn 2.561 tỷ đồng, đặt kế bên cầu cũ, biến tổng chiều rộng mặt cầu từ 19m lên 38m. Thời gian xây dựng từ năm 2020 đến 2022.

Nút giao cầu Vĩnh Tuy ở phía quận Hai Bà Trưng.

Qua đánh giá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tán thành với mục tiêu xây dựng công trình nhằm hoàn thiện toàn bộ đường vành đai 2 và tăng cường kết nối 2 bên bờ sông Hồng, tạo tiền đề hình thành chuỗi đô thị phía bắc Hà Nội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu Hà Nội tính toán kỹ, đảm bảo tính khả thi về vốn. HĐND thành phố cần cam kết và chịu trách nhiệm về việc cân đối ngân sách địa phương để bố trí cho dự án.

Theo báo cáo tiền khả thi của Hà Nội, dự án được đầu tư toàn bộ bằng vốn ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư 2.561 tỷ đồng, trong đó dự kiến bắt đầu cấp vốn từ năm 2020 với khoảng 300 tỷ đồng. Hơn 2.200 tỷ đồng còn lại sẽ được lấy từ nguồn tăng thu kết dư ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 hoặc từ nguồn vay ngân quỹ nhàn rỗi, phát hành trái phiếu nếu cần thiết.

Chi phí thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là 1.817,5 tỷ đồng, chiếm 71% tổng mức đầu tư dự án. Đồ họa: Ngọc Tân.

Theo quy định, dự án sẽ phải tiến hành bước thi tuyển phương án kiến trúc. Tuy nhiên, kiến trúc công trình đã được thống nhất, phê duyệt từ giai đoạn 1 nên TP. Hà Nội xin bỏ qua bước này. Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ được xây dựng với kết cấu, hình dáng tương đồng với giai đoạn 1.

Do cầu mới là một phiên bản tương tự cầu cũ nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu TP. Hà Nội so sánh chi phí xây dựng 2 công trình, giải thích rõ sự chênh lệch (nếu có).

Về phương án tổ chức giao thông, cầu Vĩnh Tuy mới sẽ đảm nhiệm chiều đường từ bờ Nam (quận Hai Bà Trưng) sang bờ Bắc (quận Long Biên) với 4 làn xe, gồm 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, một làn hỗn hợp và dải đi bộ. Như vậy, toàn bộ phần cầu cũ sẽ chuyển thành đường 1 chiều từ Long Biên vào trung tâm thành phố.

UBND TP. Hà Nội cho biết 2 bên bờ sông đều có sẵn phần đường dẫn nối lên cầu (xây chờ từ giai đoạn 1) nên dự án không cần giải phóng mặt bằng.

Cầu Vĩnh Tuy được khởi công năm 2005 và đưa vào khai thác năm 2010. Theo thiết kế ban đầu, cầu có chiều rộng 38m, dài 5,8km, trong đó phần vượt sông dài 3,7km, đường dẫn hai đầu 1,68km. Do thiếu vốn, dự án mới hoàn thành phần đường dẫn 2 đầu cầu và một nửa diện tích mặt cầu rộng 19m.

Năm 2011, TP. Hà Nội phê duyệt dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Nhưng do thiếu vốn, dự án bị chững lại suốt 8 năm không thể khởi công. Dự kiến vào quý III/2020, Hà Nội sẽ lựa chọn nhà thầu, thi công trong khoảng 2 năm để hoàn thành vào tháng 12/2022.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top