Aa

Hà Nội sẽ đặt hàng khoảng 22.300 căn hộ thương mại phục vụ tái định cư

Thứ Bảy, 30/09/2017 - 14:00

Lãnh đạo Hà Nội cho biết, theo kế hoạch năm 2017, thành phố sẽ đầu tư khoảng 22.300 căn hộ nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ các dự án trong giai đoạn 2018- 2020 và các năm tiếp theo.

Ngày 29/9, Thủ tướng đã có buổi làm việc với TP. Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, công tác đảm bảo an ninh trật tự 9 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Hà Nội đã đề xuất 21 kiến nghị với Thủ tướng, đáng chú ý trong đó có nhiều giải pháp để phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và nhà tái định cư.

Cụ thể, đối với cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư, UBND TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ chấp thuận cho phép được áp dụng hình thức thu hồi đất, giao đất theo quy định của Luật Đất đai và lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án, không thông qua đấu thầu, đấu giá...

Tiền sử dụng đất được xác định tại thời điểm giao đất theo quy định nhưng tiền sử dụng đất được nộp vào thời điểm nhà đầu tư bán căn hộ tái định cư theo quyết định của UBND Thành phố cho các hộ dân. Đồng thời, cho phép nhà đầu tư được hưởng 10% lợi nhuận định mức (không bao gồm lãi suất tiền vay) để thực hiện dự án tương tự định mức phát triển nhà ở xã hội.

Lãnh đạo Hà Nội cho biết, theo kế hoạch năm 2017, thành phố sẽ đầu tư khoảng 22.300 căn hộ nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng (kinh phí dự toán khoảng 55.000 tỷ), đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở tái định cư phục vụ các dự án trong giai đoạn 2018- 2020 và các năm tiếp theo.

Nếu thực hiện theo phương án đầu tư nêu trên, thành phố chỉ phải bố trí vốn để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất, không phải bố trí ngân sách để xây dựng công trình, doanh nghiệp giải quyết được việc làm, có thu nhập và tham gia vào quản lý, vận hành nhà ở tái định cư, người dân được hưởng chất lượng và dịch vụ theo cơ chế nhà ở thương mại.

Một dự án nhà thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: Tuấn Minh

Một dự án nhà thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: Tuấn Minh

Về cơ chế phát triển quỹ nhà ở xã hội, lãnh đạo TP. Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được phát triển nhà ở xã hội theo nguyên tắc cân đối tỷ lệ tổng thể với quy mô nhà ở thương mại trên toàn địa bàn để hình thành các khu nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ. 

TP cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số gói thầu tư vấn và dự án đặc thù. Cụ thể, cho phép thành phố được lựa chọn các đơn vị thực hiện theo phương thức chỉ định thầu đối với những công trình cấp bách cần phải chỉ định thầu hoặc những dự án lập quy hoạch chi tiết 1/500, quy hoạch ngành có tính chất đặc thù.

Đồng thời, đề nghị Trung ương thưởng vượt thu và đầu tư trở lại cho thành phố tương ứng toàn bộ số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn thành phố. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Luật Thủ đô, Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị định số 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ để thực hiện các dự án đường sắt đô thị và đường giao thông. 

Về biên chế, vị trí việc làm, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho thành phố được quyết định Đề án vị trí việc làm tại cơ quan, đơn vị tổ chức lại (sáp nhập, hợp nhất); duyệt các đối tượng tinh giản biên chế theo quy định để xem xét việc đánh giá phân loại cán bộ công chức, viên chức hằng năm.

Đối với việc phân cấp quản lý thanh tra xây dựng, lãnh đạo TP đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Hà Nội thực hiện thí điểm giao cho cấp huyện quản lý thanh tra xây dựng cùng cấp để phát huy hiệu quả.

Về công tác thực hiện cổ phần hóa tại doanh nghiệp nhà nước, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao thành phố tiếp tục làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp sau sắp xếp, cổ phần hóa và cho phép thành phố được quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa để bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm, trọng tâm là các tuyến đường sắt đô thị.

Về xử lý rác thải, lãnh đạo TP đề nghị Chính phủ chấp thuận bổ sung các dự án xử lý rác phát điện trong Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia tại các địa điểm: Sóc Sơn, Tả Thanh Oai - Thanh Trì, Đồng Ké - Chương Mỹ và Xuân Sơn, Sơn Tây - Ba Vì.

Về phát triển du lịch, Hà Nội đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đầu tư dự án nhà ga T3, T4 - Sân bay Quốc tế Nội Bài và xem xét mở các đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm. Tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 ngày lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch từ thị trường xa như Tây Âu....

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top