Theo đó, UBND TP giao Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối tổng hợp kết quả thực hiện Chỉ thị nêu trên của các sở, ngành và đơn vị; dự thảo báo cáo của UBND TP báo cáo kết quả triển khai Chỉ thị định kỳ trước ngày 15 của tháng cuối quý và trước ngày 15 tháng 12, gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Sở Xây dựng cũng chủ trì rà soát, thống nhất đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, đảm bảo rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ 166 ngày xuống còn tối đa không quá 120 ngày theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 08 rồi báo cáo UBND TP.Hà Nội.
Để giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép và các thủ tục có liên quan nhưng vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng công tác cấp phép trên địa bàn, UBND thành phố đề nghị Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Tổng công ty Điện lực Hà Nội khẩn trương nghiên cứu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục theo đúng Chỉ thị số 08.
Thủ tục thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy giảm từ 30 ngày xuống còn tối đa 20 ngày; thời gian góp ý đối với đồ án thiết kế quy hoạch, thiết kế xây dựng giảm từ 10 ngày xuống còn 5 ngày; thời gian giải quyết thủ tục kết nối cấp điện giảm từ 14 ngày xuống còn tối đa không quá 7 ngày; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng trước ngày 15/6/2018.
Còn Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, các công ty kinh doanh nước sạch khẩn trương nghiên cứu, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đấu nối cấp và thoát nước từ 14 ngày xuống còn tối đa không quá 7 ngày; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng trước ngày 15/6.
UBND quận, huyện, thị xã rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục có liên quan đến cấp phép xây dựng trên địa bàn, báo cáo Sở Xây dựng để tổng hợp.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có Chỉ thị 08/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan đến đất đai.
Theo đánh giá của Chính phủ, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng còn dài và chưa đồng bộ. Nguyên nhân là do một số quy định pháp luật hiện hành chưa thống nhất; năng lực của cán bộ, công chức chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; chưa thực hiện triệt để cơ chế "một cửa liên thông"; việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong thực hiện thủ tục hành chính chưa chặt chẽ...