Chiều 16/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Nhận định tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, đại dịch Covid-19 đang tác động nặng nề, gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng, rất nhiều dự báo, dự kiến được đưa ra nhưng đến giờ phút này vẫn chưa thể đánh giá hết được tác động ghê gớm của dịch Covid-19 đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cụ thể, trong quý I/2020, Việt Nam giữ được tăng trưởng khá cao so với thế giới nhưng chỉ bằng một nửa năm 2019. Quý II được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn.
Đối với Hà Nội, số liệu thống kê cho thấy 3 tháng đầu năm tăng trưởng 3,72%, thấp hơn mức bình quân cả nước. Bình quân 4 năm qua nông nghiệp thành phố tăng trưởng 2,5% mỗi năm nhưng 3 tháng đầu năm 2020 là âm 1,17%.
"Nếu ngành nông nghiệp của Thành phố không bị sụt giảm thì mức tăng trưởng sẽ cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đây là nỗ lực, cố gắng của Thành phố trong bối cảnh chung hiện nay", Bí thư Vương Đình Huệ nói và cho biết, Hà Nội sẽ quyết tâm tăng trưởng nông nghiệp ở mức 4,04% bằng cách tăng tái đàn gia súc, gia cầm...
Bên cạnh mục tiêu hàng đầu là tập trung cho công tác phòng chống dịch, Hà Nội đang phấn đấu giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại kinh tế, duy trì và phát triển sản xuất để nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội và chuẩn bị tiềm năng để phục hồi kinh tế.
Nói về chủ trương rà soát, không để mét đất nào bỏ hoang, ông Vương Đình Huệ kêu gọi các nhà đầu tư phối hợp phát triển nông nghiệp và dẫn chứng: "Ngay ở Ba vì đang có 41ha có thể làm rau sạch, nhà đầu tư có thể lên làm việc ngay. Thành phố cũng giảm bớt diện tích trồng hoa để tăng sản lượng các sản phẩm nông nghiệp. Đây là cơ hội chào đón các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp".
Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế trực tuyến, trong bối cảnh dịch bệnh, Hà Nội sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông trong tuần tới để triển khai công việc. Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: "Mục tiêu cứ 1.000 dân sẽ có 1 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này, chú trọng hình thức trực tuyến, kể cả với các dịch vụ công, coi đây như một cứu cánh của nền kinh tế".
Về đầu tư công, trong giai đoạn 5 năm qua, Hà Nội có hơn 107.000 tỷ đồng, chiếm 10% đầu tư công của cả nước. Hà Nội đã quyết tâm tháo gỡ tất cả những vướng mắc để giải ngân gần 40.000 tỷ đồng còn tồn đọng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đánh giá đây là nguồn lực lớn để kích hoạt đầu tư tư nhân, Bí thư Thành ủy mong muốn các nhà đầu tư phối hợp với Hà Nội để triển khai các khoản đầu tư công này.
Đặc biệt, Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Đây là giai đoạn Thành phố xác định sẽ gỡ mọi vướng mắc, khó khăn cho đầu tư công và đầu tư tư nhân. Thành phố sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ các thủ tục, chính sách để dự án của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Thành phố được kích hoạt, thông suốt và cam kết có thời hạn thực hiện cụ thể".
Bên cạnh đó, đối với các gói hỗ trợ của Chính phủ, Hà Nội sẽ triển khai một cách nhanh nhất; đồng thời cũng muốn lắng nghe đề xuất của các nhà đầu tư, hiệp hội về phí, lệ phí… để có điều chỉnh quyết sách cần thiết thuộc thẩm quyền của Thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ có hiến kế cho Thành phố để duy trì được đà tăng trưởng, nạp năng lượng, tạo hiệu năng để khi vượt qua được dịch thì kinh tế có thể tăng trưởng vượt bậc.
Theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì, song do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, nên hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng của Thành phố đều thấp hơn so với cùng kỳ.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn quý I tăng ở mức 3,72%. Trong đó, dịch vụ tăng 3,20%; công nghiệp và xây dựng tăng 5,46%; nông nghiệp giảm 1,17% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,44%; tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 7,4%, tổng mức bán lẻ tăng 2,3%.
Đến nay, Hà Nội có tổng số trên 285.360 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 97%. Trong 4 năm từ 2016 - 2019, Hà Nội có hơn 105.000 doanh nghiệp thành lập mới, với tốc độ tăng đều qua các năm (khoảng 9%/năm).
"Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp tại Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động còn nhiều. Quy mô doanh nghiệp chưa có nhiều cải thiện. Năng lực quản trị doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế. Tình trạng thiếu vốn, khó khăn về mặt bằng sản xuất vẫn xảy ra", Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết.
Đặc biệt, trong quý I/2020, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội bị ảnh hưởng rất lớn bởi tác động của dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu.
Các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Riêng 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động là 4.240 doanh nghiệp (tăng 36% so với cùng kỳ); số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người, tăng 22,2% so với cùng kỳ.