Aa

Hà Nội siết chặt quy định đấu giá đất: Tránh tạo ra thị trường "ảo"

Thứ Năm, 16/06/2022 - 16:00

Thành phố Hà Nội vừa áp dụng quy định mới về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn thành phố.

Theo Quyết định số 24/2022/QĐ-UBNND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2020/QĐ-UBND ngày 18/11/2020 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, người tham gia đấu giá đất phải nộp tiền đặt trước (tiền đặt cọc) bằng 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

Cụ thể, kể từ ngày nhận được quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá của Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền, trong thời hạn 5 ngày, cơ quan thuế Hà Nôj gửi thông báo nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất bằng văn bản cho người trúng đấu giá.

Thời hạn nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức đấu giá chủ động xác định, đề xuất thời hạn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cụ thể tại phương án đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng không được quá thời gian quy định tại Điều 18 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng quy định thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan thuế của Hà Nội có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lập hồ sơ trình Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo thời hạn quy định.

Hồ sơ trình ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.

Khoản tiền đặt cọc (theo quy định tại khoản 5 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản) của người bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 điều này được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ các khoản chi phí đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội điều chỉnh một số quy định trong đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt ban hành những chế tài mạnh, đủ sức răn đe là rất cần thiết nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai. Bởi từ thực tế đấu giá đất thời gian qua, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác liên tục xuất hiện tình trạng bỏ cọc sau khi giá trúng bị đẩy lên cao bất thường.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, nếu tình trạng bỏ cọc tiếp diễn, Hà Nội sẽ thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến tiến độ phát triển đô thị, ổn định đời sống dân cư và rối loạn thị trường bất động sản Thủ đô.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đơn cử như đầu năm 2022, Trung tâm quỹ đất Mê Linh đã phải hủy bỏ kết quả đấu giá gần 20 thửa do người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Theo đó, số tiền nhà đầu tư bỏ cọc khoảng 60 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án đấu giá thôn Ngự Tiền (xã Thanh Lâm) 10 thửa; dự án tại điểm X2, thôn Văn Lôi (xã Tam Đồng) 5 thửa; dự án tại điểm X3 (xã Tam Đồng) cũng có trường hợp bỏ cọc. Hay tại quận Cầu Giấy, 4 thửa đất tại Khu X4 (phường Mai Dịch) sau khi được "đẩy" giá trúng lên gần 400 triệu đồng/m2 (gấp 2 - 2,6 lần so với giá khởi điểm), khách hàng lại bỏ cọc. Nếu không xảy ra bỏ cọc thì ngân sách quận sẽ thu về 250 tỷ đồng...

Mới đây, ngày 3/6, Trung tâm quỹ đất Mê Linh huyện Mê Linh tiếp tục đấu giá thành công 17 thửa đất tại điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm. Với giá khởi điểm từ 27,1 triệu đồng đến 35,2 triệu đồng/m2, kết quả trúng giá cao nhất lên đến 85,5 triệu đồng/m2, thấp nhất là 28,6 triệu đồng/m2. Tổng số tiền trúng đấu giá hơn 98 tỷ đồng.

Sau khi phiên đấu giá kết thúc, nhiều người dân và nhà đầu tư cho rằng, giá trúng trên là quá cao so với mặt bằng chung của khu vực huyện Mê Linh. Mặc dù có lợi thế về hạ tầng, lại thêm thông tin về việc sắp triển khai xây dựng đường Vành đai 4 qua địa bàn huyện, nhưng mức giá trúng trên vẫn cao hơn giá đất xung khoanh khu vực từ 20-30 triệu đồng/m2. Câu hỏi đặt ra là liệu đến hạn cuối phải nộp tiền trúng giá, khách hàng có tiếp tục bỏ cọc như một số dự án đã diễn ra trước đây?

Từ thực trạng này, các chuyên gia đề xuất, trong khi chờ Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi thì trước mắt có thể xem xét phương án thuê các tổ chức định giá độc lập để lấy kết quả định giá này là một trong những căn cứ xác định giá khởi điểm đấu giá đất; hoặc có cơ chế để lựa chọn nhà đầu tư tương tự như thủ tục đấu thầu (xem xét đề xuất về tài chính, kỹ thuật để sàng lọc, lựa chọn ra danh sách các nhà đầu tư tiềm năng, có khả năng thực hiện tốt dự án) rồi mới tiến hành bỏ giá...

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, giai đoạn 2011-2021, trên địa bàn thành phố đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 1.708 dự án với tổng diện tích 3,177 triệu m2, thu về cho ngân sách hơn 59.423 tỷ đồng.

Dự kiến trong giai đoạn 2022 - 2023, Hà Nội sẽ đấu giá 1.084,82ha đất và số tiền trúng đấu giá khoảng 104.000 tỷ đồng; trong đó, riêng năm 2022, sẽ đấu giá 507 dự án với tổng diện tích đất 422,07 ha.

Đánh giá của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, việc tập trung đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố thời gian qua đã nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế tại các địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới pháp luật về đất đai, đấu giá quyền sử dụng đất. Trong đó, có những nội dung chưa rõ ràng, chồng chéo, thiếu đồng bộ dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, các phương pháp xác định giá đất (gồm so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất) không hiệu quả. Hiện nay, khi giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phản ánh đúng giá giao dịch thực tế thì thông tin đầu vào để áp dụng các phương pháp định giá đất thiếu chính xác, không tin cậy; nhiều loại đất, khu vực không có thông tin chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc điều chỉnh sự khác biệt giữa tài sản so sánh và tài sản thẩm định phụ thuộc vào kinh nghiệm của thẩm định viên về giá, nhiều chỉ tiêu tính toán chi phí phát triển chưa được hướng dẫn chi tiết...

Ngoài ra, đối tượng, điều kiện áp dụng phương pháp định giá chưa được quy định cụ thể, nhiều trường hợp một thửa đất nếu áp dụng hai phương pháp định giá đất khác nhau sẽ cho ra kết quả định giá khác nhau.

Hay trong quá trình xác định giá, còn có tình trạng các ý kiến của cơ quan thanh, kiểm tra (Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước) chưa thống nhất về phương pháp tính, các khái niệm, định mức, thông số tính toán dẫn tới phải tạm dừng để xin ý kiến cơ quan Trung ương.

Từ những vướng mắc trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất theo hướng áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (K).

Đây là phương pháp định giá đất bằng cách sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất nhân với giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành. Qua đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian xác định giá đất cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch; nhà đầu tư chủ động trong việc xác định giá đất, phương án kinh doanh của doanh nghiệp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top