Aa

Hà Nội: Tăng phí lòng đường gấp 3 lần, phí khác "đội giá" có thuyết phục?

Hồng Vũ (thực hiện)
Hồng Vũ (thực hiện) pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 23/11/2017 - 03:20

Sau khi UBND TP. Hà Nội có đề xuất tăng phí sử dụng vỉa hè, lòng đường lên gấp 3 lần đã gây ra nhiều tranh cãi. Cụ thể, nhiều chuyên gia và người dân cho rằng, tăng phí thuê thì các đơn vị khai thác cũng sẽ tăng phí trông giữ xe và phí dịch vụ khác. Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội về vấn đề này.

Theo tờ trình HĐND thành phố, UBND TP. Hà Nội đề xuất tăng mức phí sử dụng vỉa hè lòng đường lên gấp 3 lần so với mức hiện nay.

Cụ thể, phí lòng đường, hè phố sử dụng để trông giữ ôtô tại khu vực lõi đô thị (gồm 12 tuyến tại quận Hoàn Kiếm), trong đó có phố Nguyễn Xí, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Hàng Ngang, Hàng Đào… được lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đề xuất tăng từ 80.000 lên 240.000 đồng/m2/tháng (gấp 3 lần hiện nay).

Lòng đường, hè phố các tuyến còn lại của quận Hoàn Kiếm và các tuyến phố nằm trong khu vực đường vành đai 1 được tăng từ 60.000 lên 150.000 đồng/m2/tháng; lòng đường, hè phố các tuyến nằm trong đường vành đai 2, vành đai 3 tăng từ 45.000 – 60.000 đồng lên từ 60.000 - 80.000 đồng/m2/tháng.

Phí lòng đường, hè phố sử dụng để trông giữ xe máy tại khu vực lõi đô thị (gồm 12 tuyến tại quận Hoàn Kiếm) tăng từ 45.000 đồng lên 135.000 đồng/m2/tháng; khu vực từ đường vành đai 1 đến vành đai 3 có mức tăng 45.000 đồng đến 90.000 đồng/m2/tháng.

bãi

 Phải làm sao “dẹp” được nạn lấn chiếm làm bãi xe lậu, chặt chém giá vô tội vạ, rồi mới tính đến tăng giá, tận thu. Ảnh: Hồng Vũ.

Tương tự phía Cục Thuế Hà Nội cho rằng, với mức phí và giá mới này, nếu thực hiện sẽ đạt được nhiều mục tiêu.

Đầu tiên là hạn chế phương tiện cá nhân bởi khi mức giá trông giữ phương tiện tăng lên sẽ cân nhắc chuyển từ việc sử dụng phương tiện cá nhân sang các phương tiện công cộng để tiết kiện chi tiêu, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Thứ hai, giảm vi phạm của các tổ chức trông giữ; đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; thứ 3 tăng thu ngân sách Nhà nước; thứ 4 với quy định tăng mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe hiện đại và cuối cùng sẽ đạt được mục tiêu mở rộng mô hình Iparking, với mức giá dịch vụ dự kiến tại các điểm Iparking (25.000đ/lượt) thấp hơn mức giá trông giữ truyền thống tại các tuyến phố đô thị lõi (30.000đ/lượt)...

Xoay quanh câu chuyện câu chuyện tăng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè gấp 3 lần có thuyết phục không, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội:

PV: Với vai trò là một nhà quy hoạch, một KTS, ông nhận thấy đề xuất tăng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè của Hà Nội có ý nghĩa như thế nào? Và có thực sự thuyết phục hay không khi đang có quá nhiều tranh cãi?

KTS Đào Ngọc Nghiêm: Thực tế, dự thảo trình HĐND TP. Hà Nội là một văn bản điều chỉnh quyết định của HĐND đã có từ năm 2016 và đang áp dụng. Đánh giá một cách khách quan, tôi cho rằng đề xuất này hoàn toàn phù hợp với căn cứ pháp lý hiện hành cũng như bối cảnh của TP. Hà Nội.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng đề xuất này vẫn đang tồn tại những bất cập, và đó chính là những điều đang gây tranh cãi trong xã hội, tranh cãi giữa các chuyên gia, các bên quản lý và người dân.

Vấn đề đầu tiên là việc hạn chế xe cá nhân thì thành phố đã có cả một đề án đã được thông qua rồi nên bảo rằng đặt mục tiêu đầu tiên là hạn chế xe cá nhân là không cần thiết.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm (Ảnh: Hồng Vũ)

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm. Ảnh: Hồng Vũ.

Bên cạnh đó, nói rằng hướng đến hạn chế xe cá nhân nhưng trên thực tế ở nhiều tuyến phố trung tâm vẫn có những điểm đỗ xe được thành phố cho thuê mặt bằng, tạo thuận lợi cho người có xe cá nhân công tác hoặc đi chơi trên phố.

Cuối cùng, mục tiêu tăng phí là nhắm vào tổ chức trông giữ xe, vào người dân (bị tăng giá) để tăng ngân sách thành phố.

Chúng ta thấy rõ là trước đó, thành phố đã mất nhiều thời gian công sức để dẹp các vỉa hè, lòng đường, cấm bán rong, để lấy lại những công trình công cộng để phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, công trình công cộng này sau khi lấy lại cần phải sử dụng cho đúng chức năng thì lại được coi là loại hình dịch vụ để kinh doanh hoặc thu phí, tăng phí để tăng ngân sách là chưa thuyết phục.

PV: Ông có cho rằng tăng mức phí sử dụng lòng đường vỉa hè là bước đệm để có thể thực hiện các chính sách tăng thu phí dịch vụ khác góp phần tăng thu ngân sách cho Hà Nội?

KTS Đào Ngọc Nghiêm: Hiện nay, Hà Nội còn tồn tại nhiều vấn đề như thiếu quản lý chặt chẽ đối với những đơn vị trông giữ xe, thiếu công bằng trong các đơn vị trông giữ giữa tư nhân và công cộng. Thế nên mức phí sử dụng lòng đường, vỉa hè của TP. Hà Nội chưa tạo điều kiện để tăng nguồn thu ngân sách, thậm chí có tăng gấp 3 lần. Mặc dù chúng ta biết rõ là việc quy hoạch phát triển hạ tầng, giao thông của thành phố cần rất nhiều ngân sách nhưng phải có những chính sách phù hợp, không gây tranh cãi.

PV: Thưa ông, có một thực tế là trên địa bàn Hà Nội vẫn còn rất nhiều bãi trông giữ xe không phép, điểm trông giữ xe “chặt chém” giá vô tội vạ, thậm chí có nhiều tuyến phố hẹp, lưu lượng giao thông lớn, nhưng vẫn được cấp phép cho khai thác lòng đường làm điểm trông giữ xe gây ùn ứ giao thông. Nếu đề xuất tăng phí gấp 3 lần thì theo ông, có chắc chắn rằng sẽ giảm được số lượng các đơn vị vi phạm trật tự đô thị, các bãi đỗ xe “chặt chém”?

KTS Đào Ngọc Nghiêm: Cũng rất khó để nói rằng có thể giảm các bãi đỗ xe lậu, chặt chém giá vô tội vạ, mặc dù theo mục tiêu đề án có thể là rất hay. Nhưng phải hiểu là hiện Hà Nội đang có đến hơn 2 triệu xe máy và một lượng lớn ô tô, số lượng này vẫn đang tăng theo từng năm, nhu cầu bãi đỗ xe cũng rất lớn.

Tuy nhiên, cần phải làm rõ hơn về việc thành phố cho đỗ xe ở đâu, sử dụng lòng đường ở đâu? Quy hoạch như thế nào cho tiện. Đặc biệt nói chuyện tăng phí thì phải phân rõ các khu vực cho hợp lý thì có thể phần nào hạn chế được bãi đỗ xe tự phát và chuyện lấn chiếm vỉa hè.

PV: Còn nhớ trước đó, Hà Nội đã thống nhất nhiều quy mô dự án bãi xe ngầm để phần nào giải quyết vấn đề bãi gửi xe tập trung. Song cho đến nay, việc triển khai khá chậm. Theo ông nếu giải được bài toán các bãi đỗ xe ngầm thì chúng ta có thể không phải nghĩ đến câu chuyện xuất hiện bãi giữ xe ở các vỉa hè và lòng đường?

Theo tôi, việc triển khai thực hiện bãi đỗ xe ngầm thời gian qua còn chậm là do thời điểm này thành phố mới đang nghiên cứu những địa điểm sẽ xây dựng bãi đỗ xe ngầm để có thể đảm bảo kết nối được nhiều tuyến đường giao thông, làm sao để phương án quy hoạch đồng bộ.

Còn trước đó cũng đã có một số đề xuất bãi đỗ xe ngầm nhưng do thiếu cơ chế, chính sách nên vẫn chưa thể thực hiện được bởi diện tích đầu tư xây dựng ngầm đắt hơn rất nhiều so với xây nổi.

Thế nên câu chuyện có thể thu hút vốn xã hội hóa, tăng thu ngân sách bằng các đề án nào đó cũng cần phải có cơ chế phù hợp. Không chỉ có Hà Nội mà cả các thành phố lớn cũng phải vậy.

Ngoài ra ở các vỉa hè cho người đi bộ cần nghiên cứu có những bãi đỗ xe thích hợp bằng những nhà gửi xe thông minh, nhà gửi xe cao tầng thì cũng là một số giải pháp. Tóm lại thì chuyện xây ngầm hóa thành công sẽ giải quyết được tất cả những câu chuyện tranh cãi không chỉ của vỉa hè mà còn nhiều vấn đề quy hoạch khác.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top