Aa

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Hà Nội tập trung nguồn lực cho công trình trọng điểm

Thứ Bảy, 27/08/2022 - 06:18

Sáng 26/8, tại trụ sở UBND TP. Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu lãnh đạo TP. Hà Nội làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân để có giải pháp đảm bảo đến ngày 31/12/2022, tiến độ giải ngân đầu tư công cho các dự án đạt 90%, đến tháng 1/2023 đạt 100%. Tuy nhiên, việc đảm bảo tiến độ giải ngân phải gắn với công trình hoàn thành, đảm bảo chất lượng công trình cũng như đảm bảo pháp lý, tránh giải ngân được nhưng không có công trình, không có khối lượng thì sau này sẽ vướng sai sót nguy hiểm.

“Giải ngân nhưng phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình. Từ Thành ủy, UBND đến các sở ngành, quận huyện cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để cuối năm hoàn thành một số công trình, tạo động lực mới cho địa phương. Muốn vậy, Hà Nội hạn chế dàn trải đầu tư, tập trung nguồn lực cho một số công trình trọng điểm không còn vướng mắc về mặt bằng, thủ tục đầu tư để hoàn thành công trình", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Thành phố cần rà soát những dự án đã ghi vốn cho năm 2022 nhưng chưa đấu thầu; có chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án thì thu hồi vốn lại để phân bổ cho nhóm dự án có khả năng hoàn thành từ nay đến ngày 31/12, hoặc cho dự án chưa hoàn thành từ nay đến 31/12. 

Bên cạnh đó, Hà Nội cần rà soát dự án còn vướng mắc về mặt bằng. Đối với những dự án đã có mặt bằng, có nhà thầu nhưng vướng mắc về các quy định liên quan như giá vật liệu, vật tư, định mức dự phòng… các bộ, ngành chức năng cũng cần rà soát để sớm tháo gỡ cho nhà thầu, đảm bảo tiến độ công trình và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Báo cáo về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ sự lo lắng về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Ước 8 tháng qua, toàn TP. Hà Nội giải ngân được 15.322 tỷ đồng, đạt 30%, dưới mức trung bình của cả nước. Thành phố đã tổ chức 6 đoàn công tác để đánh giá nguyên nhân của thực trạng này, phân loại dự án để đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Nguyên nhân dẫn tới tiến độ là do giải phóng mặt bằng, dự án phát sinh một số hạng mục, chi phí dẫn đến phải điểu chỉnh dự án, tác động của dịch Covid-19 hay việc chuẩn bị đầu tư dự án chậm… UBND TP. Hà Nội cũng đã đưa ra các giải pháp trọng tâm đẩy nhanh tiến độ như: Tăng cường kỷ luật, công khai, minh bạch kế hoạch đầu tư công... UBND quận, huyện, thị xã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án và nâng cao tỷ lệ giải ngân; chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm, quyết tâm trong thực hiện kế hoạch đầu tư công…

Nhằm đẩy mạnh kế hoạch đầu tư công năm 2022, UBND thành phố đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công năm 2019. Theo đó, bổ sung quy định về xử lý chuyển tiếp trong trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo Luật Đầu tư công năm 2019 thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư là của HĐND thành phố.

Các dự án ODA hiện nay đang triển khai tại Hà Nội chủ yếu là các dự án lớn về đường sắt đô thị. Quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, sự khác biệt giữa quy định hiện hành của Việt Nam và thông lệ quốc tế, quy định nhà tài trợ khi triển khai các hợp đồng với nhà thầu quốc tế dẫn đến phát sinh nhiều tranh chấp.

Do vậy, TP. Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp... ủng hộ, hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục cho thành phố trong quá trình triển khai các dự án ODA, góp phần thúc đẩy tiến độ , hạn chế các tranh chấp với các nhà thầu.

Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Nguyễn Chí Cường cho biết, đến nay, Ban quản lý dự án đã giải ngân được 48,4% so với kế hoạch vốn được giao năm 2022. Hiện đơn vị đang triển khai một số dự án giao thông trọng điểm ngay trong đợt dịch Covid-19, đồng thời đảm bảo biện pháp phòng dịch; phối hợp với nhà thầu thi công nghiệm thu, thanh toán hàng tháng cho nhà thầu.

“Đối với điều chỉnh giá, nếu như trước đây, dự phòng phí bao gồm cả trượt giá và trượt phòng phí theo khối lượng thì hiện nay theo quy định của Bộ Xây dựng tách riêng trượt giá và trượt phòng phí theo khối lượng. Ban dự án đề xuất các ngành chức năng tháo gỡ để Ban quản lý dự án có thể điểu hòa toàn bộ trượt phòng phí theo khối lượng cho trượt giá”, ông Nguyễn Chí Cường đề nghị.

Ông Nguyễn Chí Cường cũng đề nghị Bộ Xây dựng cho áp dụng đơn giá nước sạch là 11.000 đồng/m3 khi thi công các dự án lớn trong nội đô thay cho đơn giá 4.500 đồng/m3 đang áp dụng hiện nay vì khối lượng nước phải sử dụng trong thi công là rất lớn.

Ngoài ra, nhà thầu được thanh toán kinh phí chiếu sáng, duy trì cây xanh ngay từ khi thi công chứ không phải chờ đến khi hoàn thành công trình mới được thanh toán. Đặc biệt, quỹ nhà tái định cư cần chuẩn bị trước khi dự án được phê duyệt./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top