Aa

Hà Nội: Thiếu trầm trọng không gian xanh điều hòa không khí

Thứ Tư, 28/08/2019 - 10:30

Không gian xanh là một phần quan trọng giúp điều hòa không khí, cải tạo vi khí hậu, bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, nhiều năm qua, trong khi mật độ dân số tăng nhanh, các khu đô thị mọc lên như nấm thì không gian xanh cũng ngày càng giảm.

Với việc không có đủ không gian công cộng, TP. Hà Nội khó có thể đô thị hóa một cách lành mạnh. Người dân không có không gian dành cho các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, đồng thời đô thị hóa cũng trở nên kém hiệu quả và đi theo chiều hướng tiêu cực.

Đáng chú ý, có thời điểm trong những tháng đầu của năm 2019, ô nhiễm không khí tại Hà Nội đạt đến ngưỡng báo động. Nồng độ bụi mịn kích cỡ siêu nhỏ tại Hà Nội vượt mức 100, gấp trên 2 lần quy chuẩn quốc gia và gấp trên 4 lần so với quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Báo cáo của Tổ chức Hòa bình xanh quốc tế (GreenPeace) mới công bố cho thấy, năm 2018, Hà Nội đứng thứ 2 trong số những thành phố ô nhiễm nhất khu vực Đông Nam Á. Ô nhiễm không khí với sự xuất hiện của bụi mịn có khả năng luồn lách vào phổi tạo ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe của người dân, có thể gây nên các bệnh về hô hấp, tim mạch hoặc thậm chí ung thư.

Quá trình đô thị hóa quá nhanh đã tác động nhiều đến cấu trúc xanh của Hà Nội. Do đó phát triển phải gắn liền với xây dựng đô thị xanh, nhằm bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững.

Và một trong các giải pháp tối ưu chính là sử dụng cây xanh, không gian xanh công cộng để cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổ chức thành phố sống tốt tại Việt Nam (Healthbridge), mục tiêu của Hà Nội đến năm 2020, tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người trên địa bàn đạt 18m2. Nhưng với tốc độ phủ xanh như hiện nay sẽ khó đạt, bởi đến nay chỉ đạt hơn 4m2/người. Tại các quận trung tâm, tỷ lệ cây xanh còn thấp hơn, ở mức 0,9m2/người, trong khi mục tiêu là 7m2/người.

Ngoài ra, Hà Nội đang thiếu rất nhiều vườn hoa, sân chơi trong các khu vực dân cư, đặc biệt trong khu vực nội thành, đất được dùng làm không gian xanh công cộng chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất. Được biết, trong nội thành, hiện có 53 công viên, vườn hoa với diện tích hơn 320ha (1m2 cây xanh/người). Ngoại thành có 15 vườn hoa công viên với 60ha đất, như vậy thấp rất nhiều so với tiêu chuẩn. Trong khi đó, quy chuẩn tiêu chuẩn ngành Xây dựng đặt ra là 2m2 cây xanh/người, đối với đô thị đặc biệt là 7m2 cây xanh/người.

Khảo sát thực tế cho thấy, tại các khu đô thị, chung cư mới, có rất ít khoảng không dành cho cây xanh, hồ nước. Trên địa bàn TP. Hà Nội, tại những nơi tập trung dân cư đông đúc lại càng “hiếm” không gian xanh công cộng. Rõ ràng, những “lá phổi xanh” của đô thị đang bị đe doạ nghiêm trọng, khiến cho không gian sống của con người thêm bí bách, ngột ngạt, không được đảm bảo.

Công viên Thống Nhất thưa thớt người qua lại, tập thể dục, tham quan.

Đáng chú ý, các công viên lớn lại chưa được chú trọng đầu tư, duy tu sửa chữa thường xuyên nên dần xuống cấp, xấu xí và không thu hút người dân tham quan, sinh hoạt. Tại Thủ đô, chỉ có một vài công viên lớn như: công viên Cầu Giấy, công viên Nghĩa Đô, công viên Thủ Lệ, công viên Thống Nhất, công viên Hòa Bình, vườn Bách Thảo, công viên Yên Sở, công viên Indira Gandhi… Tuy nhiên, việc đầu tư để chăm sóc không gian xanh tại đây lại chưa được quan tâm đúng mức.

Rất ít tuyến phố tại Hà Nội có bóng cây xanh mát như thế này.

Dọc các tuyến đường mới như Đại Cồ Việt, Hoàng Cầu, Xã Đàn, Ô Chợ Dừa, Lê Văn Lương, Tố Hữu có rất ít không gian xanh. Trong khi đó, hàng loạt khu đô thị, chung cư cao tầng mọc lên, sự ảnh hưởng của bê tông cùng thời tiết nắng nóng khiến nhiệt độ các điểm trên tăng cao, không khí oi bức do thiếu cây xanh điều hòa không khí.

Theo nghiên cứu, cứ mỗi khu dân cư trồng thêm cây xanh hoặc hồ nước nhân tạo có thể giảm 1 – 2 độ của khu vực ấy.
Nhiều người dân vẫn theo thói quen đi tập thể dục, rèn luyện sức khỏe tại các vườn hoa. Tuy nhiên, số lượng vườn hoa công viên tại Hà Nội hiện vẫn chưa tương xứng với dân số và quy mô của thành phố.

Với tình trạng đáng báo động như vậy, có thể thấy, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng cơ quan chức năng và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần tiến hành các chương trình hành động cụ thể, xây dựng quy hoạch không gian xanh để phát triển đô thị bền vững, văn minh. Đồng thời, người dân cũng cần tự nâng cao nhận thức, có ý thức bởi bảo vệ môi trường thiên nhiên chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top