Sáng 4/7, với 95/96 tổng số đại biểu HĐND có mặt (chiếm 91,35%) biểu quyết đồng ý, HĐND TPHà Nội đã thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.
Góp ý cho đề án trước khi thông qua Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Sóc Sơn) cho rằng: Muốn quản lý phương tiện cá nhân thì phải phát triển vận tải công cộng sao cho tương thích với nhau. Đối với việc hạn chế dừng phương tiện xe máy trong vùng nội đô, nên xác định theo khu vực kết cấu hạ tầng hơn là phân khu hành chính bởi phân theo khu vực hành chính mà không đáp ứng nhu cầu đi lại thì sẽ khó đi vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, quãng đường tiếp cận từ đi bộ đến bến xe buýt, đường sắt trên cao với khoảng cách là 500m đến 1km sẽ hợp lý với thói quen người Việt Nam; đồng thời khuyến khích người dân sử dụng xe đạp di chuyển đến các bến đỗ xe buýt với quãng di chuyển ngắn trên 1km.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (quận Hoàng Mai) cho rằng, các giải pháp nêu trong đề án mang tính ngắn hạn, như cấp hạn ngạch cho taxi và tiến tới cấm xe máy vào năm 2030. Để làm được việc này, thì nên hạn chế từng bước và phải phát triển tốt hệ thống xe buýt công cộng. Hà Nội cũng nên miễn phí đi xe buýt cho người dân; đồng thời kết hợp với điều chỉnh giờ học, giờ làm.
“Về dài hạn, theo tôi nên xây dựng thành phố Hà Nội mới bên cạnh thành phố cũ, khi đó đầu tư tổng thể từ hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị, các công trình ngầm… gắn với xây dựng thành phố thông minh. Có như vậy mới giải quyết tận gốc vấn đề”, ông Phạm Đình Đoàn nêu quan điểm.
Còn đại biểu Hoàng Huy Được (Ba Vì) cho rằng: “Hiện nội thành Hà Nội có nhiều nhà cao tầng mọc lên, gây áp lực lớn với giao thông đô thị. Do đó, đề án này phải song hành với quản lý đô thị, có thế mới giải quyết được tận gốc vấn đề”.