Aa

Hà Nội thông qua đề án cấm xe máy trong nội đô

Thứ Ba, 04/07/2017 - 21:30

HĐND TP Hà Nội thông qua Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030.

Sáng 4/7, với 95/96 tổng số đại biểu HĐND có mặt (chiếm 91,35%) biểu quyết đồng ý, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.

Góp ý cho đề án trước khi thông qua Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Sóc Sơn) cho rằng: Muốn quản lý phương tiện cá nhân thì phải phát triển vận tải công cộng sao cho tương thích với nhau. Đối với việc hạn chế dừng phương tiện xe máy trong vùng nội đô, nên xác định theo khu vực kết cấu hạ tầng hơn là phân khu hành chính. Bởi phân theo khu vực hành chính mà không đáp ứng nhu cầu đi lại thì sẽ khó đi vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, quãng đường tiếp cận từ đi bộ đến bến xe buýt, đường sắt trên cao với khoảng cách là 500m đến 1km sẽ hợp lý với thói quen người Việt Nam; đồng thời khuyến khích người dân sử dụng xe đạp di chuyển đến các bến đỗ xe buýt với quãng di chuyển ngắn trên 1km.

Đại biểu Phạm Đình Đoàn (quận Hoàng Mai) cho rằng, các giải pháp nêu trong đề án mang tính ngắn hạn, như cấp hạn ngạch cho taxi và tiến tới cấm xe máy vào năm 2030. Để làm được việc này, thì nên hạn chế từng bước và phải phát triển tốt hệ thống xe buýt công cộng. Hà Nội cũng nên miễn phí đi xe buýt cho người dân; đồng thời kết hợp với điều chỉnh giờ học, giờ làm.

“Về dài hạn, theo tôi nên xây dựng thành phố Hà Nội mới bên cạnh thành phố cũ, khi đó đầu tư tổng thể từ hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị, các công trình ngầm… gắn với xây dựng thành phố thông minh. Có như vậy mới giải quyết tận gốc vấn đề”, ông Phạm Đình Đoàn nêu quan điểm.

Còn đại biểu Hoàng Huy Được (Ba Vì) cho rằng: “Hiện nội thành Hà Nội có nhiều nhà cao tầng mọc lên, gây áp lực lớn với giao thông đô thị. Do đó, đề án này phải song hành với quản lý đô thị, có thế mới giải quyết được tận gốc vấn đề”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Như thông tin đã đưa, Mục tiêu của Đề án này là thực hiện các giải pháp vừa lâu dài vừa cấp bách, cụ thể để tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân trên địa bàn Thành phố.

Tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt 30% - 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 khoảng 50% - 55%; các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 khoảng 40%.

Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác để đến năm 2030 đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 20% - 26% cho đô thị trung tâm; đạt 18% - 23% cho các đô thị vệ tinh và đạt 16% - 20% cho các thị trấn. Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt 3% - 4%.

Các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030 gồm nhóm giải pháp chủ yếu như: quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông, quản lý về chất lượng phương tiện tham gia giao thông, phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng…

Với việc thông qua Nghị quyết quan trọng này, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn thành phố; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng sẽ cấm ôtô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh.

Để quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông, Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc lập quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi đến năm 2030, lộ trình thực hiện 2017-2020.

Cũng theo Nghị quyết này, chủ sở hữu ôtô phải mở tài khoản điện tử, lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ quản lý phương tiện và điều tiết giao thông (thiết bị thu phí tự động...); thiết lập cơ chế tính giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo hướng lũy tiến theo giờ và tăng mạnh vào khu vực trung tâm. Đặc biệt, Hà Nội sẽ lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố...

Các giai đoạn cụ thể của đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”

Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Giai đoạn 2017 - 2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đôi với những khu vực, tuyên phố ùn tăc thường xuyên, nghiêm trọng.

Giai đoạn 2017 - 2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top