Sáng 28/11, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 16 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, đến nay đã có 16 quận, huyện vào cuộc và đã có báo cáo về công tác quản lý chung cư trên địa bàn. Theo thống kê có 98 công trình chung cư có tranh chấp, khiếu kiện, trong đó Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra 83 công trình, trong tháng 12/2018 sẽ kiểm tra số còn lại.
Ông Lê Văn Dục cũng cho biết, thành phố đã bàn giao toàn diện đội Thanh tra xây dựng theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, cho đến thời điểm này đã có đủ các cơ chế, chính sách. Mới đây, tập thể UBND thành phố cũng đã thông qua cơ chế phối hợp để UBND các quận, huyện rõ trách nhiệm, quyền hạn,… cũng nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu, chủ đầu tư, người giám sát, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp…
Quan sát thực tế cho thấy trong vòng 2-3 năm trở lại đây số vụ tranh chấp chung cư ngày càng gia tăng. Những vụ việc mâu thuẫn tại các khu chung cư như Hồ Gươm Plaza, Parkview Residences, 165 Thái Hà, Discovery Complex… kéo dài và đến nay vẫn âm ỉ một phần vì chủ đầu tư chưa đưa ra được cách giải quyết thấu tình đạt lý.
Nguyên nhân của hàng trăm vụ mâu thuẫn chung cư hiện nay xuất phát từ nhiều vấn đề. Có những chung cư chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, chưa giải quyết kịp thời những khúc mắc của cư dân khiến mâu thuẫn tăng cao nhưng cũng có nhiều chung cư tranh chấp xuất phát từ một nhóm nhỏ cư dân đòi quyền lợi. Dù là nguyên nhân nào đi nữa thì việc tranh chấp kéo dài sẽ làm giảm giá trị khu chung cư và ảnh hưởng đến cuộc sống cua người dân.
Bàn về vấn đề này KTS. Nguyễn Hồng Thục, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư, sự khác biệt về phong cách sống, sự khác biệt tư duy nhận thức về cùng một vấn đề giữa các chủ thể là chủ đầu tư, đơn vị quản lý và người dân sinh sống đã dẫn đến những va vấp không thể tìm được tiếng nói chung và thành các mâu thuẫn lớn hơn.
Ở một khía cạnh khác, ông Đặng Xuân Tâm, Tổng giám đốc HD Mon Real Estate cho rằng: "Thực tế, ngay khi về với nhau sẽ có những va vấp, sẽ có những thách thức giữa cả chủ đầu tư và cư dân, cũng có khiếu kiện, cũng có đấu tranh, nhưng khi cùng nghĩ về một hướng đó là văn hóa chung cư thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết thấu đáo, hợp tình hợp lý".
Ông Tâm nhấn mạnh và cho biết ngay chính dự án Mon City thời gian vừa qua cũng đối mặt với những vấn đề va vấp như vậy. Cũng có căng thẳng, cũng có bức xúc nhưng khi cách giải quyết được HD Mon đưa ra một cách hợp tình hợp lý thì đa phần người dân đã ủng hộ và hướng tới một không gian sống chuẩn mực mà mọi người đều hướng tới.
Đối với câu chuyện cụ thể tại Khu đô thị Mon City, khởi đầu từ khiếu nại của người dân về cách đo diện tích logia, một vấn đề chưa được quy định rõ ràng trong luật nhà ở, chủ đầu tư đã đưa ra phương án đo lại toàn bộ diện tích căn hộ theo phương án hài hòa với quyền lợi người dân và chấp thuận trả tiền đối với diện tích dôi ra sau khi đo theo phương án mới.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 732 chủ căn hộ đăng ký đo lại diện tích, chiếm khoảng hơn 80% tổng số căn hộ tại dự án. Đồng thời, chủ đầu tư cũng đã hoàn thành thanh toán tiền cho phần diện tích dôi dư của 568 căn hộ với số tiền trên 13 tỷ đồng. Mon City là một trong số ít dự án mà sau khi phát sinh mâu thuẫn, chủ đầu tư đã đưa ra được phương án thỏa thuận thực chất với cư dân và có giải pháp tức thời trên thực tế.
Bàn về cách giải quyết mâu thuẫn trong tranh chấp chung cư hiện nay, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc xảy ra mâu thuẫn quyền lợi giữa một số khách hàng với chủ đầu tư hoặc đội ngũ vận hành là rất dễ xảy ra. Để giải hòa được các trường hợp này, cách tốt nhất là chủ đầu tư phải trực tiếp tìm khách hàng để đối thoại, giải quyết những khúc mắc của người dân về những vấn đề mà chung cư đang gặp phải, từ đó tìm ra hướng đi cho vấn đề.
Trong đó, yếu tố cần chú ý nhất khi tranh chấp, xung đột là cả khách hàng và chủ đầu tư cần phải thực sự có thiện chí. Chẳng hạn, người dân cũng không nên đưa ra những yêu cầu quá khó cho chủ đầu tư và chủ đầu tư cũng cần chấp nhận những yêu cầu có thể làm ngay được cho cư dân.
Chuyên gia phân tích BĐS Nguyễn Thế Điệp khẳng định, khi để xảy ra tranh chấp là điều đáng tiếc, vì ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư và tác động xấu lên giá nhà của dự án. Kinh nghiệm cho thấy, khi dự án có tranh chấp, kiện cáo thì giá bán có thể giảm 5-10%, hoặc nhiều hơn nữa nếu tranh chấp là nghiêm trọng. Bởi vậy, vị này đưa ra lời khuyên, các vướng mắc từ những dự án BĐS cần được các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc để cùng doanh nghiệp tháo gỡ, đáp ứng mong muốn của người dân và cũng là giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.