Aa

Hà Nội yêu cầu rà soát việc sử dụng công sở của các cơ quan hành chính trên toàn thành phố

Thứ Ba, 25/04/2017 - 19:01

UBND TP. Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 3/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo đó, UBND Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát báo cáo thực trạng công sở của các cơ quan hành chính trên địa bàn; gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tham mưu UBND Thành phố quyết định chủ trương, phê duyệt dự án xây dựng khu hành chính theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định tại Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 03/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Đồng thời, triển khai thực hiện phương án xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý đã được phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 09/2007/ỌĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.

Các sở, ban, ngành thuộc Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tra cứu nội dung chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực hiện theo quy định.

Hà Nội vừa yêu cầu rà soát việc sử dụng công sở hành chính trên toàn thành phố. Ảnh minh họa

Hà Nội vừa yêu cầu rà soát việc sử dụng công sở hành chính trên toàn thành phố. Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 12/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tại chỉ thị trên, Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã quan tâm triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới công sở. Một số địa phương đã triển khai thủ tục và thực hiện đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động, cải thiện điều kiện làm việc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp; góp phần chỉnh trang đô thị.

Tuy nhiên, trong công tác đầu tư xây dựng công sở và khu hành chính tập trung còn có một số tồn tại, hạn chế: Một số dự án đầu tư chưa phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; việc xử lý, sắp xếp các trụ sở cũ và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để tạo nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả; quy mô đầu tư chưa phù hợp với các tiêu chuẩn, định mức sử dụng theo quy định, gây lãng phí...

Vì vậy, để khắc phục các tồn tại, bất cập và bảo đảm hiệu quả đầu tư xây dựng, tiết kiệm ngân sách nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tạm dừng khởi công mới các dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thuộc nhóm A trong giai đoạn 2017 - 2020, trừ những trường hợp đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Tại chỉ thị này, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ được phép quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung mới theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu được quy định hết sức chặt chẽ như: Trụ sở các cơ quan hành chính hiện tại không đáp ứng yêu cầu sử dụng theo một trong các tiêu chí sau: Diện tích làm việc của cán bộ, công chức dưới 70% so với tiêu chuẩn, định mức quy định; Trụ sở hiện có đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp, có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng không đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng (thuộc cấp nguy hiểm B, C, D theo TCVN 9381:2012 Hướng dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của kết cấu nhà);

Không phù hợp với công năng sử dụng; Trụ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng hoặc theo yêu cầu sắp xếp lại do không đủ về diện tích đất xây dựng, bố trí rải rác, ở vị trí không thuận lợi, không bảo đảm các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật....

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top