Hạ tầng hoàn thiện, du lịch khởi sắc tạo sức bật cho bất động sản Đồng bằng sông Cửu Long
Giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang được Chính phủ chú trọng và ưu tiên đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Là vùng kinh tế rộng lớn cùng với thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế biển, Đồng bằng sông Cửu Long còn là một trong những vùng trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.
Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định, phát triển du lịch đồng bằng trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp-nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển. Vì vậy, tăng cường thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ sẽ góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, tạo sức bật mới cho toàn vùng.
Với sức bật từ hạ tầng và du lịch, Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá có nhiều nội lực để phát triển bất động sản trong thời gian tới.
Để hiểu hơn về những cơ hội mở ra với thị trường bất động sản Đồng bằng sông Cửu Long, ông Dương Quốc Thuỷ, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã dành cho Reatimes cuộc phỏng vấn; chia sẻ thêm với bạn đọc về những xu hướng, triển vọng của thị trường này trong thời gian tới.
- PV: Ông đánh giá thế nào về những thuận lợi, tiềm năng của thị trường bất động sản Đồng bằng sông Cửu Long ?
Ông Dương Quốc Thuỷ: Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều động thái, quyết sách quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cả về chính sách lẫn nguồn vốn nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản, môi giới, người mua bất động sản cả nước nói chung, ĐBSCL nói riêng đón nhận những điểm sáng và đang dần hồi sức.
Thị trường có xu hướng đón đầu những chính sách được ban hàng trong quý 1 và có hiệu lực từ đầu quý 2 như: Nghị định 08 về đàm phán, gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu; Nghị quyết 33 tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy kiểm soát hoạt động trái phiếu doanh nghiệp; dự thảo Thông tư 16 (sửa đổi) quy định hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp; Nghị định 10 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5-2% cho nhà ở xã hội cũng là một tín hiệu tốt để ổn định nguồn cung của thị trường trong thời gian tới. Cũng vừa mới đây, từ ngày 24/4, Sacombank dành 5.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay mua nhà với mức lãi suất ưu đãi, cạnh tranh trên thị trường, kỳ hạn vay dài tối đa lên đến 30 năm. Không chỉ giải quyết vấn đề an sinh xã hội mà còn là giải pháp hiệu quả làm “rã băng” thị trường bất động sản.
Thị trường khó khăn cũng là lúc các doanh nghiệp bất động sản tập trung vào đúng năng lực lõi của mình phát triển bền vững. Quý 1/2023 được coi là khoảng thời gian gần cuối của quá trình “sàng lọc tự nhiên”. Sau thời gian này, thị trường sẽ ghi nhận sự loại bỏ hàng loạt các đối tượng không phù hợp từ doanh nghiệp bất động sản đến môi giới bất động sản ra khỏi cuộc chơi. Đây chính là tiền đề cơ sở để thị trường sau đó sẽ phát triển một cách có chọn lọc, minh bạch hơn, bền vững hơn và chắc chắn hơn.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đón nhận động thái phê duyệt dự án có dấu hiệu tích cực, một số địa phương đã tiến hành việc xem xét, phê duyệt dự án để đưa vào triển khai trong thời gian tới. Điển hình như TP Cần Thơ vừa qua đã có văn bản thông báo công bố danh mục 12 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua và 4 dự án đủ điều kiện huy động vốn.
Tình trạng đầu cơ đất sẽ được kiểm soát tốt trong giai đoạn này đưa giá đất về đúng giá trị thực của nó.
Ngày 21/4/2023, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Tôi kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh cải thiện tích cực hơn, tỷ lệ thất nghiệp giảm, an sinh xã hội được cải thiện, dòng tiền dần trở lại thị trường vào quý 2 và quý 3/2023.
Tại ĐBSCL, thời gian qua việc triển khai các dự án hạ tầng, hoàn thiện kết nối và du lịch khởi sắc đã và đang thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực tăng tốc, trong đó bất động sản được hưởng lợi gián tiếp.
Đặc biệt, theo Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực này sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường cao tốc, khoảng 4.000km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Thị trường Tây Nam bộ về nguồn cung phân khúc thấp và trung vẫn là lợi thế so với các thị trường như: TP Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ… Giá bán trung bình tại các dự án phần lớn không thay đổi, một số nơi còn có xu hướng tăng từ 5-7%.
Thị trường ghi nhận những diễn tiến tích cực sau khi các cơ chế, chính sách mới được ban hành. Điều này phần nào thể hiện được tác dụng thiết thực của các cơ chế, chính sách. Toàn thị trường đã “bình tâm” hơn và đang nỗ lực để vận dụng các cơ chế, chính sách mới từ Chính phủ cộng với việc tự thân vận động để có thể tồn tại qua thời kỳ này.
Một số nhà đầu tư đã có động thái quan tâm hơn với thị trường. Đặc biệt là tại các vùng có tiềm năng tăng trưởng tốt như đầu tư hạ tầng, đầu tư khu kinh tế.
- PV: Bên cạnh những điểm sáng, thị trường bất động sản Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp những khó khăn gì ?
Ông Dương Quốc Thuỷ: Thứ nhất, tại thị trường bất động sản ĐBSCL, pháp lý vẫn là vấn đề được quan tâm số 1 trong giai đoạn hiện tại, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp bất động sản.
Thứ hai, mặt bằng lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt vào cuối quý 1/2023, tuy nhiên việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do vướng các thủ tục pháp lý chưa được tháo gỡ.
Thứ ba, quy hoạch tại ĐBSCL vẫn còn chồng chéo, chưa đồng bộ.
Thứ tư, việc siết dư nợ bất động sản sẽ làm cho thị trường khó khăn khi nhà đầu tư phần lớn phụ thuộc vào đòn bẩy.
- PV: Hiện phân khúc bất động sản nào đang lên ngôi tại thị trường Đồng bằng sông Cửu Long ?
Ông Dương Quốc Thuỷ: Thị trường bất động sản năm 2023 sẽ tiếp tục có sự thanh lọc mạnh mẽ hơn. Các dự án đáp ứng nhu cầu ở thực, chất lượng đảm bảo, có pháp lý đầy đủ được thị trường đón nhận.
Các khu đô thị, dự án được phát triển nhằm giải quyết nhu cầu về xu thế sống với những chuẩn sống mới ngày một cao và đa dạng của người dân thành thị. Đây cũng là xu hướng phát triển mới trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoài bước tiến đó.
Tại ĐBSCL, sức bật từ những "đòn bẩy thép" trong quy hoạch hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đang nâng bước cho bất động sản, đặc biệt là những địa phương có các dự án cao tốc đi qua như TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
ĐBSCL, nhất là TP Cần Thơ ngày càng thu hút đông đảo cư dân, người lao động văn minh đến sinh sống và làm việc. Các dự án nhà ở liền kế dưới 3 tỷ, đất nền tiệm cận trên dưới 1 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu ở thực, được đầu tư quy hoạch hạ tầng đồng bộ, pháp lý sạch vẫn đang đón nhận người mua quan tâm.
Với sự phát triển về hạ tầng và đô thị hoá tại ĐBSCL đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu nhà ở ngày càng tăng cao, loại hình căn hộ chung cư, căn hộ thương mại sẽ là xu thế tất yếu phát triển, dẫn đầu có thể nói đến TP Cần Thơ.
PV: Ông dự đoán thị trường bất động sản từ đây đến cuối năm?
Ông Dương Quốc Thuỷ: Nguồn cung thị trường khả năng được khơi thông nhưng số lượng không nhiều. Tuy nhiên, thị trường bất động sản sẽ được cải thiện hơn so với quý 1. Riêng phân khúc bất động sản nhà ở dự kiến sẽ có khoảng 27.500 sản phẩm được chào bán trên thị trường (tổng hợp số liệu từ VARS).
Cầu nhà ở tiếp tục tăng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ổn định, tốc độ đô thị hóa và phát triển hạ tầng nhanh. Tuy nhiên nhu cầu có thể giảm do thu nhập giảm, lãi suất cao và giá nhà quá cao.
Ngoài ra, tại các địa phương/khu vực được đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông, đô thị dự kiến sẽ có lực cầu mới.
Chỉ số giá có thể đi ngang. Tâm lý của người mua ổn định hơn. Nếu lạm phát đi xuống và mặt bằng lãi suất giảm, nguồn hàng được cải thiện, giá sẽ có xu hướng tăng nhẹ.
Đối với phân khúc chung cư, giá căn hộ phân khúc bình dân, trung cấp ở các thành phố lớn sẽ không giảm, thậm chí tăng nếu nguồn cung không được cải thiện.
Cùng với độ ngấm của các chính sách, động thái tích cực từ việc giảm lãi suất của các ngân hàng cùng với niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư dần được khôi phục. Giao dịch bất động sản trong quý 2/2023 sẽ có chuyển biến tích cực. Dự kiến tỷ lệ hấp thụ riêng đối với phân khúc bất động sản nhà ở đạt khoảng 15%-18%.
PV: Xin cảm ơn ông !