"Mác" xanh vẫn còn nhiều thắc mắc
Tọa lạc tại cửa ngõ khu đô thị Dương Nội, Anland Complex là dự án mới nhất của Tập đoàn Nam Cường, được ra mắt năm 2016. Theo giới thiệu, dự án khởi công xây dựng trong năm 2016, duy trì tiến độ thi công đạt trung bình 3 đến 4 sàn một tháng, đến nay, Anland đã lên được tầng 9. Với tốc độ này, dự án Anland với 2 tòa nhà 25 tầng và 551 căn hộ cao cấp có thể cất nóc vào tháng 7/2017.
Một trong những đặc điểm khiến Anland Complex thu hút rất nhiều sự chú ý của khách hàng kể từ khi ra mắt đến nay là thông tin dự án này được xây dựng và thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật của chứng chỉ công trình tiết kiệm năng lượng EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC.
Theo đó, hầu hết các trang thông tin quảng cáo về dự án đều khẳng định, tại Anland Complex, nước và năng lượng tiêu thụ được tiết kiệm từ 20% - 27% so với thông thường. Đồng nghĩa với việc cư dân sẽ giảm được con số tương ứng trên hóa đơn điện nước.
Xin chưa bàn đến chi tiết những tiêu chuẩn kỹ thuật của chứng chỉ công trình tiết kiệm năng lượng EDGE của Anland và hiệu quả thực tế bởi phải đến tháng 7 này, dự kiến công trình mới có thể cất nóc. Tạm thời, hãy nói về tính tổng thể của chứng chỉ xanh mà Anland Nam Cường công bố đã được cấp.
Được biết, đối với Anland Complex hay nhiều công trình khác hiện nay, cần rất nhiều yếu tố cấu thành mới có thể có được chứng nhận EDGE như địa điểm bền vững; sử dụng tài nguyên, năng luợng hiệu quả; chiến lược môi trường trong nhà; kiến trúc tiên tiến, bản sắc; tính xã hội - nhân văn bền vững.
Tại một thị trường đang phát triển như Việt Nam, để phù hợp với đa số các chủ đầu tư và để khuyến khích các công trình hướng tới phát triển xanh, IFC thừa nhận đã áp dụng tiêu chuẩn EDGE là một công cụ đơn giản, nhanh chóng và hợp túi tiền hơn. Theo đó, EDGE tập trung đánh giá hiệu quả sử dụng tài nguyên trong công trình. Chỉ cần công trình có các giải pháp tiết kiệm từ 20% năng lượng, nước, vật liệu... trở lên là đã đủ tiêu chuẩn tiếp cận với chứng chỉ CTX EDGE. Về điều này, theo quảng bá của Anland Nam Cường thì trùng khớp.
Dù vậy nhưng những thông tin về tiêu chuẩn công trình xanh của Anland Complex còn khá chung chung và mơ hồ. Cụ thể, Anland Complex được quảng cáo: "Với thiết kế của mình, dự án Anland Complex đang chứng minh là công trình xanh đạt giảm mức tiêu thụ năng lượng từ 20 - 27%, giảm mức tiêu thụ nước từ 21 - 27%, giảm năng lượng vật liệu từ 26 - 42%.
Anland Complex được xây dựng trên diện tích hơn 7.000m2, quy mô gồm 2 tòa nhà cao 25 tầng nổi, 2 tầng hầm, gồm 551 căn hộ. Với mật độ xây dựng chiếm 35%, Anland Complex có thiết kế xanh 3 lớp, xanh tại khu vườn của mẹ nơi loggia, xanh tại vườn tuổi thơ rộng trên 2.000m2 và xanh của quần thể hồ, cây xanh của toàn khu đô thị...”.
Những thông tin giới thiệu này của Anland đang khiến nhiều khách hàng có nhu cầu tìm hiểu về dự án phải đặt nhiều câu hỏi: Dự án có thiết kế như thế nào để chứng minh là công trình xanh?; Để tiết kiệm năng lượng như Anland quảng cáo thì dự án sử dụng hệ thống pin mặt trời ra sao, hệ thống phục vụ chiếu sáng công cộng nào?; Hệ thống tưới nước cho những khu vườn của dự án có phải là hệ thống tưới nước tự động nhỏ giọt, có sử dụng hệ thống lọc khí tươi hay không?; Thang máy của tòa nhà có phải là thang máy chống cháy?... Những trăn trở này của khách hàng, theo tìm hiểu, gần như ở những thông tin giới thiệu về dự án, Anland chưa làm rõ được.
Vị trí đắc địa lại có giá hời?
Tạm gác lại câu chuyện về “chuẩn xanh” của Anland Complex, hãy nhìn vào giá trị thực tế của căn hộ là giá bán. Anland khẳng định rằng không đâu trong nội thành Hà Nội mà khách hàng chỉ cần 1,4 tỷ đồng là sở hữu căn hộ full nội thất cao cấp với 2 phòng ngủ.
Thực tế, nếu so với con số 27 - 29 triệu đồng/m2 của Anland thì cùng khu vực với dự án còn có nhiều sản phẩm có giá "hữu nghị" hơn rất nhiều. Đơn cử như tổ hợp tòa nhà The Pride Hải Phát cách đó 200m có giá chỉ khoảng 19 - 21 triệu đồng/m2. Một số dự án ở gần khu vực như Hpc Landmark 105 (ngay đối diện), giá cũng mềm hơn với mức từ 24 – 26 triệu đồng/m2. Hay ở vị trí thuận lợi hơn, khu vực phía trên đó là dự án Goldsilk Complex cũng chỉ có giá vào khoảng hơn 20 triệu/m2. Dự án Roma Plaza cũng của Hải Phát, sở hữu vị trí được đánh giá là đẹp hơn Anland nhưng giá của mỗi căn hộ tại dự án này cũng chỉ tương đương với giá ở dự án Anland....
Về băn khoăn này, trang Anlandnamcuong.com - một trong những website phân phối căn hộ Anland trả lời khách hàng rằng: “Việc định giá BĐS phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, ví dụ như vị trí dự án, chủ đầu tư, thiết kế căn hộ, mật độ xây dựng, chất lượng thi công, hạ tầng, tiện ích, thiết kế và rất nhiều đánh giá khác. Với mức giá nêu trên, khách hàng được sở hữu căn hộ vị trí trung tâm cửa ngõ phía tây Thủ đô, mật độ xây dựng dưới 40% với rất nhiều cây xanh, hạ tầng, tiện ích đồng bộ hoàn hảo, chủ đầu tư, đơn vị thi công hàng đầu Việt Nam, thiết kế căn hộ đẹp bậc nhất Việt Nam”.
Có lẽ, sẽ rất nhiều chủ đầu tư “chạnh lòng” với lý giải này của Anland Nam Cường, bởi ngoài yếu tố vị trí, hạ tầng mà tác giả đã nhắc tới ở trên (nhiều dự án trong khu vực hoặc gần khu vực của Anland sở hữu vị trí đẹp hơn, hạ tầng hoàn thiện hơn nhưng có giá rẻ hơn hoặc tương đương), thì hẳn chủ đầu tư nào cũng cam kết, công trình của họ được đảm bảo về chất lượng thi công, tiện ích và thiết kế. Lẽ nào, chỉ Anland Nam Cường mới đáp ứng được những tiêu chí đó để "đội giá" lên cao hơn?
Không chỉ vậy, Anland cũng khó có thể lấy lý do vì công trình đạt chứng chỉ xanh nên “đắt”. Bởi theo nhận định của nhiều chuyên gia vật liệu xây dựng, giấc mơ xanh hoá đô thị không hề viển vông và đắt đỏ như nhiều người vẫn nghĩ. Thậm chí, việc sử dụng các vật liệu xây dựng xanh còn giúp chủ đầu tư tiết kiệm được chi phí so với vật liệu thông thường. Quan trọng nhất, việc xanh hoá này phải là xanh từ trong ý tưởng, xanh trong chính bản thiết kế.
Đấy là chưa kể, thực tế, dự án Anland của Nam Cường cũng không có được vị trí quá đắc địa như vẫn nói. Trên thực thế, Anland Complex nằm cách xa khu vực trung tâm, phải mất khoảng 30 phút di chuyển, nếu không tắc đường. Trong khi đó, trục đường chính kết nối dự án với khu vực trung tâm là đường Tố Hữu lại là một trong những trục đường lớn và có lưu lượng người qua lại vô cùng tấp nập, thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc kéo dài vào các khung giờ cao điểm trong ngày.
Theo thông tin tìm hiểu được, chủ đầu tư Nam Cường đã xin các cấp ban ngành phê duyệt thêm tuyến đường lớn chạy qua khu đô thị Dương Nội, vừa giúp nâng tầm dự án, vừa giúp giảm tải ách tắc giao thông khu trục phía tây thủ đô Hà Nội. Và để di chuyển đến trung tâm thành phố mà hạn chế được “cửa ải” tắc đường khi lưu thông qua trục đường Tố Hữu, cư dân sẽ phải đi đường vòng (từ tuyến đường Ngô Thị Nhậm kéo dài chạy từ đường Tô Hiệu qua Ngô Thị Nhậm kéo thẳng đến hồ điều hòa 12ha của dự án căn hộ Anland để lưu thông qua Hà Đông; từ tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài đi qua dự án để từ đó đi đến đại lộ Thăng Long...).
Cửa ngõ "đắt giá" của KĐT gần 10 năm chưa "về đích"
Quay trở lại lời giới thiệu đầy tự hào về vị trí của Anland Complex về việc nằm trong tổng thể KĐT mới Dương Nội. Bên cạnh những tiện ích nội khu như bể bơi bốn mùa, thư viện, cafe sách... cư dân Anland Complex còn được thừa hưởng trọn vẹn tiện ích đồng bộ và hiện đại của khu đô thị Dương Nội như trung tâm mua sắm giải trí, bệnh viện, trường học, các quảng trường và khu vui chơi dành cho trẻ em.
Tuy nhiên, dù được khởi công từ năm 2008 nhưng tới nay, Khu đô thị mới Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) vẫn chưa thể “cán đích”, phần lớn diện tích KĐT này hiện vẫn là những bãi đất trống, số biệt thự có người ở cũng lác đác.
Theo giới thiệu của chủ đầu tư, KĐT mới Dương Nội được phát triển đồng bộ với hệ sinh thái các tiện ích, dịch vụ, các loại hình BĐS đa dạng: Hệ thống biệt thự, các tòa chung cư, văn phòng, bệnh viện, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại, khu mua sắm shop villas, hồ điều hòa, công viên...
Tuy nhiên, sau gần 10 năm khởi công, dự án KĐT mới Dương Nội vẫn còn ngổn ngang nửa vời: nửa phố, nửa vườn, nửa bỏ hoang. Được coi là điểm nhấn thành công nhất tới thời điểm này tại KĐT mới Dương Nội là tòa nhà Văn phòng Nam Cường thuộc Tổ hợp văn phòng – khách sạn và căn hộ cho thuê với 27 tầng nổi và 1 tầng hầm.
Thế nhưng, dãy biệt thự trong KĐT mới Dương Nội được coi là chỉnh trang nhất cũng vắng vẻ vào cuối giờ chiều. Những căn biệt thự san sát nhau nhưng lại thiếu vắng hơi thở con người. Nguyên nhân lớn nhất khiến người dân đã mua nhà chưa chuyển về sinh sống cũng giống như các KĐT vắng bóng cư dân khác là do các điều kiện cơ sở hạ tầng mà chủ đầu tư đã hứa vẫn chưa được thực hiện.
Vậy thì, niềm tự hào mang tên “nằm trong tổng thể KĐT mới Dương Nội” của dự án Anland Nam Cường, liệu có thật?