Aa

Hạ tầng sẽ quyết định đến đô thị hóa bền vững

Thứ Bảy, 24/11/2018 - 23:50

Các chuyên gia tài chính và lãnh đạo nhiều TP ở châu Á tham dự Hội thảo “Đầu tư vào đô thị hóa bền vững” tại Đà Nẵng hôm 22/11 đều có chung quan điểm: Mức độ đầu tư cho hạ tầng sẽ quyết định đến mức độ phát triển bền vững của đô thị. Trên cơ sở đó, các chuyên gia, diễn giả chia sẻ các mô hình đầu tư hạ tầng bền vững, cơ chế huy động nguồn vốn, phương pháp tái thiết đô thị để giảm áp lực từ tăng cư dân...

Chuyên gia phát triển đô thị tới từ Ngân hàng phát triển châu Á chia sẻ các giải pháp tạo nguồn lực phát triển dự án hạ tầng bền vững.

Chuyên gia phát triển đô thị tới từ Ngân hàng phát triển châu Á chia sẻ các giải pháp tạo nguồn lực phát triển dự án hạ tầng bền vững.

Mô hình ngọn đồi năng lượng

Cơ sở hạ tầng là một thách thức lớn đối với quá trình đô thị hóa khi nhu cầu ngày càng tăng. Vậy nguồn tài chính ở đâu để đầu tư bền vững vào cơ sở hạ tầng đô thị?

Ông Gordon C.H. Yang, Phó Tổng thư ký, Ủy ban Tư vấn đối ngoại TP Đài Bắc (Đài Loan – Trung Quốc) chia sẻ, nếu dự án được qui hoạch hấp dẫn, hiệu quả, các nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng tham gia, đây là một nguồn lực lớn.

Ông Yang kể, năm 2014, ở Đài Bắc đã hoàn thành dự án biến bãi rác lớn thành công viên năng lượng. Từ bãi rác đã được xây dựng thành công viên có nhiều cây xanh, khu trượt cỏ, đường đạp xe đạp, khu giải trí…Tại đây còn có ngọn đồi năng lượng rộng 3 ha, lắp hơn 7.600 tấm quang điện mặt trời, cung cấp gần 2.000 KW điện tái tạo mỗi năm, đồng thời hỗ trợ giảm thải cacbon hơn 1.000 tấn/năm.

Điều đáng nói, ở Đài Bắc các hệ thống tiện ích, hạ tầng công cộng khác cũng được đầu tư để sử dụng năng lượng tái tạo, ví dụ như hệ thống xe điện. Tại nhiều tòa nhà công, công trình phúc lợi cũng được triển khai hệ thống bảo tồn năng lượng.

Vì lý do đó, khi vận hành, các hệ thống tạo năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tái tạo gắn bó đồng nhất với nhau, hiệu quả mang lại rất lớn. Ông Yang nói, chính vì các dự án năng lượng tái tạo của Đài Bắc hiệu quả nên đã huy động được nguồn vốn từ tư nhân theo hình thức PPP.

Chính quyền Đài Bắc đã ký hợp đồng với các Cty tư nhân để họ hỗ trợ chuyên môn, tài chính, xây dựng mô hình về năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, TP cũng ký hợp đồng với 1 Cty khác để họ cung cấp các thiết bị năng lượng, họ thu về lợi nhuận, còn 10% lợi nhuận sẽ quay về chính quyền TP (khoảng 36.000 USD/năm).

Ông Yang kết luận, đây là mô hình PPP rất hữu hiệu, mang lợi ích cho các bên, đồng thời tạo cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Động lực tái thiết đô thị

Việc tái thiết các đô thị để thích ứng hơn với nhu cầu phát triển thực tế đang đặt ra nhiều áp lực. Các dự án về môi trường, giao thông, y tế… trong tái thiết đô thị đang cần nguồn tài chính rất lớn. Ông Arnaud Heckmann, Chuyên gia phát triển đô thị, Ngân hàng Phát triển châu Á dẫn dụ về một mô hình, phương pháp đã triển khai thành công tại Ulaanbaatar (Mông Cổ).

Ông Heckmann kể, Mông Cổ có 3 triệu dân thì TP Ulaanbaatar đã chiếm 1,4 triệu dân. Trong số đó, 8 ngàn người dân nhập cư nghèo, không tiếp cận dịch vụ vệ sinh, y tế, nước sạch… Mặt khác, Cơ sở hạ tầng của Ulaanbaatar xây dựng từ thời Xô Viết, rất lạc hậu. Mùa đông không có hệ thống chiếu sáng cho đô thị.

Với hiện trạng như vậy, ông Heckmann kể, khi tiếp cận, việc đầu tiên phải qui hoạch lại tổng thể TP, kêu gọi nguồn lực tư vào các hạ tầng cụ thể, giải quyết dứt điểm bài toán dân nhập cư. Khi qui hoạch, ở TP này có đặc điểm là các khu trung tâm nhỏ, ở rời rạc, thế nên phải nâng cấp, tạo động lực cho sự tái thiết TP.

Các dự án hạ tầng được xây dựng để phát triển xuyên cả ra các vùng ven, kết nối tổng thể chứ không chỉ bó gọn trong các khu trung tâm nhỏ. Ở vùng ven, áp dụng phiên bản TP sinh thái, đầu tư theo hình thức 50% vốn công và 50% thương mại hóa. Với cách làm đó, Ulaanbaatar đã thay đổi, trở thành đô thị có khả năng chống chọi tốt với biến đổi môi trường, giải quyết dứt điểm vấn đề môi trường, dân nhập cư.

Thị trưởng một số TP của Philippines, Nepal, Srilanka cũng chia sẻ các mô hình, giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị bền vững. Tựu chung lại kinh nghiệm của các TP này đều là tận dụng tốt thế mạnh, đặc thù của địa phương, từ đó xây dựng các dự án hấp dẫn với nhà đầu tư, có tính khả thi, mang lại lợi ích tối đa cho cộng đồng.

Đơn cử, thị trưởng của TP Legapi (Philippines) cho biết, ở TP của ông có dòng sông Macabalo tuyệt đẹp, vì thế đã tận dụng qui hoạch, thu hút tư nhân đầu tư thành nơi du lịch, giải trí hấp dẫn nhất Philippines. Riêng việc tạo lối đi bộ, đi xe đạp bên sông đã thu hút đầu tư khoảng 100 triệu USD. Hoặc ở Legapi có ngọn núi lửa Mayon, chính quyền TP đã kêu gọi đầu tư, biến nơi đây thành điểm tham quan thu hút trên 1 triệu du khách quốc tế mỗi năm.

Đại diện TP Yokohama (Nhật Bản) cũng chia sẻ mô hình 6 dự án trọng tâm của TP được quy hoạch từ năm 1965, với khung kiến trúc chung để phát triển, chứ không qui hoạch từng dự án. Nhờ vậy, Yokohama là TP môi trường lớn nhất của Nhật Bản. Yokohama cũng là TP có hợp tác chặt chẽ với Đà Nẵng, đã trao đổi, hỗ trợ, hợp tác khoảng 18 dự án, trong đó có nhiều dự án liên quan tới đầu tư hạ tầng bền vững.

Đà Nẵng giới thiệu 7 dự án lớn

Tham gia tại hội thảo, đại diện Đà Nẵng đã nêu ra 7 dự án trọng tâm, đều là các dự án phát triển hạ tầng bền vững để kêu gọi đầu tư. Cụ thể, theo bà Lê Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự án cảng Liên Chiểu cần nguồn vốn giai đoạn khởi động tới năm 2022 khoảng 7,3 ngàn tỷ đồng, gồm 2 khu bến đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 100 ngàn DWT, tàu container sức cỡ từ 6-8 ngàn TEU.

Giai đoạn tới năm 2030 cần hơn 7,8 ngàn tỷ đồng để đầu tư 5 khu bến, năng lực 17 triệu tấn hàng/năm. Dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đà Nẵng kêu gọi đầu tư PPP công suất xử lý 1.000 tấn/ngày đêm, diện tích 100 ha tại Hòa Nhơn. Hiện Ngân hàng đầu tư phát triển châu Á đang giúp cho TP lập báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP.

Dự án phát triển giao thông phi cơ giới và ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trong quản lý điều hành giao thông với tổng vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2019- 2024. Dự án tàu điện kết nối Đà Nẵng- Hội An tổng vốn từ 7,4 ngàn tỷ đồng đến 14,9 ngàn tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2019-2025.

Dự án xây dựng TP thông minh, giai đoạn 2019-2020 đầu tư 924 tỷ đồng cho 52 chương trình, dự án; giai đoạn 2021-2025 dự kiến gần 1,2 ngàn tỷ đồng cho 30 chương trình, dự án. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng kêu gọi đầu tư vào Dự án di dời ga đường sắt và đổi mới đô thị tích hợp Đà Nẵng, Dự án xây dựng mới 3 khu công nghiệp.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, 7 dự án Đà Nẵng kêu gọi đầu tư đều mang tính phát triển bền vững. Trong đó, nổi bật là dự án về xử lý rác thải rắn, tuyến tàu điện nối với Hội An, cảng Liên Chiểu hay Dự án di dời ga Đà Nẵng. Đây đều là các dự án nếu triển khai sẽ tạo động lực góp phần phát triển bền vững đô thị Đà Nẵng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top