Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, định hướng, chỉ đạo phát huy tiềm năng lợi thế ngành du lịch trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù có lợi thế về đất đai để đưa du lịch trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của tỉnh, nhưng do còn những bất cập về pháp lý và phương thức thực hiện nên việc phát huy các quỹ đất phục vụ du lịch, đặc biệt là quỹ đất cho thuê khai thác ngắn hạn chưa được thực hiện.

Hà Tĩnh hiện có khoảng hơn 570ha đất tại nhiều vị trí thuận lợi, có thể khai thác cho thuê ngắn hạn để hình thành các không gian du lịch đa dạng. (Ảnh minh hoạ)
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 576,7ha đất (Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân và Hồng Lĩnh chưa có báo cáo) nằm tại các vị trí có điều kiện thuận lợi, có thể cho thuê ngắn hạn phục vụ phát triển du lịch. Đây là nguồn lực lớn, nếu được tổ chức khai thác hợp lý sẽ tạo ra các điểm dừng chân, không gian trải nghiệm và tổ chức sự kiện văn hóa - du lịch gắn với cộng đồng.
Trên cơ sở báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh, để quản lý, khai thác hiệu quả quỹ đất ngắn hạn phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh ưu tiên cho thuê ngắn hạn quỹ đất đã được quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội vào mục tiêu phục vụ phát triển du lịch.
Các quỹ đất chưa phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch nhưng có khả năng cho thuê vào các mục đích du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, văn hóa bản địa và không gian tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, quỹ đất để bố trí điểm dừng chân, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, không gian tổ chức tour trải nghiệm và sự kiện văn hóa nhỏ phục vụ du khách.
Tiêu chí lựa chọn quỹ đất là không ảnh hưởng đến di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; ưu tiên khu vực có điều kiện hạ tầng cơ bản, gần điểm du lịch hiện hữu hoặc điểm có tiềm năng phát triển du lịch; có thể khai thác hiệu quả trong thời gian ngắn hạn.

Ảnh minh họa.
Về nguyên tắc, việc cho thuê quỹ đất ngắn hạn, tài sản gắn liền với đất ngắn hạn phục vụ phát triển du lịch được thực hiện theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ, Quyết định số 26/2025/QĐ-UBND ngày 09/4/2025 của UBND tỉnh và các quy định có liên quan.
Cụ thể, đảm bảo phát huy hiệu quả quỹ đất ngắn hạn, tài sản gắn liền với đất ngắn hạn phục vụ phát triển du lịch; được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia; không làm ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất, việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sử dụng đất liền kề.
Việc cho thuê ngắn hạn quỹ đất được thực hiện thông qua Hợp đồng; không phải đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, không phải đáp ứng yêu cầu về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.
Việc quản lý sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuê ngắn hạn theo đúng mục đích được thuê; bảo đảm các yêu cầu về an ninh, an toàn cho khách du lịch, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng; kinh phí cho thuê quỹ đất ngắn hạn, tài sản gắn liền với đất ngắn hạn (nếu có) được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền cho thuê đất ngắn hạn sẽ được giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất và UBND cấp xã, đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành và phù hợp với mô hình chính quyền địa phương sau sắp xếp tổ chức lại thành 2 cấp.
Có thể thấy, việc ban hành văn bản về việc quản lý, khai thác quỹ đất ngắn hạn phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn là chủ trương phù hợp, kịp thời, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn trong sử dụng tài nguyên đất đai, phát huy tối đa tiềm năng sẵn có để phát triển ngành du lịch xanh, bền vững.
Với chính sách mới này, tỉnh Hà Tĩnh kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực như tăng thu ngân sách, thu hút nguồn lực đầu tư, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập người dân và đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội hài hòa, bền vững./.