Như Reatimes đã thông tin tại bài viết "CTCP Gỗ MDF Thanh Thành Đạt "chỉ điểm" các cơ sở băm dăm hoạt động không phép: Hà Tĩnh lập đoàn kiểm tra, xử lý", sau khi xem xét phản ánh, đề xuất của Công ty Cổ phần Gỗ MDF Thanh Thành Đạt tại văn bản số 25/CV-MDFTTD ngày 14/8/2024 về tình trạng các cơ sở băm dăm hoạt động không phép trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này chủ trì kiểm tra, xử lý.
Ngày 27/9, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh cho biết sẽ mở cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm các cơ sở băm dăm hoạt động không phép theo danh sách trên địa bàn các huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê trong ngày 01/10/2024; trong đó, huyện Hương Khê là địa phương có nhiều cơ sở băm dăm được CTCP Gỗ MDF Thanh Thành Đạt lập danh sách gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị kiểm tra, xử lý.
Liên quan đến việc này, trước đó, khi làm việc với các cơ sở, UBND huyện Hương Khê xác định, về hồ sơ, thủ tục hoạt động của các cơ sở chưa đảm bảo quy định, các cơ sở băm dăm chỉ có Giấy ĐKKD, hồ sơ PCCC, hồ sơ theo dõi nhập - xuất lâm sản; phần lớn các cơ sở được xây dựng trên đất ở, đất trồng cây lâu năm của hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã được đầu tư xây dựng đi vào hoạt động từ nhiều năm. Sau đó, các cơ sở đã chấp hành dừng hoạt động theo yêu cầu.
Cũng theo UBND huyện Hương Khê, hiện nay, các cơ sở đều có nhu cầu di dời vào cụm công nghiệp theo đúng quy định để trực tiếp thu mua, chế biến gỗ keo ngay tại vùng nguyên liệu với quy mô, công suất lớn hơn. Tuy nhiên, do Cụm công nghiệp của huyện đang triển khai các bước để đầu tư xây dựng chưa đủ điều kiện cho các doanh nghiệp vào hoạt động.
Ngừng hoạt động ảnh hưởng đến tiêu thụ nguyên liệu và việc làm của người lao động
Đối chiếu văn bản của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt thì doanh nghiệp này đã thực hiện hỗ trợ cây giống cho người dân các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ và Hương Khê để phục vụ trồng rừng, cung cấp gỗ nguyên liệu cho Nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF. Hiện nay Nhà máy đã hoạt động 100% công suất; Nhu cầu thu mua gỗ nguyên liệu rừng trồng cần 22.300 tấn/tháng (tương đương 244.800 tấn/năm).
Trong khi đó, UBND huyện Hương Khê thông tin, địa phương này có diện tích tự nhiên 126.293ha. Trong đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp 100.171,96ha (rừng tự nhiên 68.513,66ha; đất trồng rừng 31.658,12ha) chiếm 79,3% diện tích đất tự nhiên.
Cụ thể, trong tổng số hơn 31.000ha đất trồng rừng tại địa phương này có hơn 25.000ha diện tích rừng trồng keo. Hàng năm có trên 2.000ha đến thời kỳ khai thác, khối lượng thu hoạch bình quân 200.000 tấn/năm". Như vậy, khối lượng thu hoạch bình quân của huyện Hương Khê chiếm đến 81,6% công suất của Thanh Thành Đạt.
Liên quan đến vấn đề tiêu thụ nguyên liệu gỗ rừng trồng, UBND huyện Hương Khê cho rằng, trên địa bàn huyện chưa có Nhà máy chế biến gỗ rừng trồng để tiêu thụ khối lượng keo tràm cho nhân dân. Việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu gỗ keo cho nhân dân trên địa bàn của Công ty Thanh Thành Đạt rất hạn chế, chưa thực hiện ký liên kết sản xuất và tiêu thụ keo tràm trên địa bàn huyện Hương Khê.
Hiện tại, nếu các cơ sở thu mua ngừng hoạt động sẽ làm ảnh hưởng đến việc làm của khoảng 50 - 60 lao động trực tiếp và hàng trăm lao động gián tiếp trên địa bàn. Đồng thời ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu cho các hộ trồng keo, đặc biệt là các rừng keo đã đến chu kỳ khai thác.
Hơn nữa, theo phản ánh của các hộ dân sản xuất keo thì giá thu mua của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt thấp hơn các đơn vị thu mua tại Hương Khê. Do đó, việc tiêu thụ sản phẩm gỗ keo cho bà con nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, UBND huyện Hương Khê đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, đề nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương tạm thời cho các cơ sở băm dăm tiếp tục hoạt động nhằm giải quyết nguồn nguyên liệu và việc làm cho nhân dân trên địa bàn./.