HAG cần lãi và giảm nợ, HNG “nhường lãi” sang HAG?
Sau khi được một đại gia chuyên về ô tô công bố sẽ hỗ trợ cơ cấu lại khoản nợ khủng, đặc biệt sau thông tin FPT Capital kiện bầu Đức (Chủ tịch Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai và Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai), thì đây là thời điểm mà bầu Đức đang nỗ lực lấy lại uy tín với các quỹ đầu tư và uy tín chính cá nhân ông. Để làm được việc đó, HAG phải được vực dậy.
Hai quý đầu năm 2018, lợi nhuận của HAG gần như không đáng kể vào quý I/2018 và lỗ hơn 13 tỷ đồng trong quý II/2018. Thế nhưng HAG vừa lại gây bất ngờ khi BCTC hợp nhất quý III/2018 với lợi nhuận trước thuế 392 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Nói về việc lợi nhuận tăng đột biến, HAG cho biết do ghi nhận khoản lãi thanh lý đầu tư lên đến 516 tỷ đồng, chủ yếu là khoản lãi từ việc giảm tỷ lệ sở hữu trong Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh (HAN), chuyển đổi HAN thành công ty liên kết, kết chuyển 426 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối năm 2016 sang doanh thu tài chính năm 2018.
Như vậy đây là khoản lợi nhuận không từ hoạt động kinh doanh mà khoản thu hoàn toàn có thể điều chỉnh thời gian ghi nhận theo chủ ý của lãnh đạo?
Ngược lại, HAGL Agrico (HNG) lại bất ngờ lỗ sau nhiều quý lãi lớn. HNG cho biết kết thúc quý III/2018, HAGL Agrico (HNG) ghi nhận doanh thu tăng từ 934 tỷ lên 1.069 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận gộp tăng hơn 2 lần lên 601 tỷ đồng. Chi phí bán hàng, quản lý tăng đáng kể đi cùng khoản lỗ khác lên đến 413 tỷ đồng. Kết quả là Công ty báo lỗ ròng 225 tỷ, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 112,5 tỷ đồng. Trước đó, HNG báo lãi hơn 20 tỷ trong quý I/2018 và hơn 40 tỷ quý II/2018.
Tất nhiên, khoản lãi của HNG nhiều quý vừa qua khiến các nhà đầu tư đặt dấu hỏi khi hoạt động trồng cây ăn quả của bầu Đức đều không gặp trúng thời. Trong khi đó, khoản lợi nhuận đột biến quý vừa qua của HAG bản chất không phải sinh ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty này. Do đó, có hay không việc làm đẹp và chuyển hóa lợi nhuận giữa HAG và HNG là hoàn toàn có thể đặt dấu hỏi.
Biến thiên nợ tại HAG và HNG như thế nào?
Tổng nợ phải trả tính của HAG tính đến cuối quý III còn 31.335 tỷ đồng, giảm mạnh so với cuối năm 2017. Trong đó, vay dài hạn giảm gần 5.000 tỷ đồng nhờ tất toán khoản vay 1.190 tỷ đồng tại TPBank và thanh toán một phần 1.900 tỷ đồng cho khoản vay tại Sacombank.
HAG cũng chuyển những khoản đến hạn trả trong vòng một năm tới thành vay ngắn hạn. Vay ngắn hạn của tăng gấp đôi lên 5.790 tỷ đồng. Quý III này là quý đầu tiên công ty ghi nhận 2.216 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cổ phần HNG.
Ngoài ra, khoản vay ngắn hạn thấy, HAG vừa được ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco - cho mượn 500 tỷ đồng với tư cách cá nhân, bầu Đức cũng cho mượn tạm 427 tỷ đồng.
Trước đó, nửa đầu năm HAG cũng phát sinh một khoản phải trả ngắn hạn với bầu Đức lên đến 1.557 tỷ đồng. Đây là khoản HAG mượn tạm nhằm phát triển các dự án kinh doanh, được biết công ty đã hoàn trả số tiền này trong tháng 8 từ nguồn trái phiếu chuyển đổi.
Được biết, việc ghi nhận khoản tiền trên vào nợ ngắn hạn từng là một trong những nguyên nhân khiến đơn vị kiểm toán đưa ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HAG.
Phản hồi điều này, HAG cho biết tại thời điểm lập BCTC bán niên 2018 được soát xét, Tập đoàn đã được một số ngân hàng xác nhận không thu nợ trước hạn đối với các khoản vay bị vi phạm và Tập đoàn vẫn tiếp tục làm việc với các ngân hàng còn lại về việc điều chỉnh các điều khoản đã vi phạm của các hợp đồng vay và tài sản thế chấp có liên quan.
Bên cạnh đó, ngày 3/8/2018, Thaco đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty để đầu tư vào mảng nông nghiệp và bất động sản. Thaco cam kết sẽ thu xếp cơ cấu lại các khoản nợ vay (khoảng 14.000 tỷ đồng); huy động vốn đầu tư vào việc chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái đã có; phát triển và mở rộng diện tích trồng cây ăn trái (dự kiến trong hai năm 2019 và 2020 sẽ tăng diện tích trồng cây ăn trái lên 30.000ha với các loại cây như chuối, thanh long, bưởi da xanh.); đầu tư trồng 5.000ha cây dược liệu phục vụ chiết xuất và chế biến nguyên liệu cung ứng cho các công ty dược liệu, sản xuất các loại thực phẩm chức năng và thức uống; và tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của dự án Myanmar.
Ngoài ra, vào ngày 16/8/2018, cổ đông của Công ty đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ ( phát hành 185 triệu cp, giá 7.200 đồng/cp) năm 2018 của Công ty. Nếu phương án phát hành thành công sẽ đem lại cho Công ty nguồn tiền lớn trong tương lai giúp Công ty cơ cấu lại tài chính, giảm nợ vay, đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, giảm bớt rủi ro tài chính của Công ty.
Còn tại HNG thì sao?
Báo cáo tài chính quý III/2018 của HNG cho thấy, nợ dài dạn cũng giảm còn 11.429 tỷ đồng, đặc biệt nợ vay dài hạn giảm hơn 3.000 tỷ đồng về mức 9.425 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2018.
Trong kỳ HNG đã giảm được số tiền vay HAG từ 5.377 đồng xuống còn 3.658 tỷ đồng, đồng thời tất toán được 550 tỷ đồng vay dài hạn tại hai đơn vị trực thuộc khác của Tập đoàn.
Cũng giống như HAG, vay ngắn hạn tăng đáng kể chủ yếu ghi nhận khoản trái phiếu chuyển đổi trị giá 2.217 tỷ đồng. Doanh nghiệp nàt cũng tất toán một vài khoản vay ngắn hạn 120 tỷ đồng từ Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, khoản 35 tỷ đồng từ BIDV Campuchia và giảm hơn 90 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn tại BIDV trong nước. HNG cũng đang thiếu cá nhân bầu Đức 427 tỷ đồng.
Thực tế, giới đầu tư cũng như các quỹ đa phần đánh giá bầu Đức là “cao thủ” trong “ma trận” tài chính tại HAG và HNG. Dễ nhận thấy, thậm chí những “con sói” trong giới tài chính như SSI, FPT hay những quỹ có tên tuổi quốc tế đã từng bị hớ khi bắt tay với HAG nên hiện đang dè chừng với HNG!