Aa

FPT Capital khởi kiện "bầu Đức": Nào ai có vui!

Thứ Bảy, 20/10/2018 - 06:00

Trước khi phải đưa lãnh đạo của Hoàng Anh Gia Lai ra tòa, nội bộ của FPT Capital chắc cũng không ít phen lục đục. Và khi bị kiện, tổn thất đền bù thiệt hại chưa biết thế nào nhưng một người có lòng tự tôn cao như bầu Đức chắc cũng phiền lòng.

Tòa án Nhân dân Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đang thụ lý, giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp hợp đồng góp vốn giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư FPT – FPT Capital, bị đơn là ông Đoàn Nguyên Đức và Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai – HAGL. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Agrico.

Ngày 19/10, HAGL đã có thông tin chính thức trên website công ty rằng, ngày 19/12/2011, FPT Capital và CTCP Cao su Hoàng Anh Gia Lai nay chuyển đổi thành HAGL Agrico đã ký với nhau Hợp đồng góp vốn cổ phần.

Theo đó, FPT Capital mua vào 1,5 triệu cổ phiếu với mức giá 51.000 đồng/cp, tương đương giá trị góp vốn 76,5 tỷ đồng. Sau đó, đến tháng 6/2015, HAGL Agrico phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nâng lượng cổ phiếu của FPT Capital tăng lên 2,24 triệu cổ phiếu.

Đến ngày 3/9/2015, FPT Capital có gửi thông báo đề nghị HAGL và ông Đoàn Nguyên Đức mua lại toàn bộ 2,24  triệu cổ phiếu của HAGL Agrico tại ngày 21/1/2016 với tổng giá trị gần 113 tỷ đồng, tương đương khoảng 50.400 đồng/cổ phiếu. Mức giá này cao hơn gần 70% so với thị giá của HAGL Agrico trên sàn chứng khoán khi đó, trong khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu.

HAGL cho rằng giá trị cổ phiếu HAGL Agrico mà FPT Capital yêu cầu mua lại theo cách tính toán của FPT Capital là chưa hợp lý, trong khi Hợp đồng đang có một số vấn đề pháp lý chưa phù hợp với quy định của pháp luật nên công ty chưa chấp nhận. Do 2 bên chưa tìm được tiếng nói chung nên FPT khởi kiện ra tòa án.

Trong khi đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011 của FPT Capital, phần thuyết minh báo cáo ở mục đầu tư dài hạn cho biết tính đến 31/12/2011, FPT Capital có khoản đầu tư 500.000 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Cao su Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Rubber.

Trích BCTC 2011 của FPT Capital

Trích BCTC 2011 của FPT Capital

Khoản đầu tư này có nguồn gốc từ khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh Gia Lai – HAG Land. Theo hợp đồng góp vốn cổ phần giữa FPT Capital, HAGL Rubber và HAGL, toàn bộ số lượng cổ phiếu HAG Land đã được góp vốn vào HAG Rubber theo giá trị được thống nhất là 51.000 đồng/cổ phiếu, tương đương trị giá 25,5 tỷ đồng.

Trong thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất 2011 của FPT Capital đề cập đến cam kết của HAG. Cụ thể, HAG Rubber cam kết sẽ niêm yết cổ phiếu này trước ngày 15/8/2015. Trong trường hợp HAG Rubber không niêm yết như cam kết, HAGL có nghĩa vụ mua lại toàn bộ số cổ phiếu HAG Rubber với giá mua bằng với tổng giá trị vốn FPT Capital đã góp cộng với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 20%.

Thuyết minh báo cáo tài chính doanh nghiệp này cũng nêu, trong vòng 6 tháng kể từ ngày HAG Rubber niêm yết, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAG, cam kết mua lại lượng cổ phiếu HAG Rubber này nếu được yêu cầu với giá mua bằng tổng giá trị vốn FPT Capital đã góp cộng với IRR là 10%.

 

FPT Capital thành lập năm 2007 có vốn điều lệ 110 tỷ đồng, là công ty liên kết của Công ty Cổ phần FPT (nắm giữ 25% vốn). Theo báo cáo tài chính 2011, đến cuối năm này ngoài khoản đầu tư vào HAG thì công ty còn nhiều khoản đầu tư khác vào doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp niêm yết trên sàn mà kiểm toán lưu ý.

Công ty Cổ phần Cao su Hoàng Anh Gia Lai được thành lập khi Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai thực hiện chương trình tái cấu trúc năm 2010. Tháng 4/2015, công ty đổi tên từ Công ty Cổ phần Cao su Hoàng Anh Gia Lai thành Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia lai – HAGL Agrico (mã HNG), đồng thời sáp nhập Công ty Cổ phần Bò sữa Tây Nguyên, mở rộng hoạt động kinh doanh. Ngày 20/7/2015, cổ phiếu HNG chính thức niêm yết trên sàn HoSE.

Theo đó, Ban giám đốc FPT Capital tin tưởng HAG Rubber là cổ phiếu tốt, nếu niêm yết sẽ đạt được thị giá không thấp hơn giá gốc đầu tư và HAG cũng như ông Đoàn Nguyên Đức có đầy đủ năng lực tài chính để thực hiện cam kết mua lại như trên. Theo đó, công ty không phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư đối với khoản đầu tư này.

Công ty kiểm toán Delloite là đơn vị kiểm toán cho FPT Capital cho rằng, rủi ro tài chính liên quan đến khoản đầu tư của FPT Capital phụ thuộc vào tình hình tài chính của HAG và khả năng thực hiện cam kết từ phía đối tác.

HAG vi phạm hợp đồng đã ký nhưng “có một số vấn đề pháp lý chưa đúng luật”?

Nhìn lại lịch sử giao dịch của cổ phiếu HNG, mức giá chào sàn của cổ phiếu này là 28.000 đồng/cổ phiếu. Ngày giao dịch đầu tiên HNG tăng gần kịch trần, lên 33.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, giá cổ phiếu HNG sau đó diễn biến không khả quan và giảm gần 20% trong vòng 1 tháng chào sàn. Nếu phải mua lại số cổ phiếu từ FPT Capital, HAG và ông Đoàn Nguyên Đức phải chi ra nhiều chục tỷ đồng. 

Mấu chốt của vụ này vẫn là HAG vi phạm các nguyên tắc trong hợp đồng hợp tác góp vốn. Thực tế FPT Capital có thể đã bán khoản đầu tư này đi.

Dự báo về kết quả vụ kiện này, giới phân tích cho rằng, việc FPT Capital có được bồi thường thiệt hại hay không có thể còn phụ thuộc vào việc ông Đoàn Nguyên Đức muốn gì (?!). Điều này cũng không quá khó hiểu bởi với “ma trận” tài chính của Hoàng Anh Gia Lai, các chuyên gia kinh tế của FPT Capital bị "qua mặt" như đã từng cũng là chuyện bình thường. Việc HAG có thực hiện cam kết sau khi ra tòa hay không cũng còn phụ thuộc vào việc tình hình tài chính của HAG thời điểm này.

Soi vấn đề theo luật, việc bên nào thắng kiện và mức đền bù thiệt hại sẽ còn phụ thuộc vào thỏa thuận hợp tác giữa hai bên nếu như hợp đồng đó đúng luật. Và cũng cần xem lại trách nhiệm của HAG nếu không thực hiện cam kết, chế tài xử phạt trong hợp đồng hợp tác kia ra sao, cùng vói mức độ thiệt hại của FPT Capital khi doanh nghiệp này bị "phản bội".

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top