Aa

Hai bước luật hóa xử lý nợ xấu

Thứ Hai, 04/04/2022 - 06:35

Chính phủ vừa thông qua đề xuất của NHNN về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gia hạn Nghị quyết 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây chỉ là giải pháp tình thế, về dài hạn cần luật hóa xử lý nợ xấu để giải quyết dứt điểm những bất cập hiện nay.

Gia hạn Nghị quyết 42…

Lũy kế từ 15/8/2017 (là ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực thi hành) đến 30/11/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 373,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết số 42; đạt trung bình 5,66 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 2,14 nghìn tỷ đồng/tháng so với thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng cao.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã đẩy nợ xấu có xu hướng tăng nhanh. Ước tính đến cuối tháng 12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD đã tăng lên trên 2,0%. Còn nếu tính cả nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn, tỷ lệ này lên tới 7,42%. Con số này dự báo chưa dừng lại, vì đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp.

Đến ngày 15/8/2022, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực. Theo đó, toàn bộ cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ chấm dứt, dẫn đến các khoản nợ cũ chưa được xử lý xong, trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch. Vì vậy, Chính phủ đã chấp thuận xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gia hạn Nghị quyết 42 đến ngày 15/8/2025.

… nhưng chưa đủ

Theo các chuyên gia, việc gia hạn Nghị quyết 42 là chưa đủ, vì việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang gặp nhiều vướng mắc. Chẳng hạn như việc thu giữ tài sản đảm bảo (TSBĐ), mặc dù Điều 7, Nghị quyết 42 quy định, TCTD chỉ được quyền thu giữ TSBĐ khi khách hàng hợp tác hoặc khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà TSBĐ không có tranh chấp, TSBĐ là đất trống… Hay như việc áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án cũng rất hạn chế do Điều 8 Nghị quyết 42 chưa quy định cơ chế bắt buộc/đương nhiên áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ, buộc Toà án phải giải quyết thông qua thủ tục tố tụng thông thường…

Bởi vậy, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, kiến nghị Chính phủ nên sớm luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan.

“Việc luật hóa Nghị quyết 42 có thể được tiến hành theo 2 bước: Một là có thể gia hạn, sửa đổi những nội dung chưa phù hợp hiện nay của Nghị quyết 42 để có thêm thời gian rà soát, chuẩn bị cho dự thảo luật; Hai là xây dựng Luật về xử lý nợ xấu theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế hơn”, ông Lực cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top