Aa

Lời giải cho bài toán nợ xấu đang ở đâu?

Thứ Năm, 03/03/2022 - 06:15

Dù không còn nhiều lo ngại cho tăng trưởng nhưng nợ xấu vẫn là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong 2 năm trở lại đây khiến nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề. Khả năng tài chính suy giảm khiến các đối tác không còn quan tâm đến các khoản nợ/tài sản đảm bảo; các dịch vụ liên quan tại nhiều địa phương bị dừng hoạt động (đấu giá, thẩm định giá, thừa phát lại…); việc giải quyết thông qua tố tụng, thi hành án liên tiếp bị hoãn… đã khiến hoạt động thanh lý tài sản thu hồi nợ trở nên khá khó khăn.

Bài toán khó giải

Đứng trước nguy cơ nợ xấu “vơi lại đầy” do tác động của dịch bệnh Covid-19, các ngân hàng đã chủ động tăng bộ đệm để kiểm soát nợ xấu. Thậm chí, việc tăng tốc trích lập dự phòng năm 2021 của nhiều ngân hàng đã cải thiện một cách đáng ngạc nhiên, thậm chí có những nhà băng đã trích lập đầy đủ cho toàn bộ các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 14 trước thời hạn 2023.

Bên cạnh đó, phòng xa ngay từ những ngày sau Tết, các ngân hàng cũng rầm rộ rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, trong đó có nhiều tài sản có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, có những tài sản đảm bảo được ngân hàng chào bán đến lần thứ 16.

Thông thường, rao bán hay đấu giá là phương án tối ưu mà các ngân hàng lựa chọn để xử lý tài sản đảm bảo nhằm thu hồi nợ. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế trên có thể thấy rằng, dù “cầm đằng chuôi” nhưng việc thu hồi vốn từ các khoản nợ xấu là không hề dễ dàng.

Nguyên nhân được cho là đến từ những quy định liên quan đến đất đai, dự án bất động sản khá phức tạp; nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản cũng gặp khó khăn. Ngoài ra còn cần sự đồng thuận của chủ tài sản và các cơ sở pháp lý về quyền mua và quyền bán của ngân hàng. Có nhiều mảnh đất là tài sản đảm bảo của các khoản nợ liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân nên việc sang tên chủ sở hữu mất rất nhiều thời gian.

Hơn nữa, nhiều tài sản bảo đảm được định giá khi phê duyệt khoản vay cao hơn giá trị thực tế. Khi phát mãi, các ngân hàng thường có xu hướng định giá theo giá trị ban đầu mà không sát với giá thị trường. Vì thế, nhiều khoản nợ dù giảm giá vẫn khó bán.

Nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản được các ngân hàng rao bán nhiều lần vẫn không có người mua
Nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản được các ngân hàng rao bán nhiều lần vẫn không có người mua.

“Để thu hút được người mua, các ngân hàng cần hạ giá tài sản so với giá trị thông thường nhưng quy định hiện nay không cho phép bên bán giảm giá quá sâu trong mỗi lần đấu giá đang là một rào cản”, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết.

Đáng chú ý, hồi tháng 10/2021, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chính thức đưa vào hoạt động Sàn giao dịch nợ, lập nền móng cho “chợ” mua bán nợ xấu. Tuy nhiên, mặc dù nguồn nợ xấu đã sẵn sàng để giao dịch, nhưng các tổ chức tín dụng và VAMC vẫn chưa thể hiện thực hóa mua bán trên sàn do còn nhiều vướng mắc liên quan đến pháp lý và quy định.

Đáp án nằm ở chính sách?

Thực tế, trong 5 năm qua, ngành ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và đã thu được những thành quả nhất định. Tuy nhiên, đến ngày 15/8/2022, Nghị quyết này sẽ hết hiệu lực thi hành khiến hoạt động xử lý nợ xấu “khó chồng khó”.

Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay đã cải thiện rõ rệt nhưng rủi ro nợ xấu vẫn luôn tiềm ẩn. Trong khi đó, Nghị quyết 42 và Thông tư 14 sẽ hết hiệu lực trong vài tháng tới sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng kể từ quý III/2022 là rất lớn.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các giải pháp mạnh mẽ để xử lý triệt để nợ xấu, đặc biệt các giải pháp liên quan đến khung pháp lý cần phải được đặc biệt chú trọng trong năm 2022 để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, tránh tình trạng nợ xấu cũ chưa được xử lý, nợ xấu mới đã gia tăng nhanh hơn nhằm tháo gỡ rủi ro tiềm tàng cho nền kinh tế.

Cũng theo ông Lực, có thể gia hạn điều chỉnh, cập nhập phù hợp Nghị quyết 42 với thời gian gia hạn là 3 năm, cùng với đó là tiến hành xây dựng Luật xử lý nợ xấu theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nếu không được tiếp tục xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu bùng phát sau hậu quả của đại dịch Covid-19.

Theo ông Phan Thanh Hải - Phó tổng giám đốc BIDV, luật hoá Nghị quyết 42 tiến tới ban hành Luật xử lý nợ xấu sẽ giúp đồng bộ được các quy định nhằm giải quyết các vấn đề, vướng mắc phát sinh xoay quanh việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. 

“Việc đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật liên quan đến xử lý nợ xấu sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng hành lang pháp lý cần thiết, hình thành một môi trường kinh tế lành mạnh, hoạt động cấp tín dụng và xử lý nợ chuyên nghiệp, bài bản cho Việt Nam, góp phần nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam”, ông Hải nêu.

Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng nợ xấu, các chuyên gia cho rằng, cần siết chặt hơn nữa trong việc cho vay kinh doanh bất động sản cũng như thẩm định bất động sản làm tài sản thế chấp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top