Đó là chia sẻ của ông Trịnh Đức Dũng, Giám đốc Điều hành CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tại Diễn đàn: "Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018", ngày 4/12.
Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 ước đạt 475 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.
Áp lực cạnh tranh lớn
Xuất khẩu sang thị trường các nước có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam đều có tốc độ tăng cao so với năm 2017. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước, qua đó cho thấy doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang ngày càng chú trọng việc khai thác các cơ hội từ hội nhập và thực thi các FTA.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại như một số địa phương lúng túng trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Vẫn tồn tại khoảng cách khá xa về năng lực và thiếu sự gắn kết, hỗ trợ giữa khu vực FDI và khu vực DN trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa.
Đặc biệt, công tác thông tin truyền thông về hội nhập, năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế còn hạn chế; chưa tận dụng được hết các cơ hội do các hiệp định FTA mang lại.
Từ thực tiễn DN gặp phải, ông Trịnh Đức Dũng, Giám đốc Điều hành Vinamilk, chia sẻ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các FTA thế hệ mới sẽ mang lại cho các DN Việt Nam nhiều cơ hội tốt và nhiều thách thức không hề dễ chịu.
Thách thức sẽ đến trước, sẽ thấy ngay. Các DN nước ngoài ở các nước phát triển nên rất năng động, có đầy đủ nguồn lực về con người, tài chính, hệ thống quản trị rất tốt. Ngay cả khi FTA còn chưa có hiệu lực, họ đã từng bước xâm nhập thị trường Việt Nam. Đến khi FTA có hiệu lực thì hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của nước ngoài đã tràn ngập, cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa Việt Nam, nếu không có sự chuẩn bị tốt từ trước, DN Việt sẽ thua ngay trên "sân nhà".
Đối với các DN sữa, ông Dũng cho biết thách thức là rất nghiêm trọng, bởi Việt Nam có thời tiết khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, không phù hợp cho chăn nuôi bò sữa. Giá thành sản phẩm cao, khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm ngoại từ Úc, New Zealand… Cơ hội cũng có nhưng không nhiều. Việc đưa sữa của Việt Nam sang các nước ôn đới, đã phát triển không khác gì "chở củi về rừng".
Vì vậy, DN sữa chỉ có cách là phải năng động, sáng tạo ra những sản phẩm đặc thù, những con đường riêng mới mong tận dụng được cơ hội do FTA mang lại.
Sẵn tâm thế chuẩn bị
Trong bối cảnh như vậy, đại diện Vinamilk cho rằng DN nào vững mạnh sẽ phát triển; DN nào yếu ớt, kém cạch tranh sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro, kể cả phá sản. Không có đáp án chung nào đúng cho tất cả mọi bài toán khi tham gia hội nhập, các DN không thể trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà phải chủ động tìm cho ra lời giải cho mình.
Cùng với đó, để có thể vươn ra tầm quốc tế, các DN nói chung phải cạnh tranh thành công ngay tại thị trường nội địa, phải xem thị trường nội địa là hậu phương, là bàn đạp để tiến ra nước ngoài.
Ngoài ra, DN phải chuẩn bị kỹ càng cho tiến trình hội nhập, nhất là tổ chức hệ thống, bộ máy và nguồn nhân lực. Muốn tiến quân ra nước ngoài, nguồn nhân lực phải hết sức tinh nhuệ và ngoại ngữ tiếng Anh là chìa khóa mở ra thị trường mới.
Về giải pháp cụ thể, DN cần sẵn sàng thực hiện ngay việc tuyển dụng lao động chất lượng cao, giàu kinh nghiệm, tiếng Anh chuẩn mực trên thị trường lao động quốc tế để bổ sung cho nguồn nhân lực. Đây là yếu tố rất quan trọng làm nên thành công khi hội nhập kinh tế quốc tế.
Để nâng cao hiệu quả triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương cùng DN xem xét các khía cạnh liên quan đến công tác triển khai thực thi các FTA thế hệ mới của Việt Nam (CPTPP và EVFTA); cơ hội và thách thức đối với DN và cơ quan quản lý nhà nước; những vấn đề đặt ra đối với cải cách thể chế và tiếp cận thị trường.
Qua đó, đưa ra những giải pháp và hành động cụ thể để triển khai hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong nước theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trao đổi các vấn đề trọng tâm trong việc thực thi các chính sách, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế.
Ts. Sudhir Shetty, Kinh tế gia trưởng Khu vực Đông Á, Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, cho hay căng thẳng thương mại Mỹ – Trung có thể tạo cơ hội chuyển hướng thương mại cho một số mặt hàng XK của Việt Nam vào hai thị trường này. Tuy nhiên, Việt Nam có thể phải chịu tác động tiêu cực khi thương mại và tăng trưởng toàn cầu chững lại và tình trạng bất định gia tăng lớn hơn so với lợi ích có được do chuyển hướng thương mại.
Vì vậy, ông Shetty khuyến nghị Việt Nam nên tăng cường khả năng đối phó về kinh tế vĩ mô đối với biến động về tài chính và thương mại quốc tế. Đồng thời, cần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia với các chính sách tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh, củng cố mối liên hệ giữa đầu tư nước ngoài và các nhà cung ứng trong nước.