Theo đó xác định: đến năm 2025, quận Hải An sẽ là quận trung tâm của đô thị loại I; là đô thị cộng nghiệp – dịch vụ hậu cần cảng; là đầu mối giao thông đối ngoại (đường sắt, bộ, thủy, hàng không); là khu đô thị kết hợp sinh thái ven sông, biển, có công viên tập trung và khu vui chơi giải trí cấp; có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trở thành đô thị xanh, văn minh, hiện đại và thông minh.
Quy mô diện tích quy hoạch là 10.484,29 ha; quy mô dân số đến năm 2025 là 395 nghìn người.
Cấu trúc đô thị được chia làm 3 vùng chính. Một là, vùng không gian đô thị hiện hữu (phía Bắc sân bay Cát Bi) sẽ cải tạo chỉnh trang khu đô thị cũ, đô thị hóa kết hợp phát triển mới dọc các trục giao thông quan trọng như đường Lê Hồng Phong, đại lộ 13-5, trục đường đô thị Wold Bank… Hai là, vùng không gian đô thị phát triển mới (phía Nam sân bay Cát Bi) sẽ phát triển đô thị mới theo hướng đô thị xanh với mật độ xây dựng thấp, kết hợp mặt nước và cây xanh tạo hình ảnh cảnh quan ven sông Lạch Tray, phát triển đô thị mới lấn biển theo hướng đô thị nghỉ dưỡng cao cấp ven biển. Ba là vùng không gian công nghiệp dịch vụ hậu cần sau Cảng (Đình Vũ và Nam Đình Vũ).
Đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, quận Hải An sẽ là quận trung tâm thành phố Hải Phòng (đô thị loại 1).
Hệ thống trung tâm phát triển trên cơ sở hệ thống trung tâm hiện có, bổ sung tổ chức hệ thống trung tâm khu vực đô thị mới làm tiền đề cho việc chia tách quận sau này. Trung tâm thương mại dịch vụ được bố trí trên các trục đại lộ lớn: Lê Hồng Phong, 13-5, trục Bắc – Nam (Tràng Cát), trục vành đai 3, trục đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, trục Tân Vũ – Lạch Huyện.
Tổ chức công viên cây xanh gồm Công viên Hồ Đông, công viên sinh thái đảo Vũ Yên, công viên ven sông Lạch Tray và không gian trống khu vực san bay Cát Bi.
Tổ chức phân chia toàn quận thành 17 đơn vị ở. Không gian trong các khu ở, đơn vị ở được tổ chức theo cấu trúc điểm trung tâm tạo sự hài hòa giữa các đơn vị thương mại cao tầng, chung cư cao tầng với khu nhà ở sinh thái thấp tầng.
Đối với khu vực làng xóm cũ cải tạo theo hướng tăng cường hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cây xanh, hạ tầng xã hội, giữ được cấu trúc làng xóm cũ: mật độ xây dựng thấp, nhiều sân vườn, hình thức công trình kiến trúc truyền thống. Tạo ra những vùng đệm giữa khu vực phát triển đô thị mới khu làng xóm cũ tạo sự hài hòa chuyển đổi dần về không gian cũng như giải quyết các vấn đề về kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
Công trình di tích lịch sử, tôn giáo khác được tôn tạo, quản lý về hình thức kiến trúc, chiều cao khoảng cách công trình xung quanh di tích không làm ảnh hưởng đến cảnh quan di tích.
Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật được kết nối đồng bộ và đảm bảo tiêu chuẩn đô thị loại 1, trung tâm cấp quốc gia.