Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ Dự án Đê biển Nam Đình Vũ phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư 998,4 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 2011 - 2013 nhưng cuối năm 2013 đã điều chỉnh với tổng mức đầu tư gần 3.249 tỷ đồng.
Trong đó, xác định nguồn vốn Trung ương 848 tỷ đồng, bố trí đến năm 2016 trên 113 tỷ đồng; vốn địa phương 2.400 tỷ đồng không bố trí được, tổng số vốn bố trí cho dự án đến nay đạt 3,5%.
Đến thời điểm thanh tra, dự án mới thực hiện các gói thầu rà phá bom mìn, vật liệu nổ, với giá trị 71,71 tỷ đồng, các gói thầu xây lắp đang dừng thực hiện do không có vốn và chờ điều chỉnh quy hoạch. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đánh giá việc Hải Phòng quyết định đầu tư dự án Đê biển Nam Đình Vũ là không phù hợp với thực tế sử dụng.
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu giảm trừ 3,6 tỷ đồng của các gói thầu rà phá bom mìn, vật liệu nổ tại dự án Đê biển Nam Đình Vũ. Đồng thời, đề nghị UBND TP. Hải Phòng kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong việc đề xuất, chủ trương đầu tư các dự án liên quan đến những tồn tại trong thực hiện quy hoạch, bố trí vốn đầu tư và giải phóng mặt bằng tại dự án này cùng một số dự án chậm tiến độ khác.
Liên quan đến những khuyết điểm, tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng tại Hải Phòng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP. Hải Phòng kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND thành phố phụ trách đầu tư xây dựng qua các thời kỳ trong giai đoạn 2010 -2017.
Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, việc xác định cơ cấu nguồn vốn không đúng, không có cơ sở, việc quyết định đầu tư vượt khả năng cân đối vốn, dẫn đến triển khai dự án gặp khó khăn, chậm tiến độ kéo dài, đầu tư dài trải, hiệu quả đầu tư kém, gây lãng phí ngân sách Nhà nước và nợ đọng xây dựng ở nhiều dự án, trong đó có một số gói thầu xây lắp đã phải dừng thi công.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, tổng mức đầu tư một số dự án chất lượng tư vấn khảo sát, thiết kế và thẩm định còn hạn chế, phải hải thực hiện điều chỉnh dự án bổ sung; cắt giảm hạng mục, tăng giảm khối lượng, điều chỉnh đơn giá vật liệu, nhân công ảnh hướng tới tiến độ dự án và hiệu quả đầu tư dự án.
Đơn cử như Dự án khu neo đậu tầu cá Cát Bà được phê duyệt năm 2005 với tổng mức đầu tư trên 64 tỷ đồng. Sau 4 lần phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư được phê duyệt lần cuối năm 2013 lên tới 185 tỷ đồng, tăng cấp 3 lần và kéo dài thực hiện tới năm 2017 (chậm 8 năm).
Dự án xây dựng công trình khu nhà ở sinh viên giai đoạn 1 được phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư trên 177,6 tỷ đồng, sau 5 lần điều chỉnh, trong đó có 3 lần điều chỉnh tổng mức đầu tư đã lên tới 368 tỷ đồng - tăng 190,4 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Trần Phú (giai đoạn 1) được phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư trên 240 tỷ đồng, đến năm 2016 điều chỉnh lên thành 356 tỷ đồng - tăng gần 116 tỷ đồng, thời gian thực hiện kéo dài thêm 4 năm.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Khuể được phê duyệt năm 2007 với tổng mức đầu tư trên 236,4 tỷ đồng, sau 3 lần điều chỉnh, phê duyệt lần cuối năm 2016 đã có tổng mức đầu tư 479 tỷ đồng (tăng gần 236 tỷ đồng), điều chỉnh tiến độ hoàn thành chậm 7 năm.
Theo Thanh tra Chính phủ, tổng giá trị sai phạm về tài chính đề nghị giảm trừ là hơn 59,1 tỷ đồng. Trong đó, đề nghị giảm trừ khi phê duyệt dự toán công trình các dự án cầu Hàn, cầu Đăng (Hải Phòng) với giá trị hơn 15,9 tỷ đồng. Giảm trừ khi thanh, quyết toán ở 13 dự án với giá trị hơn 43,2 tỷ đồng. Một số dự án lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự toán với các chi phí không phù hợp đề nghị chủ đầu tư kiểm tra phê duyệt điều chỉnh lại cho đúng quy định, để làm căn cứ nghiệm thu, tránh lãng phí vốn đầu tư./.