Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cùng các Đại biểu Quốc hội Hải Phòng vừa có buổi tiếp xúc cử tri quận Lê Chân và huyện Bạch Long Vĩ.
Từ thực tế công tác tại cơ sở, cử tri quận Lê Chân có ý kiến về việc nên xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc thù địa lý, quy mô dân số, diện tích và điều kiện tự nhiên, xã hội. Đồng thời, giải quyết chính sách, chế độ cho cán bộ xin nghỉ hưu sớm và nghỉ thôi việc để vừa ổn định đời sống kinh tế cá nhân và đảm bảo tính đoàn kết thống nhất cao để phát triển kinh tế xã hội chung; tạo điều kiện về chế độ nhà ở công vụ cho những cán bộ công chức đi làm xa. Bên cạnh đó, việc sáp nhập cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh để khi sáp nhập người dân phải di chuyển quá xa để tiếp cận được các dịch vụ công, gây khó khăn đặc biệt là với những người già, yếu.
Cử tri quận Lê Chân cũng đề nghị tiếp tục có quy định hướng dẫn, phân cấp, phân quyền, phối hợp trong giải quyết nhiệm vụ đối với công an các phường; thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch tổng mặt bằng trong phạm vi địa giới đơn vị hành chính.
Bên cạnh đó, cử tri kiến nghị về các vấn đề như: quản lý đất đai; tội phạm công nghệ cao; chính quyền số; đồng bộ ứng dụng AI trong hoạt động chính quyền địa phương; điều chỉnh và hướng dẫn cụ thể về việc cấp phép hộ đăng ký kinh doanh về dạy thêm, học thêm để công tác quản lý tại cơ sở đạt hiệu quả; sửa Luật Hộ tịch theo hướng chuyển thẩm quyền đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử sang cơ quan công an để rút ngắn thời gian giải quyết.
Để xây dựng, phát triển huyện Bạch Long Vĩ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, cử tri huyện Bạch Long Vĩ cũng đề nghị Trung ương và thành phố quan tâm đầu tư cho huyện về cơ sở hạ tầng; quan tâm về chế độ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ và lực lượng vũ trang công tác tại huyện đảo. Xem xét xây dựng bộ máy đặc khu Bạch Long Vĩ sau sắp xếp đảm bảo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội để giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia trên biển, tương xứng với vị trí chiến lược của đảo trên Vịnh Bắc Bộ.

Ảnh minh hoạ
Sau khi tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị tâm huyết của cử tri, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, trong quý I năm 2025, Hải Phòng đã hoàn thành giai đoạn 1 của cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy với kết quả giảm từ 15-20% đầu mối, có cơ quan, đơn vị giảm hơn 50% đầu mối.
GRDP của thành phố quý I năm 2025 tăng trưởng 11,07% so với cùng kỳ, gấp gần 1,6 lần GDP cả nước, đứng thứ 6 cả nước và đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng về Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2024 (đây là lần đầu tiên Hải Phòng đứng đầu về cả 2 chỉ số nêu trên).
Đối với chủ đề năm 2025 "Mở rộng không gian kinh tế, đô thị; phát huy cơ chế, chính sách đặc thù; tăng cường chuyển đổi xanh, chuyển đổi số" được tích cực chỉ đạo thực hiện, thành phố đã đẩy mạnh việc thực hiện các Nghị quyết, Kết luận quan trọng của Trung ương về xây dựng và phát triển thành phố.
Tăng cường phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Gần đây nhất, ngày 9/4, TP. Hải Phòng đã ký với Tập đoàn FPT (tập đoàn tư nhân về công nghệ thông tin lớn nhất Việt nam) hợp tác toàn diện phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu chưa bám sát tiến độ kế hoạch đề ra như: chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ đạt 8,27% kế hoạch, thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025; tốc độ tăng trưởng GRDP chưa đạt chỉ tiêu đề ra của năm là 12,5%...

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu tại hội nghị (Ảnh: CTV)
Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2025, Thành ủy đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng (trình Trung ương Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giảm từ 60 đến 70% và Đề án sáp nhập tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng trước 30/04/2025). Trong đó, thành phố sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân về các nội dung nêu trên.
Thành phố cũng đang tích cực phối hợp với tỉnh Hải Dương để xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ; xây dựng phương án bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc (trụ sở, nhà ở, chế độ chính sách…) cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Tổng hợp, thống kê các cơ chế đặc thù áp dụng cho các ngành, lĩnh vực đã được HĐND mỗi tỉnh, thành phố thông qua để chủ động đề xuất phương án xử lý sau khi sáp nhập, phù hợp với hướng dẫn của Trung ương, với tinh thần là chính sách nào ưu việt hơn, có lợi cho người dân và doanh nghiệp hơn thì tiếp tục duy trì để người dân 2 địa phương được thụ hưởng kết quả từ việc sáp nhập.
Hoàn thành nhiệm vụ kép, vừa sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế 12,5% của năm 2025, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 15 đến 16% của giai đoạn 2026 - 2030.
Trước những cơ hội và thách thức từ chiến tranh thương mại toàn cầu đang lan rộng cùng tác động của cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, Thành ủy Hải Phòng đã chỉ đạo chủ động tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng ưu tiên chất lượng, chiều sâu và tính bền vững. Tranh thủ lợi thế vị trí chiến lược để trở thành trung tâm giao thương quốc tế, điểm đến an toàn, hấp dẫn trong bối cảnh toàn cầu bất định. Triển khai các giải pháp ứng phó với chiến tranh thương mại toàn cầu lan rộng, nhất là việc Chính phủ Hoa Kỳ dự kiến áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng nhận mạnh việc tập trung cao tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2025. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm quốc phòng an ninh của thành phố; nhất là giải quyết triệt để các tồn tại sau khi thực hiện giải thể công an cấp huyện; tập trung thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố về xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy.
Về ý kiến của các cử tri và Nhân dân quận Lê Chân và huyện Bạch Long Vĩ, lãnh đạo thành phố, sở, ban, ngành giải đáp cụ thể và có văn bản trả lời đầy đủ hơn cho cử tri. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tổng hợp gửi đến Quốc hội và các cơ quan Trung ương và địa phương xem xét, giải quyết.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các bộ, ngành Trung ương để thông tin kịp thời tới cử tri quận Lê Chân và huyện Bạch Long Vĩ nói riêng, cử tri và Nhân dân thành phố nói chung./.