Hải Phòng, Bắc Ninh phát triển đa dạng phân khúc bất động sản
Quy hoạch với 12 cụm công nghiệp của Hải Phòng được cho là thế mạnh và tiềm năng của Hải Phòng về bất động sản khu công nghiệp.
Ngoài ra, vị trí chiến lược quan trọng, sự cải thiện, đồng bộ và khả năng kết nối về mặt giao thông trong những năm gần đây của thành phố, hạ tầng cảng biển... cũng được cho là những nhân tố hỗ trợ bất động sản công nghiệp ở Hải Phòng phát triển. Theo Savills Việt Nam, tiềm năng tại đây còn lớn hơn TP.HCM.
Từ thị trường chính Hà Nội, Vinhomes đưa dự án xuống Hải Phòng. Những chủ đầu tư tại thành phố này như Hoàng Huy, Bạch Đằng... cũng tham gia "cuộc chơi" với bất động sản tại đây.
Còn tại Bắc Ninh, các lợi thế sẵn có là khu công nghiệp, gần Hà Nội... cũng khiến cho thị trường bất động sản phát triển. Từ năm 2017 đến nay, hàng hoạt dự án khu công nghiệp, nhà ở thương mại, khu đô thị được đầu tư xây dựng ở TP này với sự tham gia của các "ông lớn" doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân như Vinhomes, Hudland. Thậm chí, cuộc chơi còn có sự góp mặt của Him Lam với dự án 26,8 ha.
Lý giải cho sức nóng của thị trường này, giới đầu tư cho hay do Bắc Ninh quy hoạch thành TP trực thuộc Trung ương vào năm 2022, có sự kết nối về mặt hạ tầng và phát triển mạnh về khu công nghiệp.
Quảng Ninh: Ồ ạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng
Khác với Hải Phòng và Bắc Ninh, thị trường Quảng Ninh phát triển mạnh về phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Theo nguồn tin từ Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) tỉnh Quảng Ninh, từ đầu 2018 đến nay, trong số 27 dự án mới được chấp thuận địa điểm lập nghiên cứu quy hoạch xây dựng chi tiết, có 11 dự án liên quan đến du lịch.
Ông Trương Mạnh Hùng, Phó ban IPA tỉnh Quảng Ninh, nhận định thị trường bất động sản tỉnh này đang phát triển mạnh ở phân khúc bất động sản du lịch, các dự án cao cấp và hạng sang hiện đang được các nhà đầu tư chú trọng. Ông Hùng cho rằng khi quỹ đất ở Hạ Long hết, các nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang các huyện lân cận như Cẩm Phả, Hoành Bồ, Đầm Hà, Vân Đồn...
“Quảng Ninh hiện thu hút nhiều nhà đầu tư lớn như Vingroup, Sungroup…với những dự án quy mô 500 - 1.000ha, nhiều ông lớn bất động sản khác cũng đang tìm hiểu thị trường này như Hoà Phát, Tân Hoàng Minh…”, ông Trương Mạnh Hùng cho biết.
Cạnh tranh có dễ?
Theo ông Trương Mạnh Hùng, yếu tố cạnh tranh của các doanh nghiệp ở thị trường Quảng Ninh là có, tuy không nhiều. “Việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ làm giá cả hợp lý hơn. Nói một cách khách quan thì thị trường bất động sản Quảng Ninh đang phát triển ở nhiều phân khúc, mỗi doanh nghiệp đều có hướng và chiến lược riêng. Tuy nhiên, ở phân khúc cao cấp và hạng sang, lượng khách mà các doanh nghiệp hướng đến là khách từ các tỉnh lân cận, thậm chí nước khác, khách ở Quảng Ninh khá hạn chế”, ông nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc bộ phận Tư vấn, Savills Hà Nội, cho rằng các nhà đầu tư sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi tham gia thị trường bất động sản du lịch ở Quảng Ninh cụ thể là Hạ Long. Ông Sơn cho rằng dù tốc độ phát triển du lịch của khu vực này đang rất ấn tượng nhưng không đảm bảo tất cả dự án đều thành công.
“Tùy từng dự án và năng lực của chủ đầu tư mà tiềm năng gia tăng giá trị và mức độ rủi ro khác nhau. Để thu hút khách hàng, các chủ đầu tư cần phải kiến tạo các giá trị khác biệt giữa số lượng lớn các dự án đang cung cấp ra thị trường”, đại diện Savills nói.
Ở thị trường Bắc Ninh, Ông Ngô Văn Hải, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Bắc Ninh Land, thừa nhận đúng là trong thời gian qua, thị trường tỉnh này hút hàng loạt nhà đầu tư với lượng vốn lớn. Song theo ông, trong năm 2019, lượng bất động sản tồn kho tại đây dự báo tăng, khả năng hấp thụ và thanh khoản sẽ trở nên khó khăn do nguồn cung đang lớn.
Vị này nhận định trên 90% người mua bất động sản ở Bắc Ninh là để đầu tư. Do đó, việc xây nhà để bán được cho là thách thức với các chủ đầu tư ở thị trường này. Dù thế, theo ông, tính cạnh tranh có thể thấp do sản phẩm từ chủ đầu tư tại địa bàn Bắc Ninh khá đa dạng.