Aa

Hải Phòng sẽ có 8 quận, 6 huyện và 1 thành phố trực thuộc thành phố sau sắp xếp đơn vị hành chính

Thứ Hai, 18/03/2024 - 16:00

Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, Hải Phòng sẽ có 8 quận, 6 huyện và 1 thành phố trực thuộc thành phố với 167 đơn vị hành chính cấp xã.

Thông tin từ UBND TP. Hải Phòng ngày 18/3 cho biết, thành phố đã có bản dự thảo đề án thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Cụ thể, trước khi sắp xếp, Hải Phòng có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (7 quận, 8 huyện trong đó có 2 huyện đảo) và 223 xã, phường, thị trấn (143 xã, 70 phường, 10 thị trấn).

Hải Phòng sẽ thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính các quận Hồng Bàng, huyện An Dương để mở rộng địa giới hành chính. Huyện Thủy Nguyên được sắp xếp, thành lập phường, xã để thành thành phố trực thuộc TP Hải Phòng theo Đề án thành lập TP Thủy Nguyên.

Huyện đảo Bạch Long Vỹ có yếu tố đặc thù, vị trí biệt lập, khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề nên Hải Phòng đề nghị cấp có thẩm quyền không tổ chức sắp xếp lại đơn vị hành chính huyện Bạch Long Vỹ.

Sau khi sắp xếp và điều chỉnh địa giới hành chính, Hải Phòng sẽ có 8 quận, 6 huyện và 1 thành phố trực thuộc thành phố với 167 đơn vị hành chính cấp xã (79 phường, 7 thị trấn, 81 xã), giảm 50 đơn vị so với trước.

Hải Phòng sẽ có 8 quận, 6 huyện và 1 thành phố trực thuộc thành phố sau sắp xếp đơn vị hành chính- Ảnh 1.

Sau khi sắp xếp và điều chỉnh địa giới hành chính, Hải Phòng sẽ có 8 quận, 6 huyện và 1 thành phố trực thuộc thành phố với 167 đơn vị hành chính cấp xã (Ảnh: CTV)

Dôi dư số lượng cán bộ, công chức cấp xã

Theo đó, trong số 9 quận, huyện thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thì các huyện An Dương, Thủy Nguyên sẽ có nhiều biến động về đơn vị hành chính cấp xã.

Huyện An Dương sẽ điều chuyển 3 xã về quận Hồng Bàng. Sau điều chuyển, trên cơ sở 12 xã, thị trấn còn lại sẽ thành lập 10 đơn vị hành chính đô thị phường (6 xã được giữ nguyên trạng để thành lập phường, 6 xã được chia tách, sáp nhập để thành lập 4 đơn vị hành chính phường mới).

Còn quận Hồng Bàng sau khi nhập địa giới hành chính, dân cư 3 xã từ huyện An Dương về sẽ thành lập 3 phường mới. Quận này cũng thực hiện nhập 3 phường hiện hữu thành 1 phường. Theo đó, sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, UBND quận Hồng Bàng có 10 đơn vị hành chính phường.

Về việc sắp xếp tại huyện Thủy Nguyên, sau khi nhập một phần diện tích đảo Vũ Yên (thuộc quận Hải An) sẽ sáp nhập, sắp xếp lại các xã, thị trấn theo hướng 9 xã được giữ nguyên trạng để thành lập 9 phường, nhập 16 xã thị trấn để thành lập 8 phường mới, 11 xã khác được nhập lại để thành lập 3 xã mới.

Như vậy sau sắp xếp để thành lập thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng, Thủy Nguyên sẽ còn 17 phường và 3 xã.

Ngoài ra, tại huyện Tiên Lãng sẽ sáp nhập 3 xã để thành 1 xã mới, đưa tổng số xã, thị trấn của huyện này từ 21 xã thị trấn như hiện nay giảm xuống còn 19 đơn vị hành chính xã, thị trấn.

Huyện Vĩnh Bảo thực hiện nhập 15 xã để thành lập 3 xã mới, đưa tổng số 30 đơn vị hành chính cấp xã trước khi sáp nhập của huyện Vĩnh Bảo giảm xuống còn 20 đơn vị hành chính xã, thị trấn.

Quận Ngô Quyền sẽ giảm từ 12 phường xuống còn 8 đơn vị hành chính phường. Quận Lê Chân sẽ giảm từ 15 đơn vị hành chính cấp phường xuống còn 7 đơn vị hành chính cấp phường. Quận Kiến An từ 10 đơn vị hành chính cấp phường sẽ giảm còn 7 đơn vị hành chính phường.

Hải Phòng sẽ có 8 quận, 6 huyện và 1 thành phố trực thuộc thành phố sau sắp xếp đơn vị hành chính- Ảnh 2.

Sau khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, số lượng cán bộ, công chức cấp xã sẽ dôi dư nhiều (Ảnh: CTV)

Cũng theo UBND TP. Hải Phòng, sau khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, số lượng cán bộ, công chức cấp xã sẽ dôi dư nhiều. Từ nay đến 2030, Hải Phòng cũng thực hiện lộ trình tinh giản biên chế, giảm số người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Điều này khiến cho việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã trong thời gian tới sẽ không đơn giản.

Bên cạnh đó, tại các đơn vị hành chính mới thành lập, đội ngũ công chức cấp xã giảm nhưng địa bàn quản lý hành chính tăng, sẽ gây áp lực cho cán bộ, công chức xã.

Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ làm thay đổi địa giới hành chính kéo theo yêu cầu phải thiết lập, xây dựng lại các bản đồ, hồ sơ địa chính để thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Người dân, doanh nghiệp phải chuyển đổi nhiều giấy tờ có liên quan từ đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới. Việc sắp xếp, xử lý trụ sở công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cũng là vấn đề đặt ra đối với các cấp chính quyền.

Thành phố sẽ lựa chọn được những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, tín nhiệm để bố trí, đảm nhiệm công tác nhằm nâng cao năng lực chính quyền cơ sở.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top