Aa

Hải Phòng sẽ xóa bỏ 18 cụm công nghiệp khỏi quy hoạch thành phố

Thứ Ba, 16/10/2018 - 06:01

Theo phê duyệt quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, Hải Phòng sẽ quy hoạch mới 12 cụm công nghiệp (CCN) và đưa ra khỏi quy hoạch 18 CCN.

UBND TP. Hải Phòng vừa phê duyệt quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Theo đó, Quy hoạch nhằm hình thành mạng lưới cụm công nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố; tạo việc làm, giải quyết vấn đề xã hội, đồng thời tạo quỹ đất đáp ứng nhu cầu di dời các cơ sở sản xuất nằm rải rác trong khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý môi trường tập trung.

Tình trạng khó quản lý về môi trường vẫn còn xảy ra tại các CCN trên địa bàn.

Tình trạng khó quản lý về môi trường vẫn còn xảy ra tại các CCN trên địa bàn.

Quy hoạch xác định, đến năm 2020, diện tích cụm công nghiệp của thành phố đạt 1.079,62 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp đạt trên 70% diện tích đất công nghiệp. Đến năm 2025, diện tích cụm công nghiệp tăng thêm 297,3 ha, nâng tổng diện tích đất cụm công nghiệp của thành phố lên thành 1.376,62 ha; tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt khoảng 80-90% diện tích đất công nghiệp.

Quy hoạch mới 12 cụm công nghiệp

Đến năm 2020, đối với cụm công nghiệp đã hình thành, giữ nguyên diện tích đối với 3 cụm công nghiệp đã lấp đầy với tổng diện tích 113,06 ha (cụm công nghiệp Vĩnh Niệm – quận Lê Chân, cụm công nghiệp Tàu thủy An Hồng – huyện An Dương và cụm công nghiệp Tân Liên A – huyện Vĩnh Bảo).

Điều chỉnh, mở rộng diện tích của 6 cụm công nghiệp đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, 1/2.000 và 1/10.000 với tổng diện tích là 291 ha (cụm công nghiệp Quán Trữ - quận Kiến An, cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng – huyện Tiên Lãng, cụm công nghiệp An Lão – huyện An Lão, cụm công nghiệp Kiền Bái – Cao Nhân – huyện Thủy Nguyên và cụm công nghiệp Dũng Tiến – Giang Biên – huyện Vĩnh Bảo).

Đồng thời, quy hoạch mới hạ tầng kỹ thuật cho phù hợp với hiện trạng và đưa vào mạng lưới 5 cụm công nghiệp đã được hình thành trước năm 2008, đã cho nhiều doanh nghiệp thuê đất và đang hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Cụ thể: cụm công nghiệp Đường 355 và cụm công nghiệp Hải Thành – quận Dương Kinh, cụm công nghiệp Kênh Giang – huyện Thủy Nguyên, cụm công nghiệp An Tràng 1 và cụm công nghiệp An Tràng 2 – huyện An Lão.

Đến năm 2020, quy hoạch mới 12 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 456,9 ha, cụ thể:

- Huyện Thủy Nguyên: CCN làng nghề Mỹ Đồng, CCN Gia Đức, CNN Nguyên Khê

- Huyện An Lão: CCN Cẩm Văn, CCN Quang Trung, CCN Chiến Thắng

- Huyện Tiên Lãng: Cụm CN Tiên Cường II, CCN Đại Thắng, CCN Quang Phục

- Huyện Vĩnh Bảo: Cụm CN Giang Biên

- Huyện An Dương: CCN Đò Nống

- Huyện Cát Hải: CCN Trung tâm Dịch vụ hậu cần và phát triển thủy sản Trân Trâu - Cát Bà

Đúc cơ khí ở Mỹ Đồng.

Đúc cơ khí ở Mỹ Đồng.

"Khai tử" 18 cụm công nghiệp

Quy hoạch cũng đưa ra khỏi quy hoạch 18 cụm công nghiệp không phù hợp với quy mô và điều kiện phát triển, với tổng diện tích 2,710 ha.

- Quận Hồng Bàng: CCN Sở Dầu - Thượng Lý - Hạ Lý, CCN Vật Cách; CCN Sở Dầu

- Quận Ngô Quyền: CCN Hoàng Diệu - Cửa Cấm - Chùa Vẽ

- Quận Hải An: CCN Đông Hải và CCN của Vinashin tại KCN Đình Vũ

- Quận Đồ Sơn: CCN Sạch của công ty 28 - Bộ Quốc Phòng

- Quận Kiến An: CCN Đồng Hòa + Nam Sơn

- Huyện Thủy Nguyên: CCN Gia Minh, CCN Bến Rừng, CCN Minh Đức - Tràng Kênh

- Huyện An Lão: CCN Cống Đôi - Văn Tràng, CCN Cầu Cựu - An Lão

- Huyện An Dương: CCN Nam Sơn, CCN thị trấn An Dương

- Huyện Kiến Thụy: CCN Thị Tứ và các làng nghề truyền thống

- Huyện Vĩnh Bảo: CCN Tân Liên B

- Huyện Bạch Long Vỹ: cụm cảng công nghiệp sơ chế thủy sản

Định hướng đến năm 2025, mở rộng diện tích đối với 2 cụm công nghiệp thêm 45 ha: cụm công nghiệp Kênh Giang – huyện Thủy Nguyên và cụm công nghiệp Tân Trào – huyện Kiến Thụy. Quy hoạch mới 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích 252 ha: cụm công nghiệp Kiền Bái – huyện Thủy Nguyên; cụm công nghiệp An Thọ và cụm công nghiệp Cửa Hoạt – Quán Thắng – huyện An Lão; cụm công nghiệp Tiên Cường I, cụm công nghiệp Tiên Cường III – huyện Tiên Lãng; cụm công nghiệp Nam Am và cụm công nghiệp làng nghề Cổ Am – huyện Vĩnh Bảo.

UBND thành phố xác định một số giải pháp về công tác quản lý nhà nước, đất đai, giải phóng mặt bằng, vốn, thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường để thực hiện quy hoạch. Giao Sở Công Thương là đầu mối tham mưu giúp UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top