Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TP.HCM sẽ không kiến nghị mở rộng ranh giới mà sẽ tận dụng những gì thành phố đang có, đó là tính cách sử dụng cho tốt đất ở hai huyện Cần Giờ và Củ Chi.
Đang quy hoạch ngược
Theo Quyết định 24/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung phát triển TP.HCM, hướng nam và đông sẽ là hướng phát triển chính của TP.HCM. Hai hướng còn lại bắc và tây sẽ là hướng phụ.
Tuy nhiên, theo GS-TS Nguyễn Trọng Hòa - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, quy hoạch phát triển TP.HCM hiện nay tương đối bất hợp lý và ngược với những nghiên cứu tối ưu trước đây.
Ông Hòa dẫn chứng, trước năm 1975, quy hoạch vùng Sài Gòn không phát triển về vùng đất yếu phía nam (quận 7, Nhà Bè và Cần Giờ) như bây giờ mà phát triển lên hướng tây bắc (Củ Chi, Hóc Môn).
Ông Hòa còn cho biết, lâu nay đã có rất nhiều chương trình quy hoạch để cải thiện đô thị nhưng vẫn chưa có mô hình nào tối ưu. “Không thể là thành phố sống tốt nếu cái nền không tốt, nên cần phải có giải pháp quy hoạch tối ưu nhất chứ không thể để tình trạng ngập lụt, kẹt xe xảy ra thường xuyên” - ông Hòa nói.
Trở lại với quy hoạch phát triển thành phố được phê duyệt năm 2010, đồ án quy hoạch này dường như chưa tính hết tác động của biến đổi khí hậu lên các mặt đời sống của người dân như triều cường tăng cao, lượng mưa tăng giảm bất thường, xâm nhập mặn tại hai con sông Đồng Nai và sông Sài Gòn ngày càng sâu…
Khu vực phía nam, vốn là hướng phát triển đô thị lấn biển của thành phố đang đối mặt với các tác động của triều cường thể hiện qua những trận ngập trên nhiều tuyến đường vừa qua, khu dân cư xuất hiện ngày càng dày, mưa bão thường xuyên và sạt lở sông rạch rượt đuổi nhiều người dân tất tả dọn đồ chạy trong đêm…
Ngoài ra, ở thời điểm chuẩn bị lập quy hoạch (khoảng năm 2006) đến khi quy hoạch được duyệt (năm 2010), Việt Nam vẫn chưa chính thức công bố kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia. Cho nên, phải thừa nhận rằng quy hoạch phát triển thành phố này chưa tính đến tác động của nước biển dâng và các tác động khác của biến đổi khí hậu đến thành phố.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia được Bộ TNMT cập nhật và công bố năm 2016, nếu mực nước biển dâng thêm 100cm và thành phố không có biện pháp ứng phó, thích ứng phù hợp thì 17,84% diện tích của TP.HCM có nguy cơ bị ngập.
Sắp xếp lại, không mở rộng
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với tốc độ 5 năm TP.HCM tăng một triệu dân thì đường đi, nhà ở và hạ tầng không thể đáp ứng kịp. Đây là một bài toán khó cho thành phố. Thành phố có 5 quận diện tích rất nhỏ.
Quận nhỏ nhất khoảng 5km2, trong khi huyện Cần Giờ rộng đến 704km2 - chênh nhau hơn 140 lần. Nhưng Cần Giờ chỉ có 70.000 dân, còn các quận nội thành lên đến 600.000 dân - chênh nhau đến 8,7 lần. Chỉ tính riêng hai huyện Cần Giờ, Củ Chi đã có diện tích 1.139km2, dân số 900.000 người. Như vậy, dân số 2 huyện này chiếm 10% nhưng diện tích chiếm 54%.
“Mô hình hành chính của thành phố đang cực kỳ phân hóa. Thành phố sẽ không kiến nghị xin thêm đất mà phải tính cách sử dụng cho tốt đất ở hai vùng này” - ông Nhân nói.
Ông Ngô Quang Hùng - Phó Giám đốc Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam - cho rằng TP.HCM nên rà soát, đánh giá lại việc phát triển đô thị nói chung, trong đó có các hướng phát triển đô thị của mình trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt và trong sự phát triển chung của vùng TP.HCM, hướng tới cạnh tranh cũng như hợp tác phát triển với các đô thị trong khu vực và thế giới.
Từ cách nhìn tổng thể này, tham khảo thêm trục phát triển giao thông của cả vùng, ông Hùng cho rằng TP.HCM nên hạn chế phát triển đô thị về hướng nam bởi đây không những là vùng đất thấp, chi phí xây dựng cao mà còn là hướng thoát nước chính tự nhiên của thành phố. Ngập lụt và kẹt xe đang là hai vấn nạn chính của thành phố.
Trong tương lai trước sự biến đổi khí hậu diễn ra ngày một gay gắt, ngập nước sẽ là một vấn nạn rất khó giải quyết nếu không có những định hướng đúng về phát triển đô thị. Hiện nay, thay vì chọn lựa sinh sống tại các hướng phát triển chính của thành phố, rất nhiều người dân lại làm ngược lại, đó là chọn các quận, huyện ở hướng bắc, tây bắc - là hướng phát triển phụ - để “an cư, lạc nghiệp”. Vì vậy, thành phố cần đánh giá đúng mức và có kế hoạch điều tiết, hỗ trợ một cách kịp thời.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Minh Trí - Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TP.HCM - cho rằng không phải ngẫu nhiên, người dân chọn vùng đất phía bắc và tây bắc để sinh sống. Khu vực này có địa chất tốt, chi phí xây dựng vì thế thấp.
Đây còn là vùng đất cao, ít khi bị ngập. Nên chăng, đưa hướng bắc và tây bắc trở thành một trong những hướng phát triển chính của thành phố, để thành phố có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho hướng này.
* TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho rằng, trong công tác quy hoạch đô thị, TP.HCM cần phải nhìn rộng, trông xa. Thay vì phát triển đô thị về những huyện Bình Chánh, Nhà Bè vốn có nền đất yếu, ngập thường xuyên, hãy đầu tư thêm vài cây cầu bắc qua Nhơn Trạch (Đồng Nai). Khi đó, dân về Đồng Nai, Bình Dương sống tốt hơn là ở 2 huyện vùng ven TP.HCM này. * Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, vấn đề của TP.HCM hiện nay là ôm đồm quá nhiều chức năng trong khi nguồn lực có hạn khiến cho TP.HCM trở nên quá tải và rất khó để cải thiện. Vì vậy, TP.HCM phải liên kết tốt với các địa phương trong vùng để giải tỏa các điểm nghẽn về áp lực dân cư, nhà ở, giao thông... “Tôi cho rằng TP.HCM không nhất thiết phải trở thành siêu đô thị 15-20 triệu dân trong những năm tới, mà nên liên kết vùng, phát triển các đô thị xung quanh. Nếu chúng ta liên kết vùng tốt thì Bình Dương, Đồng Nai đang hỗ trợ rất tốt, bởi nhà ở xã hội ở các nơi này rất nhiều mà không bán được. Không nên ôm quá nhiều việc làm tại TP.HCM, để dồn toàn bộ lao động nhập cư vào, gây nên áp lực lớn” - ông Hòa nói. M.Q |