Hàng triệu kiều bào hồi hương tránh dịch và xu hướng đổ kiều hối vào bất động sản
Khi các quốc gia khác bao gồm cả những đất nước có nền kinh tế phát triển đang căng mình hoặc thậm chí đang "vỡ trận" trong cuộc chiến chống Covid-19 thì những ngày qua, hàng chục nghìn kiều bào hồi hương tìm về Việt Nam như một điểm đến an toàn, cho thấy niềm tin tuyệt đối của kiều bào đối với quê nhà.
Nhiều chuyên gia bất động sản kỳ vọng, xu hướng hồi hương của kiều bào sẽ kéo theo một làn sóng kiều hối đổ vào thị trường bất động sản khi hết dịch. Thống kê cho thấy hàng năm có ít nhất 25% lượng kiều hối đổ vào bất động sản trong tổng số kiều hối 16,7 tỷ USD trong năm 2019, 15,9 tỷ USD năm 2018 và 13,8 tỷ USD năm 2017. Theo nhận định con số kiều hối vào bất động sản dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2020.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, đối với các kiều bào, dịch Covid-19 có thể được xem là phép thử đối với kinh tế, môi trường sống tại Việt Nam, có tác động rõ nét đến các quyết định đầu tư. Với 5 triệu kiều bào và lượng kiều hối luôn đứng trong top 10 lớn nhất thế giới thì sau dịch bệnh kết thúc, dự kiến sẽ có làn sóng đầu tư bất động sản mới đổ vào bất động sản từ kiều bào.
Trao đổi về phân khúc bất động sản được lợi nhất từ dòng vốn kiều hối, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định phân khúc nhà ở và đất nền sẽ là những phân khúc ăn chắc mặc bền, hấp dẫn dòng kiều hối. Theo ông Đính, đất đai luôn có giá trị tích trữ tài sản đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng vì vậy đất nền luôn là kênh đầu tư tiềm năng, cùng với đó phân khúc căn hộ chung cư đã đi vào hoàn thiện cũng sẽ được chú ý bởi tỷ suất cho thuê hiện tại khá tốt khoảng 7%.
Làn sóng nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam
Cùng với kiều hối, dòng vốn từ các công ty nước ngoài cũng được xem sẽ là một kênh quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản gia tăng mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Dòng vốn này sẽ đến từ việc các doanh nghiệp sản xuất lớn chuyển dần công xưởng sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam.
Còn nhớ, cuối năm 2019, Samsung đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại cuối cùng ở Trung Quốc để chuyển về Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đã mở ra triển vọng tươi sáng cho thị trường bất động sản khi Việt Nam ngày càng hấp dẫn các doanh nghiệp sản xuất lớn.
Đầu năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, tờ Nikkei Asian Review đưa tin Google và Microsoft đang khẩn trương chuyển việc sản xuất điện thoại, máy tính cá nhân và các thiết bị khác từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á (bao gồm cả Việt Nam) trong bối cảnh diễn biến dịch virus corona đang ngày càng xấu đi đã một lần nữa minh chứng cho sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM: "Thời gian qua Việt Nam đang ngày càng chứng minh là một điểm đến an toàn khi khống chế tốt sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Nếu trong thời gian tới, chúng ta kiểm soát thành công dịch bệnh trở thành điểm đến dịch tễ an toàn sẽ hút mạnh mẽ làn sóng nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam.
Ông Châu cũng khẳng định lĩnh vực bất động sản sẽ được hưởng lợi trước tiên là phân khúc bất động sản công nghiệp, nhà ở sau đó kéo theo các lĩnh vực như văn phòng, bán lẻ, trung tâm thương mại.
Cùng quan điểm với ông Châu, các chuyên gia Savills, CBRE cũng nhận định nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát dịch tốt như hiện nay và vượt qua dịch bệnh sẽ là điểm sáng an toàn về dịch tễ lẫn kinh tế, chính trị thu hút nhà đầu tư nước ngoài cũng như người nước ngoài đến sinh sống và làm việc.
Có thể thấy, rõ ràng thị trường bất động sản đang có nhiều lực đẩy quan trọng và chỉ chờ "cơ hội" là sẽ bật dậy mạnh mẽ. Chính vì vậy, dù đang chịu những tác động của dịch bệnh nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản xác định đây là thời điểm để bật dậy.