Ham rẻ mua nhà ba chung không khéo "chơi dao đằng lưỡi"
Thời gian qua, tại các quận vùng ven TP.HCM xuất hiện nhiều trường hợp chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay qua hình thức lập vi bằng tại các văn phòng Thừa phát lại. Việc này nhằm mua, bán những căn nhà "ba chung" (chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà).
Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, mới đây UBND Quận 12 đã ra thông báo kêu gọi người dân cảnh giác. Theo đó, thông qua hình thức mua bán này, các đối tượng lừa đảo, đầu nậu đất đai lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua để thu gom đất xây nhà, rao bán bằng thừa phát lại để trục lợi. Với những căn nhà không có giấy chứng nhận được mua bán bằng giấy tay, các đối tượng này nhờ các văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng để tăng sự tin tưởng.
Thậm chí còn xảy ra trường hợp nhiều căn nhà chung một giấy chứng nhận cũng được bán bằng hình thức đồng sở hữu, lập vi bằng. Theo quận 12, nhiều nạn nhân dính vào nhà đất tranh chấp, cầm cố ngân hàng, xây dựng trái phép khiến cuộc sống khó khăn hơn nhiều.
Bất chấp những cảnh báo từ cơ quan chức năng, hoạt động mua bán nhà ở “ba chung” tại TP.HCM vẫn diễn ra bình thường và không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Qua ghi nhận của PV, tình trạng mua bán nhà bằng giấy tay, lập vi bằng không chỉ diễn ra ở Quận 12, mà còn xảy ra ở huyện Củ Chi, Khu Vĩnh Lộc của huyện Bình Chánh, Bình Tân, Nhà Bè… Hầu hết những người mua nhà theo hình thức “ba chung” đều là các hộ dân lao động nghèo, nôn nóng có một "chốn an cư" nhưng lại eo hẹp tài chính nên nhắm mắt làm liều bất chấp những rủi ro.
Bitexco “chia tay” dự án, “đòi quà” tỉnh Thanh Hóa
Tháng 8/2011, Công ty CP Bitexco được UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho 31.265 m2 đất (3,1ha) tại Khu đô thị Đông Hương, xã Đông Hương, TP. Thanh Hóa để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp gồm: Khu Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở (căn hộ chung cư) theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất. Khu đất được nhiều chuyên gia bất động sản đánh giá là khu đất “vàng” của TP. Thanh Hóa.
Cuối năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa thực hiện rà soát các dự án chậm tiến độ, đồng thời có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa thu diện tích đất nói trên.
Ngày 26/2/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định thu hồi 31.265 m2 đất của Công ty CP Bitexco giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa quản lý. Lý do thu hồi đất là đất được nhà nước giao để thực hiện dự án đầu tư mà không đưa vào sử dụng, vi phạm điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013.
Sau khi bị tuột mất khu đất “vàng”, Công ty CP Bitexco liên tục có công văn xin UBND tỉnh Thanh Hóa kéo dài thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, đề nghị của doanh nghiệp đã không được các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa chấp thuận. Không đạt được mục đích của mình Công ty CP Bitexco có văn bản “đòi” UBND tỉnh Thanh Hóa hoàn trả một phần kinh phí lập quy hoạch.
Hà Nội: Văn phòng hạng A tiếp tục “đói” nguồn cung
Ghi nhận từ đơn vị nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam cho thấy, thị trường văn phòng Hà Nội đang là điểm “nóng” nhất của Đông Nam Á khi một lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến Việt Nam. Trong khi đó, số lượng văn phòng hạng A của Hà Nội hiện có 23 dự án với tổng diện tích sàn 460.000m2, chỉ bằng 15% của Singapore và 11% của Malaysia. Dự báo, đây cũng là thành phố thiếu hụt nhất về nguồn cung văn phòng, nhất là văn phòng hạng A.
Hiện thị trường văn phòng Hà Nội được chiếm lĩnh bởi ba khu vực: khu vực trung tâm tiêu điểm là quận Hoàn Kiếm, chiếm tỷ lệ 16% nguồn cung văn phòng; khu vực Ba Đình - Đống Đa chiếm 39% và khu vực phía tây chiếm 42%.
Trong đó, khu vực Ba Đình - Đống Đa và phía tây chiếm tỷ lệ lớn nguồn cung văn phòng hạng A của thành phố. Theo đánh giá của giới nghiên cứu thị trường, đây là những khu vực sẽ có sự dịch chuyển cả về vị thế, giá thuê và thu hút nguồn nhân lực trong tương lai.
Đặc biệt, trong bối cảnh khu vực quận trung tâm Hoàn Kiếm bắt đầu thiếu hụt nguồn cung văn phòng hạng A do nhu cầu khách thuê ngày một gia tăng, quỹ đất hạn hữu, thì mạn Ba Đình - Đống Đa và phía tây được coi là lựa chọn lý tưởng để phát triển các toà nhà văn phòng chất lượng.
Nhận định về diễn biến thị trường văn phòng Hà Nội thời gian qua, ông Bùi Trung Kiên, Giám đốc bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội cho hay: “Thị trường văn phòng Hà Nội trong thời gian qua cho thấy tỷ lệ lấp đầy rất cao, tuy nhiên, đối với những khách hàng cần thuê mặt bằng lớn, chất lượng tốt thì lại ít có sự lựa chọn. Do đó, hiện nay đã có xu thế chuyển dịch văn phòng cho thuê từ trung tâm quận Hoàn Kiếm ra khu vực quận Đống Đa và Ba Đình… để đáp ứng nhu cầu của khách hàng..."
Cái lý, cái tình ở chung cư
Dù mỗi chung cư đã có những quy định riêng, nhưng để thực sự đi vào cuộc sống, đôi khi, mỗi cư dân đều phải nghĩ đến cái lý, cái tình trong không gian sống với nhiều đặc thù này.
Nhiều cư dân chung cư hiện nay được sinh ra từ làng, mang theo ít nhiều những thói quen văn hóa sinh hoạt, văn hóa sống của làng xã, buôn, ấp. Sinh sống ở nhà đất cũng có nhiều sự khác biệt và sự giao tiếp, va chạm trong môi trường sống hoàn toàn theo bề ngang đã gặp phải sự xung đột lớn khi phải chuyển sang môi trường xã hội theo cả chiều thẳng đứng.
Nhiều trường hợp ở nhà chung cư, nhưng chủ nhân vẫn thích nuôi vật, điển hình nhất là chó. Mới đây, không ít cư dân một dự án chung cư bên sông, thuộc quận Long Biên, Hà Nội đã phản ánh: “Ở chung cư mà lại có hộ nuôi chó. Mà không phải một hộ, tầng tôi ở có tới 3 - 4 hộ cùng nuôi. Những ngày nghỉ tưởng được yên tĩnh mà nghỉ ngơi thì toàn tiếng chó sủa”.
Dù có những câu chuyện cười ra nước mắt, nhưng ở chung cư, cũng có không ít câu chuyện về cái tình được nhiều người ngợi ca.
Chị Phạm Điệp, cư dân một dự án ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, vào lúc 2h15’ đêm ngày 5/5/2019, chị bị đau bụng dữ dội, nhà chỉ có chị và các con nhỏ. Bé lớn nhà chị thấy mẹ bị như vậy thì rất hoảng sợ lên đã gọi điện cho đội an ninh. Chỉ vài phút sau, các anh đã có mặt hỗ trợ đưa chị vào viện cấp cứu kịp thời, mặc dù hôm đó trời mưa to. Giờ sức khỏe của chị đã ổn định.
“Mình rất cảm động trước tấm lòng nghĩa hiệp của các anh và xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các anh”, chị Điệp tâm sự.
Có nên cấp "sổ hồng" cho condotel?
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đến cuối năm 2018, cả nước còn tồn hơn 20.000 căn hộ condotel. Nếu tính cả nguồn cung đang xây dựng, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019, ước tính sẽ khoảng 30.000 căn hộ condotel.
Sự tồn đọng của hàng vạn căn hộ condotel đã đặt ra nhiều e ngại về nguy cơ "đổ vỡ" trên thị trường bất động sản.
hời điểm hiện tại, vẫn đang có nhiều tranh cãi quanh việc nên hay không cấp sổ hồng cho condotel.
Mới đây, tại diễn đàn đầu tư bất động sản 2019, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA đã cho rằng, việc đưa condotel vào Luật Đất đai rất lôi thôi nên hầu hết đại biểu Quốc hội thống nhất là đã có luật rồi nên coi condotel nằm trong Luật Du lịch. “Trong luật này có khái niệm căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, hàm ý coi đó là condotel, vì ta không thể đem tiếng Anh vào trong luật được”, ông Nam nói.
Ông Nam cũng cho biết thêm: “Cho nên tôi ủng hộ quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường: xây trên đất gì thì cấp sổ trên đất ấy. Condotel xây trên đất dịch vụ có thời hạn thì cấp sổ có thời hạn, xây trên đất ở thì cấp sổ vĩnh viễn”.
Trên góc nhìn pháp lý, luật sư Trương Anh Tú phân tích: “Condotel mang bản chất của loại hình kinh doanh, dịch vụ, do đó, khi được xây dựng sẽ phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch xây dựng phát triển ngành du lịch ở mỗi địa phương và phù hợp với quỹ đất để phát triển ngành nghề này. Nếu thừa nhận condotel là một sản phẩm trong hoạt động kinh doanh bất động sản thì mặc nhiên phải cấp “sổ hồng”, để xác nhận quyền sở hữu tài sản nhà ở lâu dài cho người sở hữu, phù hợp với quy hoạch về nhà ở, đất ở cũng như quản lý khu dân cư”.