Aa

Hạn chế dự án nhà cao tầng khu vực trung tâm

Thứ Năm, 05/11/2020 - 15:37

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo về đề án “Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021- 2030”, trong đó nêu giải pháp hạn chế phát triển nhà cao tầng khu vực trung tâm nếu chưa có hạ tầng tương xứng.

Trung tâm, ngoại thành đều hạn chế phát triển

Cụ thể, Sở Xây dựng cho rằng khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1, quận 3) nên ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng cho các dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư thay thế chung cư cũ trước năm 1975.

Ở hai quận trên sẽ hạn chế phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2025 nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp.

Tương tự, trong năm năm tới, đối với các quận 4, 5, 6, 11, Phú Nhuận (là những quận có dân số giảm trong 10 năm trở lại đây) sẽ hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng.

Với khu vực sáu quận nội thành phát triển (quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân) sẽ ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (như tuyến metro số 1) hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Khu vực năm huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính; ưu tiên phát triển các khu du lịch kết hợp với sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh. Khu vực này đến năm 2025 cũng không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu vực chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Nhà cao tầng khu vực trung tâm TP.HCM. Ảnh: Hoàng Giang

Nên xem xét hài hòa giải pháp

“Xây cao tầng thì áp lực dân số tăng và chỗ đậu xe cũng khó khăn. Việc dịch chuyển nhà cao tầng ra vùng ven, hình thành đô thị vệ tinh là một định hướng tốt. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ để hài hòa lợi ích các bên”, ông Ngô Quang Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Tổng giám đốc Phú Đông Group, góp ý.

Theo ông Phúc, việc có hạn chế cao ốc hay không còn phụ thuộc vào quy hoạch. Tức là những khu đất đã có chỉ tiêu quy hoạch rồi thì đương nhiên việc xây dựng dự án cao tầng phải đáp ứng theo quy hoạch. Còn những dự án mới có thể do chính sách của TP không khuyến khích phát triển ở trung tâm vì lo ngại kẹt xe nhưng vẫn cần xem xét cẩn trọng để sử dụng tối đa hiệu quả quỹ đất của các chủ đầu tư.

Nêu quan điểm của mình, ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối bất động sản, cho rằng hiện nay các tuyến đường nội thành đã quá tải, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm nên tìm giải pháp giảm lưu lượng người lưu thông là cần thiết.

“Việc siết chặt việc cấp phép dự án cao tầng là một trong những giải pháp. Người dân hiện nay vẫn tập trung làm việc tại các quận nội thành (quận 1, 3, 5, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận) và nhu cầu tìm mua nhà gần nơi làm việc vẫn rất lớn. Chúng ta vẫn cần có thêm những giải pháp toàn diện hơn”, ông Việt đánh giá.

Theo ông Việt, TP nên cấp phép nếu các khu vực này đảm bảo được chất lượng hạ tầng, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có sản phẩm tốt, giá bán phù hợp túi tiền với từng phân khúc khách hàng.

Sở Xây dựng cho rằng việc phát triển nhà ở của TP trong 10 năm qua về cơ bản đã đạt được những kết quả đáng kể, từng bước đáp ứng được nhu cầu về nhà ở theo sự gia tăng dân số của TP. Chất lượng nhà ở được cải thiện và nâng cao, phát triển nhanh, mạnh chung cư cao tầng. Đặc biệt, nhiều khu chung cư nhà ở xã hội đã hình thành, cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975, chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, khu đô thị mới hình thành khá hoàn chỉnh với hạ tầng tương đối đồng bộ.

Tuy nhiên, quá trình phát triển nhà ở tại TP vẫn chưa bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Đồng thời, phát triển nhà ở chưa đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của TP.

Thị trường chưa ổn định

Trong quý II/2020, Sở Xây dựng TP.HCM đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai cho 8 dự án với tổng số 6.722 căn, tăng 69,8% so với quý II nhưng giảm 45,5% so với cùng kỳ quý III/2019.

Về tổng thể, thị trường phát triển chưa thật sự ổn định và thiếu đồng bộ. Nguồn cung tăng nhưng tập trung ở các phân khúc cao cấp và trung cấp, chưa đáp ứng nhu cầu thật của thị trường do đa số người dân có thu nhập từ trung bình đến thấp. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top