Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm soát bằng những công cụ mang tính thị trường hơn như CAR, LDR…
Khó chủ động
Các chuyên gia cho rằng, việc cấp hạn mức tín dụng theo quý của Ngân hàng Nhà nước có thể khiến các nhà băng có tâm lý thận trọng, chờ đợi. Bởi thực tế những năm trước cho thấy, có không ít nhà băng đã phải “ngồi chơi xơi nước” trong những tháng cuối năm để đợi Ngân hàng Nhà nước nới thêm room tín dụng do họ đã chót sử dụng hết hạn mức được cấp trong những tháng đầu năm.
Cách thức tạm ứng hạn mức này của Ngân hàng Nhà nước khiến ngân hàng khó có thể chủ động cho phương án kinh doanh. Bởi năm ngoái có không ít ngân hàng kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng để củng cố nội lực, hoặc vì thị trường quá rủi ro… Song năm nay khi thị trường thuận lợi hơn, không ít ngân hàng đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao. Do đó, nếu Ngân hàng Nhà nước phân bổ hạn mức tín dụng theo mức tăng trưởng của năm trước sẽ khiến các nhà băng khó tận dụng hết được cơ hội này.
Nên bỏ hạn mức tín dụng
Hạn mức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước áp dụng năm 1994 nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng quá đà và chính sách này đã bị bãi bỏ năm 1998. Thế nhưng đến năm 2011, biện pháp hành chính này lại được tái sử dụng do có những lúc tỷ lệ tín dụng/GDP lên tới 158%, dẫn tới không thể kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên bãi bỏ biện pháp hành chính này, thay vào đó là biện pháp thị trường khác phù hợp hơn.
“Ngân hàng Nhà nước nên điều hành tín dụng theo cơ chế thị trường, tức bỏ hạn mức này, thay vào đó sẽ kiểm soát chặt chẽ bằng hệ số an toàn vốn (CAR). Bởi, tử số của hệ số này chính là vốn chủ sở hữu và mẫu số là tín dụng và đầu tư, theo đó, kiểm soát được hệ số này thì sẽ khả thi hơn”, ông Lực đề nghị.
Nhiều chuyên gia khác cũng có chung quan điểm khi cho rằng hiện hầu hết các nước trên thế giới đều không áp dụng biện pháp hành chính này mà siết chặt các điều kiện về an toàn vốn. Còn các nhà băng phải “lựa cơm gắp mắm” nếu không muốn Ngân hàng Nhà nước xử lý bằng các biện pháp như buộc phải bổ sung vốn, cấm chia thưởng, chia cổ tức…/.