Bức xúc lên đến đỉnh điểm
Phát biểu tại Hội thảo “Tắc tiền sử dụng đất” do báo Thanh Niên tổ chức sáng 10/9, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thừa nhận, một trong những bức xúc lớn nhất hiện nay của cư dân chung cư chính là chuyện chậm cấp sổ hồng.
Theo ông Châu, việc chậm trễ không chỉ kéo dài trong 5-10 năm mà cá biệt có những dự án đến hơn 20 năm vẫn chưa được nộp tiền sử dụng đất để được cấp sổ hồng. Trong 4 năm trở lại đây, thành phố đã có nhiều cuộc họp trực tiếp với doanh nghiệp và người dân để giải quyết vấn đề này, tuy nhiên một số dự án ở phường Hiệp Bình Chánh, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú... vẫn đang bị treo sổ từ năm 2014 đến nay khiến người dân lẫn chủ đầu tư bức xúc.
Có mặt tại hội thảo, đại diện cư dân Lexington (Quận 2) cho biết, thời gian qua toàn thể cư dân đã tốn rất nhiều thời gian công sức vì mòn mỏi chờ đợi sổ hồng.
“Là người mua nhà, chúng tôi mong muốn được sớm cầm trên tay cuốn sổ hồng để có thể chuyển nhượng, cho tặng hoặc được công nhận đó là tài sản từ mồ hôi công sức của mình. Thực tế có nhiều người dân sau khi qua đời vẫn chưa được cầm trong tay cuốn sổ hồng. Đó là điều hết sức tàn nhẫn đối với cư dân chúng tôi”, vị đại diện cư dân bức xúc.
Cũng theo cư dân, lo lắng nhất là những người dồn hết tài sản hoặc vay tiền để mua căn hộ mà chờ hoài vẫn không có được quyền làm chủ. “Hãy thấu hiểu cho nỗi khổ của cư dân chúng tôi. Hãy làm thế nào đó giải quyết được sổ hồng cho cư dân nhanh nhất. Chúng tôi chỉ là người mua nhà hợp pháp và cần phải được hưởng quyền lợi chính đáng. Nếu không thể, sắp tới cư dân sẽ tiếp tục làm đơn kiện chính quyền”, đại diện cư dân nói.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu khẳng định việc chậm cấp sổ hồng gây ra rất nhiều hệ lụy. Đây là quyền và lợi ích hợp pháp của cả người mua nhà lẫn doanh nghiệp. Bởi khi có sổ hồng thì doanh nghiệp mới thu được 5% còn lại sau khi bàn giao nhà ở, nếu chậm ngày nào doanh nghiệp khó khăn ngày đó, trong khi áp lực dòng vốn và lãi vay với doanh nghiệp rất lớn.
“Ngoài ra chậm có sổ còn khiến người dân khiếu kiện, thậm chí tập trung căng băng rôn, khiếu nại gay gắt ở các dự án, ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư. Chưa hết, điều này còn tác động đến tổng nguồn thu ngân sách và gây ảnh hưởng kinh tế, xã hội. Theo số liệu mới nhất, 8 tháng đầu năm 2020, số tiền sử dụng đất mà thành phố thu được chỉ 4.453 tỷ đồng, giảm 52% so cùng kỳ”, ông Châu nói.
Cơ quan ban ngành thận trọng khi tham mưu
Trước những ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp bất động sản và người dân, ông Trần Văn Thạch, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thừa nhận so với thực tế, việc giải quyết các vướng mắc vẫn rất chậm.
Trong 5 năm qua, thành phố chỉ thu được thu 3 - 5% tiền sử dụng đất tại các dự án. Hiện còn hơn 100 hồ sơ của doanh nghiệp chưa được giải quyết. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị này đã tính giá đất được cho 38 dự án, sắp tới sẽ trình UBND TP thông qua thêm 49 dự án.
Ông Thạch nhận định quy trình tính giá sử dụng đất không khó mà chủ yếu vướng về mặt kỹ thuật, pháp lý. Đơn cử, một dự án thực hiện đầy đủ quy trình thủ tục một cách bài bản thì việc cấp giấy không vướng. “Tuy nhiên, đối với các dự án lớn, thời gian thực hiện kéo dài, trong quá trình triển khai có rất nhiều luật, quy định thay đổi, điều chỉnh nên vướng nhiều pháp lý. Khó khăn đôi khi từ cấp trung ương nên cơ quan địa phương khi vận dụng Luật để làm cũng khó”.
Giải thích thêm cho việc tại sao phải thận trọng, ông Thạch dẫn chứng, do trước đây cơ quan kiểm tra, kiểm toán qua từng thời kỳ đã có nhiều trường hợp tham mưu không chuẩn, dẫn đến sai phạm. Một số nguyên nhân khác là do chưa có bộ nguyên tắc tiêu chí kiểm tra, thẩm định giá đất; việc thu thập thông tin, phương pháp định giá cũng còn nhiều bất cập...
Về phía doanh nghiệp, ông Thạch nói không ít dự án trong quá trình xây dựng có nhiều thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, cấu trúc nhưng không xin điều chỉnh lại nên khi hoàn thành cần thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung. Lúc này, nhiều quy định đã thay đổi, phát sinh dẫn đến quá trình cấp phép còn gặp nhiều khó khăn.
"Không phải cơ quan chức năng làm khó mà đi sâu vào từng dự án có rất nhiều vấn đề, nhiều khó khăn về pháp lý. Phải xét từng dự án và nương theo các bộ luật điều chỉnh theo từng dự án. Nói chung, về mặt pháp lý còn rất nhiều vướng mắc mà đơn vị tham mưu như Sở Tài nguyên và Môi trường cũng rất khó giải quyết. Sở đang tập hợp, phân loại các dự án vướng mắc, báo cáo UBND TP để kiến nghị lên các Bộ để có những cơ chế gỡ vướng cho doanh nghiệp và người dân", ông Thạch nhấn mạnh.