Aa

Hàng không Việt Nam không "chết yểu" mà sẽ "đâm chồi nảy lộc" trở lại

Thứ Bảy, 30/05/2020 - 17:18

Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia tại Tọa đàm "Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi kinh tế" diễn ra ngày 30/5 do TAB phối hợp cùng Công ty Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức tại FLC Quy Nhơn.

Hàng không sẽ không "chết yểu​​​​​​​"

Mở đầu Tọa đàm, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ, cách đây gần sáu tuần, không ai nghĩ rằng có buổi gặp mặt đông đủ thế này. Khi đó, chúng ta mới bàn việc có tháo gỡ cách ly xã hội hay không. Hôm nay, có đông khách mời, người làm hàng không, du lịch, kinh tế, truyền thông báo chí có mặt ở hội thảo, cho thấy sự trỗi dậy của hàng không, kinh tế Việt Nam. Chúng ta tự hào vì toàn xã hội đồng lòng chống dịch, cùng nhau vượt qua đại dịch và phát triển kinh tế. Sự trỗi dậy của ngành hàng không là tự nhiên và tất yếu.

Ông Võ Huy Cường chia sẻ về thực trạng của ngành hàng không. Ảnh: Vnexpress

Giải đáp câu hỏi "Kịch bản nào nằm trong và ngoài những dự kiến của Cục hàng không", ông Cường cho hay, bây giờ chúng ta vẫn duy trì chuyến bay chở hàng đến và đi nhưng khách nhập cảnh còn hạn chế. Quan điểm của Cục Hàng không là tạo điều kiện tối đa cho các hãng hàng không, trừ trường hợp hạn chế về cơ sở hạ tầng. Theo đó, với đường bay Côn Đảo, Cục Hàng không dự định cho máy bay Airbus của Bamboo Airways khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo, quay về TP HCM. Hiện, vào ngày cao điểm có tới 21 chuyến bay giữa TP HCM và Cần Thơ nối Côn Đảo.

Theo ông Cường, dịch Covid-19 khiến thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng còn nhiều khó khăn. Chúng ta mong chờ thị trường quốc tế mở cửa thì mới có hy vọng phục hồi. Thông thường thị trường cao điểm vào tháng 5, tháng 6, tháng 7. Năm nay, ông Cường hy vọng sẽ có điều chỉnh như kéo dài mùa hè, cho học sinh đi học muộn thì sẽ có cơ hội phát triển trở lại.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ, có thể đưa ra hai kịch bản: Phát triển du lịch vùng, du khách sẽ không ra khỏi vùng đó; kịch bản thứ hai là phải kiểm tra y tế với khách quốc tế vào Việt Nam. Khi khách nhập cảnh sẽ kiểm tra sức khỏe lần hai, nếu âm tính thì được nhập cảnh. Sau đó, tiếp tục cách ly 14 ngày và kiếm tra lần ba, nếu làm như vậy thì có thể đón khách Đông Bắc Á, Đông Nam Á.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa dự báo kịch bản phát triển ngành hàng không. Ảnh: Vnexpress

Hiện tại, ngành vẫn chưa khuyến khích nhập cảnh. Đồng thời, Việt Nam cùng với Pháp nghiên cứu để xây dựng đường bay chở khách an toàn, song song chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng để trở lại mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, việc mở đường bay quốc tế vẫn còn là dấu châm hỏi, vì vậy, chúng ta nên thúc đẩy hàng không nội địa.

Thực tế, Covid-19 đang gây nhiều khó khăn, thách thức cho các hãng hàng không, các sân bay, hành khách. Vào tháng Hai, số lượng hành khách quốc tế đã bị giảm 10%, chủ yếu liên quan đến sự lưu thông giữa những nước trải qua sự bùng phát sớm của Covid-19. Vào tháng Tư, số lượng hành khách quốc tế tiếp tục giảm sâu đến 95%. Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) cho rằng, nhờ phản ứng nhanh nhạy của chính phủ, người dân Việt cùng đoàn kết phòng chống dịch mà các ngành công nghiệp có thể tái khởi động, trong đó có hàng không. Trong khi đó, tình hình ở Mỹ không khả quan, xác định mất 25% lượng khách.

Hiện nay, tại Việt Nam, có những đường bay đã đạt 80% so với cao điểm Tết. Thị trường khách quốc tế chưa đạt 50%. So với 2019, thị trường thị phần trên dưới 50% cho nội địa, còn lại là quốc tế.

Trả lời câu hỏi "Với một nền kinh tế hướng ngoại như Việt Nam và có tỷ trọng ngành dịch vụ lớn như Việt Nam thì sự phục hồi của ngành hàng không đóng vai trò như thế nào", Tiến sĩ Trần Du Lịch – Chuyên gia kinh tế cho biết cách đây 10 hôm, ông tham gia giải du lịch bóng đá quốc gia do Bamboo tài trợ, hình ảnh của cuộc thi khiến cả thế giới kinh ngạc, thèm thuồng. Bởi trong thời kỳ dịch bệnh nhưng đất nước Việt Nam lại quá yên bình, an toàn.

Chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng du lịch là ngành có tính lan tỏa cao. Ảnh: Vnexpress

Ngày 29/5, ông tới FLC Quy Nhơn và thấy mọi người "check-in" rất đông, số lượng phòng chật kín. Điều này chứng minh Việt Nam là điểm đến an toàn. Theo ông, ngành hàng không tác động rất lớn tới ngành kinh tế và nhiều hãng hàng không Việt trụ được cho tới bây giờ là rất giỏi. Ông hy vọng, tình cảnh của ngành hàng không sẽ chỉ như cái cây thiếu nước nhưng bộ rễ vẫn tốt, chỉ cần có một cơn mưa là có thể đâm chồi nảy lộc. Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng hiện tại, việc mở đường bay quốc tế vẫn còn là dấu châm hỏi, vì vậy, chúng ta nên thúc đẩy hàng không nội địa.

Khi được hỏi những khó khăn, vướng mắc và bất cập mà Bamboo Airways gặp phải trong và sau khi giãn cách xã hội, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC chia sẻ trước đó, đã kiến nghị với Cục Hàng không cùng Bộ Giao thông và cơ bản đã được giải quyết. Nhìn chung, đến thời điểm này, chính phủ, các bộ ngành đều làm rất quyết liệt, chính sách cho ngành hàng không, vì thế, khó khăn đã và đang được tháo gỡ. Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không đã kịp thời vào cuộc, đặc biệt là sau lệnh giãn cách xã hội

Ông Trịnh Văn Quyết chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Vnexpress

Hiện tại, Bamboo Airways đã mở lại tới 90% đường bay, tuy nhiên, nếu trước Covid, hãng bay 150 chuyến một ngày thì hiện tại mới đạt 50%. Tuy nhiên, Ông Trịnh Văn Quyết khẳng định sẽ phủ kín các đường bay nội địa vào đầu tháng 6 và chậm nhất là tháng 7. Ông mong muốn tạo công ăn việc làm cho người lao động tốt nhất vì Bamboo Airways không bị ảnh hưởng bởi nhiều thị trường quốc tế. Ông cũng rất vui vì hãng hàng không được người dân trong nước tin tưởng, ủng hộ.

Cần sự kết nối giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp du lịch, lưu trú và hàng không

Bàn về vấn đề, hàng không và du lịch phải kết hợp với nhau như thế nào để thúc đẩy sự phát triển, TS. Trần Du Lịch cho rằng, du lịch là ngành có tính lan tỏa cao, khi đi du lịch, du khách quan tâm đến ẩm thực, khách sạn... Vì vậy, ngành cần sự kết nối giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp du lịch, lưu trú và hàng không. Tiếp theo, chúng ta cần thay đổi trật tự ngành hàng không, sắp xếp lại các đường bay, chuyến bay.

"Qua thời kỳ bình thường mới, ngành du lịch khi đó mới trỗi dậy, cất cánh thực sự. Chính quyền địa phương có nhiệm vụ kết nối với doanh nghiệp để phát triển. Với ngành hàng không, không chỉ có máy bay mà còn có nhiều loại dịch vụ đi kèm vì vậy khi có khó khăn các dịch vụ cùng chia sẻ khó khăn với ngành để hỗ trợ ngành phát triển",  TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Ông Võ Huy Cường lý giải, trong Covid-19, chở hàng là cứu cánh, các hãng hàng không cũng nắm lấy cơ hội, nảy ra sáng kiến tháo 3-4 hàng ghế. Sáng kiến này nhiều nước phải học hỏi từ Việt Nam. Việc đẩy mạnh khai thác chuyến bay chở hàng sẽ giảm việc tàu bay nằm đất, đồng thời tối đa hoá nhân lực. Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi từ vận chuyển hành khách sang hàng hóa có những đặc thù riêng do đó phải nghiên cứu kỹ.

Các diễn giả thảo luận về các yếu tố giúp ngành hàng không phục hồi hậu Covid-19. Ảnh: Vnexpress

TS. Lê Xuân Nghĩa bình luận về việc bầu trời mở cửa trở lại, khởi thông cho ngành du lịch, kinh tế. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, thế giới đánh giá là sẽ suy thoái nhanh và phục hồi nhanh khi trung tâm dịch ở châu Á. Hiện nay, trung tâm dịch ở châu Âu, còn khu vực Đông Bắc Á đã bình ổn trở lại, các chuyên gia nhận định, kinh tế thế giới sẽ phục hồi không nhanh, mất vài ba năm. Tuy nhiên, Việt Nam không suy thoái kinh tế mà suy giảm tăng trưởng. Chúng ta đã dập dịch nhanh vì vậy cần tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế cùng khu vực Đông Bắc Á. Việt Nam phục hồi nhanh nhờ cầu nội địa và cầu thế giới, hi vọng mở cửa nhanh.

Chúng ta, nhìn lên bầu trời sẽ thấy cầu nội địa phát triển tốt, đây là lợi thế của ngành hàng không. Bầu trời sạch, dịch bệnh sạch rồi, chúng ta chỉ cần kích cầu. Chúng ta đã có bài học từ chính phủ Mỹ, Nhật Bản về kích cầu du lịch. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có giải pháp ở mức hạn chế vì sợ dịch bệnh kéo dài, tung hết giải pháp thì sau không còn gì để tung.

Với riêng FLC, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, FLC là doanh nghiệp trẻ, có tuyên ngôn vững chãi và nhiều cái nhất: An toàn nhất (máy bay mới, đi an tâm), đúng giờ nhất, dịch vụ của Bamboo Airways tốt. Ngoài ra, ông Lê Xuân Nghĩa mong muốn hãng hàng không này có quy trình chuyên nghiệp nhất, tiết kiệm thời gian nhất và tránh cho khách hàng chờ đợi mỏi mệt. Để làm được điều đó, hãng hàng không Bamboo Airways nên số hóa quy trình để tối ưu hóa và kết nối với ngành hàng không, du lịch nội địa cũng như toàn cầu.

"Bên cạnh đó, FLC và doanh nghiệp du lịch cũng nên kích cầu bằng chính sách giảm giá nhưng không giảm quá đáng, ưu tiên cho trẻ em để kích thích lớn với bố mẹ và tạo động lực cho thị trường du lịch nội địa. Cần có chính sách linh hoạt, đào tạo nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, nên có chia sẻ lợi ích công bằng giữa Tổng cục Hàng không với doanh nghiệp trong ngành. Bất cứ tổn thất nào trong ngành đều ảnh hưởng đến nền kinh tế, cần đặt lợi ích quốc gia lên trên thay vì cạnh tranh sát sườn giữa các doanh nghiệp. Quốc gia ở đây là lợi ích của người tiêu dùng và kết nối giữa người tiêu dùng với tăng trưởng kinh tế. Gần đây, ngành hàng không có hiện tượng các doanh nghiệp cạnh tranh chưa lành mạnh, đấu tranh sống còn với nhau. Điều này chỉ hợp với các ngành kinh doanh hàng hóa. Ngành này cần đầu tư lớn nên không thể cạnh tranh như vậy vì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của tài sản quốc gia", TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở du lịch tỉnh Bình Định mong muốn các ban ngành cùng chung tay xây dựng chương trình kích cầu du lịch địa phương như: giảm chi phí cơ sở lưu trú, ẩm thực... nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ. Đồng thời, các công ty lữ hành cũng cần nỗ lực đưa ra các tour, kịch bản du lịch phù hợp. Tỉnh Bình Định hiện có những sản phẩm du lịch như: nghỉ dưỡng biển đảo, tâm linh...

Giám đốc Sở du lịch tỉnh Bình Định mong muốn tất cả ban ngành cần thể hiện sự quan tâm với nhau. Bởi chỗ nào có sự gắn bó của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và hàng không thì sẽ mau hồi phục hơn. Như tại Bình Định, lượng khách sau giãn cách đạt 67%. "Tùy điều kiện thuận lợi, khó khăn, phải có sự chung tay giữa đơn vị hàng không, lữ hành, địa phương để đưa ra giải pháp phù hợp. Bởi nếu giảm giá liên tục sẽ phá nguyên một hệ thống, không thể làm huề vốn vì chi phí đầu tư cho du lịch cũng rất lớn. Chúng ta cần tìm ra tiếng nói chung để có sự hồi phục mạnh nhất", ông nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top