Aa

Hàng loạt cổ phiếu BĐS tăng giá mạnh trong tuần 6 - 10/11

Chủ Nhật, 12/11/2023 - 10:00

Thị trường chứng khoán tiếp tục hồi phục mạnh trong tuần từ 6 - 10/11, trong đó, nhóm bất động sản là tâm điểm khi ghi nhận nhiều cổ phiếu bứt phá.

VN-Index có tuần hồi phục thứ hai liên tiếp, trong tuần chỉ số rung lắc điều chỉnh kiểm tra lại vùng giá quanh 1.075 điểm và có phiên giao dịch tăng điểm mạnh 3,1%, thanh khoản gia tăng tích cực vượt vùng kháng cự mạnh 1.100 điểm, phiên này được nhiều chuyên gia đánh giá là phiên FTD (bùng nổ theo đà). VN-Index sau đó tiếp đà tăng lên vùng 1.125 điểm và chịu áp lực điều chỉnh trong 2 phiên cuối tuần. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 24,9 điểm (2,31%) so với tuần trước lên mức 1.101,68 điểm. HNX-Index đứng ở mức 226,65 điểm, tăng 8,9 điểm (4,09%) và UPCoM-Index tăng 1,87 điểm (2,22) lên 86,03 điểm.

Dòng tiền ngắn hạn gia tăng tốt trở lại khi thị trường duy trì nhiều cơ hội sinh lợi ngắn hạn tốt. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 20.265 tỷ đồng/phiên, tăng 27,6% so với tuần trước, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 25,6% lên 18.115 tỷ đồng/phiên.

Trong tuần, nhóm có biến động tích cực nhất là bất động sản. Dòng tiền tập trung rất mạnh vào nhóm này trước kỳ vọng 3 dự luật (sửa đổi) liên quan tới thị trường bất động sản được thông qua ở kỳ họp Quốc hội cuối tháng 11 này, bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Nhiều chuyên gia dự báo nếu các dự luật (sửa đổi) này được thông qua sẽ là cú hích đối với triển vọng của nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Thống kê 125 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường, có 82 mã tăng và chỉ có 28 mã giảm giá. Đứng đầu danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản là BIG của CTCP Big Invest Group với 17,7%. Mới đây, công ty đã công bố danh sách các mã nhà đầu tư chuyên nghiệp dự kiến tham gia mua cổ phiếu của đợt chào bán riêng lẻ. Dự kiến, công ty phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp và triển khai chuỗi khách sạn mang thương hiệu BIG Hotel trên các tỉnh thành.

Khá nhiều các cổ phiếu bất động sản có thanh khoản tốt tăng mạnh như DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh, NLG của CTCP Đầu tư Nam Long, PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt… Trong đó, DXS tăng đến hơn 25,8%. Ngày 10/11 vừa qua, HoSE đã chấp thuận cho công ty niêm yết bổ sung gần 121 triệu cổ phiếu DXS. Đây là số cổ phiếu trong đợt phát hành để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu của công ty trong tháng 10. Sau khi thay đổi niêm yết, vốn điều lệ tăng từ 4.531 tỷ đồng lên 5.741 tỷ đồng.

20 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm BĐS trong tuần 6 - 10/11.
20 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm BĐS trong tuần 6 - 10/11.

NLG cũng gây bất ngờ khi tăng hơn 14%. Tại Tọa đàm “Tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho bất động sản”, ông Thái Doãn Hòa, Phó Trưởng Phòng Phát triển Nhà và Thị trường Bất động sản - Sở Xây dựng Tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, trong đó có khó khăn ở Phân khu C4 tại TP Biên Hòa của Novaland, Nam Long và một số đơn vị khác.

PDR tăng 13,7% sau khi nhận được thông tin hỗ trợ. Theo Nghị quyết mới công bố, HĐQT đã thông qua chuyển nhượng toàn bộ 99,8 triệu cổ phần, giá trị theo mệnh giá 998 tỷ đồng, tương đương 99,8% vốn của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Phát Đạt (PDI). Giá chuyển nhượng không thấp hơn 130% mệnh giá, tức 1.287 tỷ đồng. Đối tượng nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Phát Đạt Holdings, công ty do ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT PDR, làm Chủ tịch HĐQT. Doanh nghiệp này là cổ đông lớn sở hữu 10% vốn PDR.

Ở chiều ngược lại, đứng đầu danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là V11 của CTCP Xây dựng số 11 với 15,3%. Tuy nhiên, V11 nằm trong diện có thanh khoản rất thấp nên nhiều lúc có biến động không phụ thuộc vào thị trường chung.

20 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm BĐS trong tuần 6 - 10/11.
20 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm BĐS trong tuần 6 - 10/11.

FIR của CTCP Địa ốc First Real gây chú ý khi giảm 11%. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ngày 8/11 ban hành quyết định về việc xử phạt số tiền 1,5 tỷ đồng đối với một cá nhân do đã sử dụng tài khoản chứng khoán của chính mình và 75 tài khoản của 21 nhà đầu tư để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu của Địa ốc First Real nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu FIR.

Trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản có VRE của CTCP Vincom Retail gây chú ý nhưng mức giảm của cổ phiếu này không quá mạnh với 1,8%. Trái ngược với VRE, hai cổ phiếu cùng họ “Vin” là VIC của Tập đoàn Vingroup và VHM của CTCP Vinhomes tăng lần lượt 8% và 4,4%. Trong tuần xuất hiện thông tin về cuộc gọp giữa ông Phạm Nhật Vượng với tỷ phú người Ấn Độ Gautam Shantilal Adani - người giàu thứ 23 thế giới. Hai vị cùng thảo luận về những cơ hội kinh doanh tiềm năng giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Thị trường đối mặt với áp lực chốt lời ngắn hạn

CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục đầu tiên và vận động lỏng lẻo và sẽ cần nhiều thời gian để tìm đến khu vực cân bằng cho quá trình tích lũy. SHS kỳ vọng nền tích lũy sẽ hình thành trên 1.100 điểm, phiên cuối tuần VN-Index có xu hướng test lại hỗ trợ 1.100 điểm nhưng rất có khả năng quá trình test lại hỗ trợ sẽ thành công.

Về tình hình vĩ mô, quý cuối năm thường là giai đoạn mà các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động nhất, GDP đang có xu hướng phục hồi đà tăng trưởng dù tôc độ tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng. Tình hình địa chính trị thế giới đang tồn tại nhiều bất ổn, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp, mặt khác tình hình lạm phát toàn cầu vẫn chưa thực sự được kiểm soát do xu hướng giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục tăng, kinh tế khu vực EU dễ bước vào suy thoái... điểm tích cực là lãi suất của Việt nam đang duy trì ở mức thấp và ổn định. Với tình trạng vĩ mô hiện tại nếu thị trường tìm đến điểm cân bằng và tạo nền tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp.

Trong khi đó, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng thị trường vừa trải qua một nhịp phục hồi tương đối mạnh và gắt, do đó, có thể tiếp tục đối mặt với áp lực chốt lời ngắn hạn trong những phiên đầu tuần tới. Vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế tâm lý “Fomo” mua đuổi khi cổ phiếu được “kéo xanh mạnh” trong phiên. Thay vào đó, nhà đầu tư nên chờ đợi các nhịp chỉnh để có thể xem xét mua vào cổ phiếu.

Về xu hướng thị trường xa hơn từ nay tới cuối tháng 11, ông Hinh cho rằng thị trường vẫn sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ kèm với dòng tiền cải thiện. Cụ thể, tỷ giá trong nước liên tục hạ nhiệt trong những ngày gần đây sẽ tác động tâm lý tích cực tới nhà đầu tư. Đồng thời, tỷ giá hạ nhiệt sẽ giúp chính sách tiền tệ được “dễ thở hơn” trong những tháng cuối năm, qua đó tạo điều kiện để dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường cổ phiếu.

Cuối tháng 11, thị trường sẽ hướng sự chú ý tới Nghị trường Quốc hội với kỳ vọng 3 dự luật (sửa đổi) liên quan tới thị trường bất động sản được thông qua, bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Nếu các dự luật (sửa đổi) này được thông qua sẽ là cú hích đối với triển vọng của nhóm doanh nghiệp bất động sản. Trong bối cảnh đang có nhiều thông tin hỗ trợ, kỳ vọng dòng tiền thông minh sẽ vẫn duy trì vị thế trên thị trường cổ phiếu và đà phục hồi có thể được duy trì. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong quá trình đi lên để mua vào cổ phiếu. Tuy nhiên, nhà đầu tư lưu ý đây mới chỉ là nhịp phục hồi, chưa xác nhận một xu hướng tăng giá bền vững, do đó, nên duy trì tỷ lệ cổ phiếu ở mức hợp lý khoảng 50 - 60% danh mục và hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy để quản trị rủi ro danh mục đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top