Aa

Hàng loạt cổ phiếu “lĩnh án” hủy niêm yết

Thứ Sáu, 15/06/2018 - 06:01

Nếu không có sự hiểu biết kỹ lưỡng về doanh nghiệp mà chỉ mua “hàng” theo trào lưu “hô hào” thì chính nhà đầu tư phải chịu thua lỗ, thậm chí “mất trắng” như cổ đông của nhiều doanh nghiệp “lĩnh án” hủy niêm yết.

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội vừa có thông báo hủy niêm yết 15 triệu cổ phiếu PXA của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An, tương ứng giá trị 150 tỷ đồng, kể từ ngày 5/6.

Việc cổ phiếu PXA bị hủy niêm yết là do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2017 theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, thuộc trường hợp bị hủy niêm yết theo quy định của Ủy ban chứng khoán.

Theo Báo cáo tài kiểm toán 2017, PXA lỗ hơn 22,1 tỷ đồng, năm 2016 lỗ hơn 20 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 lên trên 151,68 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ thực góp 150 tỷ đồng. Như vậy PXA đã lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.

ff

Nhà đầu tư là người chịu nhiều tổn thất nhất khi cổ phiếu bị hủy niêm yết

Cùng với đó, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng thông báo hủy niêm yết cổ phiếu SD7 của Công ty cổ phần Sông Đà 7 kể từ 25/5.

Nguyên nhân là do SD7 có kết quả kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp. Cụ thể, trong năm 2015 lỗ 14,6 tỷ; năm 2016 lỗ 21,13 tỷ và năm 2017 lỗ tiếp 17,6 tỷ đồng. Như vậy, 10,6 triệu cổ phiếu SD7, tương ứng với giá trị theo mệnh giá 106 tỷ đồng đã phải chào “tạm biệt” sàn chứng khoán.

Tiếp đến là cổ phiếu L44 của Công ty cổ phần Lilama 45.4 cũng đứng tên trong danh sách phải rời sàn chứng khoán. Nguyên nhân do lũy kế trên báo cáo tài chính kiểm toán tính đến 31/12/2017 của L44 đã vượt vốn chủ sở hữu thực góp.

Báo cáo tài chính 2017 của Lilama 45.4 ghi nhận mức doanh thu gần 61 tỷ đồng, nhưng giá vốn hàng bán lại cao hơn doanh thu. Do đó, sau khi trừ đi hết các chi phí, năm 2017 công ty lỗ 113,3 tỷ đồng, dẫn đến vốn chủ sở hữu bị âm 81 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng đưa cổ phiếu KHL của Công ty cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Hưng Long vào danh sách buộc hủy niêm yết. Nguyên nhân cổ phiếu KHL rời sàn là do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với Báo cáo tài chính năm 2017 của KHL.

Ở sàn HOSE, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM cũng đã có quyết định huỷ niêm yết đối với cổ phiếu STT của Công ty cổ phần vận chuyển Saigon Tourist.

Theo đó, 8 triệu cổ phiếu STT sẽ bị huỷ niêm yết từ ngày 6/7 và ngày giao dịch cuối cùng trên HOSE là 5/7/2018.

Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cổ phiếu STT bị hủy niêm yết là do Công ty có kết quả sản xuất, kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục căn cứ trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất các năm 2015, 2016 và 2017.

Trước đó, vào ngày 11/05, HOSE cũng đã đưa cổ phiếu STT vào diện kiểm soát đặc biệt do công ty này tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo.

Hiện cổ phiếu STT chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận.

Bên cạnh đó, cổ phiếu OGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương cũng có tên trong danh sách hủy niêm yết do nhiều năm thua lỗ. Theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã ra Quyết định số 125/QĐ-SGDHCM đưa cổ phiếu OGC vào diện kiểm soát kể từ ngày 21/4/2017 do Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 là âm 1.780,18 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ năm 2016 là âm 727,93 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2016 âm 2.479,73 tỷ đồng căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2015 và 2016.

Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, sẽ tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu OGC, việc xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu OGC sẽ căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2018 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương.

Như chúng ta đã biết, hủy niêm yết giao dịch chứng khoán gần như là mức cảnh báo cao nhất đến mức độ an toàn, minh bạch về mặt tài chính của doanh nghiệp.

Theo quy định, sau khi rời sàn niêm yết các doanh nghiệp sẽ phải đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh thua lỗ, cơ cấu tài sản - nguồn vốn mất cân đối, không ít cổ phiếu sau hủy niêm yết đã “ra đi không hẹn ngày gặp lại” như KSS, KTB, BAM, PTK… Thậm chí, những cổ phiếu đó nếu có tồn tại trên sàn thì cũng sẽ mất thanh khoản, dẫn đến giá trị đầu tư của cổ đông vào các mã cổ phiếu sẽ “không cánh mà bay”.

Do đó sự thanh lọc là cần thiết để cải thiện chất lượng cổ phiếu niêm yết cũng như “nâng cao chất lượng” cho thị trường chứng khoán và cũng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Với nhà đầu tư, nếu không có sự hiểu biết kỹ lưỡng về doanh nghiệp mà chỉ mua “hàng” theo trào lưu “hô hào” thì chính họ phải chịu thua lỗ, thậm chí “mất trắng” như cổ đông của nhiều doanh nghiệp “lĩnh án” hủy niêm yết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top