Hàng loạt cổ phiếu sắp bị hủy niêm yết, đình chỉ giao dịch
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố nhiều quyết định đình chỉ giao dịch và hủy niêm yết bắt buộc đối với một số cổ phiếu. Nguyên nhân do lỗ liên tiếp 3 năm và vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.
Đầu tháng 3, cơ quan quản lý đã chuyển cổ phiếu MIM của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Cơ khí sang diện đình chỉ giao dịch vì tiếp tục vi phạm về công bố thông tin (chậm nộp báo cáo quản trị năm 2022) sau khi đơn vị này đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch trước đó.
Công ty Sông Đà 4 (Mã: SD4) cũng bị xử phạt vì tiếp tục vi phạm công bố thông tin do chậm nộp báo cáo tài chính tổng hợp quý IV/2022. Theo đó, hơn 10,3 triệu cổ phiếu SD4 sẽ bị đình chỉ giao dịch từ ngày 14/3.
Ba mã khác gồm DZM của Công ty Cơ điện Dĩ An, VE2 của Công ty Xây dựng Điện Vneco 2 và mã KLF của Công ty Đầu tư Thương mại và xuất nhập khẩu CFS cũng bị đình chỉ giao dịch kể từ 14/3 vì chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 quá 6 tháng so với thời hạn quy định.
HNX còn có quyết định duy trì việc đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu LCS của Công ty Licogi 166 do chậm nộp báo cáo tài chính riêng/hợp nhất bán niên 2022 được soát xét quá 6 tháng so với quy định. Công ty cũng chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất, báo cáo tài chính soát xét bán niên và kiểm toán năm 2021 quá 6 tháng.
HNX cũng đã ra cảnh báo về nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc đối với gần 34,9 triệu cổ phiếu HHG của Công ty Hoàng Hà vào ngày 9/3. Nguyên nhân là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục giai đoạn 2020 - 2022.
Cùng ngày, HNX lưu ý về khả năng cổ phiếu VKC của Công ty VKC Holdings - Cáp nhựa Vĩnh Khánh bị huỷ bỏ niêm yết bắt buộc do có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp và tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022. Tại báo cáo tài chính quý IV/2022, lỗ lũy kế đã lên 215 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ (200 tỷ đồng). So với thời điểm một năm trước, cổ phiếu VKC bị thổi bay hơn 70% còn với kênh trái phiếu, VKC mới đây thông báo mất khả năng thanh toán và xin hoãn trả lãi lô trái phiếu 200 tỷ đồng.
Sở sẽ xem xét tiến hành huỷ bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu VKC theo quy định, đồng thời đề nghị VKC Holdings có văn bản phản hồi về vấn đề nêu trên trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ký thông báo.
Trong khi đó, HNX đầu tháng 3 đã ra thông báo cổ phiếu PVL của Công ty Đầu tư Nhà đất Việt có khả năng bị hủy niêm yết do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022.
Trước đó, tháng 2/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng có công văn gửi đến một số doanh nghiệp niêm yết lưu ý về khả năng bị hủy niêm yết cổ phiếu. Công văn được ban hành trong bối cảnh báo cáo tài chính quý IV/2022 được công bố.
Trong đó, đáng chú ý có Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Mã: HVN) lỗ ròng hơn 10.000 tỷ đồng năm 2022. Lũy kế lên mức kỷ lục 34.200 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, HoSE lưu ý Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (mã: UDC), Công ty Cổ phần Năng lượng và bất động sản (mã: MCG), Công ty Cổ phần Du lịch dịch vụ Hội An (mã: HOT) về khả năng bị hủy niêm yết cổ phiếu.
MCG cũng báo lỗ sau thuế hơn 84 tỷ đồng năm 2022. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, MCG báo lỗ. Năm 2020, doanh nghiệp bất động sản này lỗ hơn 9,3 tỷ đồng và năm 2021 là 36,7 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý IV/2022 của HOT cũng cho thấy lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cả năm là âm hơn 19 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2022 là hơn 64 tỷ đồng.
Nhà đầu tư làm gì khi cổ phiếu bị hủy niêm yết?
Theo quy định của pháp luật, hai trường hợp hủy niêm yết cổ phiếu gồm:
Hủy niêm yết tự nguyện: Doanh nghiệp tự nguyện hủy niêm yết nếu trên 50% số phiếu biểu quyết của cổ đông (không phải là cổ đông lớn) tán thành hủy niêm yết. Sau khi có quyết định chấp thuận của Sở Giao dịch Chứng khoán tối thiểu 2 năm, việc hủy niêm yết tự nguyện sẽ được thực thi.
Hủy niêm yết bắt buộc: Khi các mã cổ phiếu này không đáp ứng đủ điều kiện, quy định cho việc niêm yết chứng khoán (theo Nghị định 155 của Chính phủ). Một số lý do thường gặp dẫn đến việc cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc là vi phạm về luật chứng khoán, không hoạt động kinh doanh từ một năm trở lên, kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin...
Nhà đầu tư vẫn được giao dịch đối với cổ phiếu bị hủy niêm yết chuyển sàn, hoặc yêu cầu công ty cấp sổ cổ đông nếu hủy niêm yết không chuyển sàn.
Cổ phiếu bị hủy niêm yết là cổ phiếu không còn được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trước đó như HoSE, HNX, không được chuyển sàn hoặc có thể chuyển xuống UPCoM để đảm bảo tính thanh khoản.
Vậy khi hủy niêm yết thì các cổ phiếu này sẽ đi về đâu và quyền lợi của các cổ đông sẽ ra sao?
Trả lời PV Reatimes, Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc công ty Luật Phúc Khánh Hưng, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: "Khi cổ phiếu mà nhà đầu tư mua bị hủy niêm yết thì cổ phiếu của nhà đầu tư vẫn có thể giữ được giá trị của nó bởi pháp luật đã quy định các công ty có cổ phiếu bị hủy niêm yết đáp ứng điều kiện của pháp luật phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM để đảm bảo rằng cổ phiếu của nhà đầu tư vẫn có thể được mua bán như mong muốn của nhà đầu tư. Về quyền sở hữu, khi cổ phiếu bị huỷ niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về nguồn sở hữu đối với cổ phiếu vì doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đảm bảo cổ phiếu cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc giá trị của cổ phiếu có còn đạt giá trị cao hay cổ phiếu có được thanh khoản một cách dễ dàng hay không là một câu chuyện khác. Bởi một khi bị hủy niêm yết, chứng tỏ cổ phiếu của tổ chức phát hành không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe để có thể giao dịch trên Sở chứng khoán, đồng nghĩa với việc bị giảm sự uy tín dẫn đến khó mua đi bán lại.
Theo khoản 2 Điều 120 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, cổ phiếu bị hủy niêm yết được thực hiện giao dịch trên Hệ thống giao dịch UPCoM (hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết do Sở giao dịch chứng khoán tổ chức, vận hành). Chứng khoán của sàn này có tính rủi ro cao và mức giá giao dịch tại hệ thống giao dịch này khá thấp so với những sàn có sự niêm yết như sàn HoSE và HNX".
Luật sư Nguyễn Văn Hưng phân tích thêm: "Cổ phiếu sẽ không giao dịch được trên thị trường chứng khoán, trước mắt, nhà đầu tư bị ứ đọng nguồn vốn. Nói cách khác, số cổ phiếu này sẽ bị "đóng băng", không thể chuyển đổi thành tiền mặt được. Về lâu dài cổ phiếu đó có thể phục hồi hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Người sở hữu cổ phiếu vẫn sẽ là cổ đông công ty, có quyền lợi tương đương với số cổ phần họ nắm giữ. Tuy nhiên, giá trị cổ phiếu/cổ phần họ nắm giữ đó còn giá trị hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đó không thể phục hồi được mà dẫn đến bị phá sản thì cũng có thể nhà đầu tư sẽ rất thiệt hại, chỉ đòi hỏi được quyền lợi sau khi thanh lý tài sản doanh nghiệp. Còn trường hợp doanh nghiệp phục hồi tốt hoặc tái cơ cấu thì cổ phiếu đó lại có thể được niêm yết trở lại".
Vậy nên, trong trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết không chuyển sàn, nhà đầu tư nên liên hệ với doanh nghiệp và đề nghị cấp sổ cổ đông, xem lại các chính sách thu mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp nếu có. Trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết chuyển sàn, xuống sàn thấp hơn như UPCoM, nhà đầu tư vẫn được giao dịch tại sàn mới, nhưng tính thanh khoản sẽ thấp do giá trị cổ phiếu đã giảm./.