Aa

Hàng loạt địa phương ra chỉ thị “cắt cơn” sốt đất

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 08/06/2019 - 06:00

Ngay đầu năm 2019, một số địa phương tỉnh lẻ có hiện tượng sốt đất cục bộ, để ngăn chặn “bong bóng” bất động sản, nhiều tỉnh đã ra chỉ thị yêu cầu kiểm soát chặt chẽ thị trường.

Xung quanh cơn sốt đất nền tại một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận... Bộ Xây dựng cho rằng, trách nhiệm thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương. Cơ quan này giải thích, trong phạm vi chức năng của mình, Bộ chỉ quản lý các giao dịch mua bán bất động sản trong các dự án của doanh nghiệp, còn các giao dịch đất nền tại một số địa phương gây hiện tượng sốt nóng vừa qua thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh, thành. Đại diện Bộ Xây dựng còn cho rằng thị trường đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài Chính và chính quyền địa phương quản lý. “Sốt đất” chủ yếu do người dân mua bán đất cá nhân.

Cũng nói về chuyện sốt đất, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc sốt đất trước hết là do những người đầu cơ, những người có đất, những người muốn rửa tiền... họ đã lợi dụng tâm lý đám đông, thấy lợi là lao vào của một số nhóm người dân, tạo cơn sốt nóng để trục lợi. Thực tế kiểm chứng cho thấy, tại những tỉnh thành có hiện tượng sốt đất các nhà đầu tư chân chính thường đứng ngoài, không tham gia vào.

Ông Thanh cho rằng: “Để xảy ra tình trạng sốt đất, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Với chức năng, thẩm quyền của mình, các cơ quan quản lý tại địa phương phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan tới quy hoạch, dự án cho người dân. Đồng thời, cũng phải đưa ra những cảnh báo cho người dân cần đề phòng, tuyệt đối không tham gia các giao dịch thiếu cơ sở bảo đảm để tránh những rủi ro, đổ vỡ về tài chính.

Thực tế, rất nhiều người phải đi vay ngân hàng, người thân với số tiền rất lớn để mua đất, tuy nhiên, khi dự án gặp vấn đề không thực hiện giao dịch được hoặc giá đất bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực thì lập tức đã phải gánh cảnh nợ nần, phá sản”.

Đa số giới chuyên gia cũng nhận định, sốt ảo hay tích tụ “bong bóng” bất động sản bao giờ cũng dẫn tới hệ quả “vỡ bong bóng”, khi đó những người đang giữ đất sẽ bị tổn thất lớn về giá trị đất đai, trong khi những người buôn bán “lướt sóng” trước đó thì đã thu xong lợi nhuận về mình. Tổng lại, thị trường bất động sản không được thêm lợi ích gì mà còn bị thiệt hại do quán tính lớn làm cho thị trường rơi vào một giai đoạn trầm lắng. 

“Sốt đất” chủ yếu do người dân mua bán đất cá nhân.

“Sốt đất” chủ yếu do người dân mua bán đất cá nhân. 

Để tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản, hạn chế cơn sốt đất nền, hàng loạt địa phương đã đưa ra các văn bản yêu cầu phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.

Trong đó, UBND tỉnh Bình Thuận vừa có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường thanh kiểm tra và xử lý việc mua bán bất động sản không đúng quy định pháp luật. Theo đó, giao Sở Xây dựng nhanh chóng đăng tải các đồ án quy hoạch được phê duyệt trên cổng thông tin điện tử của Sở; Sở Kế hoạch Đầu tư công khai các dự án đầu tư trên cổng thông tin. Sở Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo các văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 

UBND TP. Phan Thiết tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản trên địa bàn, tổ chức công bố công khai các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, trước mắt tại các khu vực phường Phú Hài, phường Mũi Né, các xã Thiện Nghiệp, Tiến Thành, Phong Nẫm để người dân được biết. UBND các xã, phường xử lý việc lấn chiếm lòng lề đường để hoạt động môi giới bất động sản, treo bảng hiệu, bảng quảng cáo bất động sản không đúng quy định pháp luật.

Cùng thời điểm, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu UBND cấp huyện, Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, Ban quản lý Khu du lịch Bán đảo Cam Ranh theo dõi diễn biến tình hình thị trường bất động sản, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn quản lý.

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Xây dựng theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến thị trường và tham mưu UBND tỉnh có các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn tỉnh; đánh giá, lập, điều chỉnh bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh.

Hàng loạt địa phương ra chỉ thị “cắt cơn” sốt đất

Hàng loạt địa phương ra chỉ thị “cắt cơn” sốt đất 

Tương tự, UBND TP. Đà Nẵng cũng có văn bản mới chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động giao dịch và kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố: Sở Tài nguyên Môi trường được giao thực hiện công bố công khai và thường xuyên cập nhật các dự án phát triển đô thị, nhà ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. 

Sở Xây dựng có nhiệm vụ công bố công khai và thường xuyên cập nhật danh sách các dự án phát triển nhà ở đã có thông báo của Sở về việc nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê, cho thuê mua. Đồng thời phối hợp với công an thành phố và UBND các quận, huyện thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản.

Thành phố cũng giao Sở Tư pháp thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng, đặc biệt là tình trạng “ký chờ”, “ký gửi” trong giao dịch bất động sản. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch thường xuyên kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong việc đăng tải các thông tin quảng cáo, rao vặt có liên quan đến hoạt động giao dịch bất động sản. 

Trước tình hình hoạt động bất động sản trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là ở một số khu công nghiệp đã được Chính phủ đồng ý điều chỉnh giảm diện tích đất, mới đây, UBND tỉnh Long An đã tổ chức họp báo để thông tin về các nội dung liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản khu dân cư tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Long An đã có chỉ thị về việc chấn chỉnh công tác quản lý đất dân cư tại các khu công nghiệp. Cụ thể, đã chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra kỹ việc thực hiện các thủ tục chuyển đất khu công nghiệp thành đất dân cư, việc quy hoạch và chấp hành quy hoạch. Hướng dẫn, nhắc nhở các chủ đầu tư tuân thủ quy định, đồng thời kịp thời xử lý hoặc đề xuất xử lý các vi phạm đối với từng dự án. 

Ngoài ra, tại Quảng Nam thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhất là ở Núi Thành, Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ… các hoạt động liên quan đến việc môi giới kinh doanh bất động sản diễn ra hết sức phức tạp và không tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản. Do đó Sở xây dựng tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương tiếp tục ra quân chấn chỉnh, phá dỡ lều quán, ki-ốt, container, biển hiệu, bảng hiệu về kinh doanh môi giới bất động sản xây dựng trái phép trên vỉa hè, lòng lề đường, dự án và trên đất cá nhân có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất.

Có thể thấy, chỉ đạo của các địa phương nhằm ngăn chặn sốt đất là cần thiết giúp thị trường bất động sản dần đi vào ổn định và “cắt” được cơn sốt đất ảo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top